Nhạc sĩ Bảo Phúc đã qua đời

31/05/2009 16:07 GMT+7 | Âm nhạc

Vào lúc 12 giờ 52 phút ngày 31/5/2009, nhạc sĩ Bảo Phúc đã qua đời sau cơn hôn mê sâu kéo dài.

Trước đó, vào ngày 24/5/2009, nhạc sĩ Bảo Phúc đột ngột bất tỉnh khi đang ngồi uống nước cùng bạn bè gần nhà. Anh được đưa vào bệnh viện An Sinh cấp cứu. Sau đó, anh được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy và tiến hành một cuộc đại phẫu kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ.

Sau khi phẫu thuật, anh vẫn tiếp tục hôn mê sâu và đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12 giờ 52 phút  ngày 31/5/2009. Anh ra đi trong lúc dở dang nhiều dự án âm nhạc chưa hoàn thành.

Nhạc sĩ Bảo Phúc - Một chân dung đa diện

Sự đóng góp bền bỉ cho nền âm nhạc của nhạc sĩ Bảo Phúc thể hiện rất rõ qua những cách gọi mà giới nghệ thuật ưu ái khi nhắc về anh: Từ “thần đồng nhạc - họa”, đến “vua nhạc cụ”. Thật khó để có vẽ một chân dung hoàn chỉnh về người đàn ông đa tài này, cuộc gặp gỡ gần đây hé lộ nhiều câu truyện thú vị về cuộc đời đầy thăng trầm của một cá tính sống quyết liệt ẩn bên trong vẻ ngoài hiền khô và giọng nói rủ rỉ như một người bạn thân lâu ngày gặp lại.

Nổi danh với những ca khúc nổi tiếng như: Những nẻo đường phù sa, Dòng sông không trở lại, Gót hồng… nhưng ít người biết nhạc sỹ Bảo Phúc được sinh ra trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc, ông nội của Bảo Phúc là em thứ ba của Vua Thành Thái, tước vị Tuyên Hóa vương.

Nhạc sĩ Bảo Phúc

Cha ông, nhạc sỹ Vĩnh Phan, tước hiệu Đinh hầu, vốn nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ cổ truyền. Mẹ ông, nghệ sỹ Bích Liễu, một giọng ca chầu văn nổi tiếng trong dòng nhạc cung đình Huế. Từ nhỏ âm nhạc từ truyền thống gia đình đã ngấm vào máu của ông. Năm lên 8 tuổi, Bảo Phúc học tại trường Quốc gia âm nhạc Huế nhưng rồi bị đuổi học vì một lý do rất ngớ ngẩn: phanh áo ra ngồi học khi trời nóng. Sau đó anh lại thi đậu vào trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn và hai năm sau đoạt giải Nhất cuộc thi âm nhạc toàn quốc.

Nhưng quãng thời gian sung sướng của anh không kéo dài được lâu, khi chạm đến tuổi trưởng thành, gia đình anh gặp biến cố và từ đây bắt đầu chuỗi ngày cơ cực để giúp đỡ gia đình. Thời gian này đã cho anh rất nhiều trải nghiệm sâu sắc mà chính anh tự nhận: “Tôi nghĩ, một nhạc sỹ vào đời trên nhung lụa sẽ khó tiến xa”.

Từ một nghệ sỹ sống trong giàu sang, mẹ anh thức khuya dậy sớm bươn bả kiếm sống bằng nghề làm bánh bán mỗi sáng, để phụ giúp mẹ anh em anh mỗi người một việc để mưu sinh kiếm sống, anh trai anh Bảo Chấn thì đi đạp xích lô, còn anh thì làm đủ thứ, bán báo, làm bánh... Sau khi tốt nghiệp trung cấp vào đại học, thời gian đó, buổi tối Bảo Phúc đi chơi nhạc khắp nơi, đánh đàn cho đám cưới… nhưng kết quả học tập của anh vẫn xuất sắc nên anh được giữ lại trường làm nghiên cứu âm nhạc.

Năm 1986, anh nhảy vào lĩnh vực thu âm lúc đó còn rất mới mẻ, sau một thời gian cộng tác với các hãng băng đĩa, Bảo Phúc đã khẳng định được tên tuổi của mình trong làng phối khí. Trả lời cho câu hỏi sao anh lại chọn một ngành rất ít người làm và không hề có một trường lớp đào tạo bài bản ở Việt Nam, anh cười: Vì đó là một con đường còn hoang sơ và đầy khó khăn! Anh nói thêm: Khi anh nghĩ mình sẽ là một nhạc công, thì anh chỉ là một nhạc công, nhưng nếu anh nghĩ xa hơn, anh xem tố chất trong con người mình có cái gì, mình phải khai thác, mà trong anh nội tâm cực kỳ dữ dội, với công việc của người phối khí, anh tha hồ tưởng tượng, anh tha hồ được phiêu linh trong thế giới nội tâm của chính mình.

Sau khi đi sâu vào phối khí, nhạc sỹ Bảo Phúc lại thích đi vào những cái khó hơn, như nhạc múa, nhạc phim, những ngành gọi chung là khí nhạc. Một kiến thức sâu rộng về âm nhạc, khả năng biết sử dụng đến 25 nhạc cụ, khả năng dàn dựng sân khấu từ không chuyên đến chuyên nghiệp và có được một giọng hát thiên phú mà không ít ca sỹ phải ghen tỵ đã tạo nên một chân dung đa diện của người nhạc sỹ tài năng này.

 

Ít người biết ngoài tài năng về âm nhạc, Bảo Phúc còn có một khả năng thiên bẩm về hội họa, từng đoạt giải Nhất hội họa toàn quốc năm 10 tuổi và giải Ba thế giới với 104 nước tham gia do Đài Loan tổ chức. Bất ngờ một tai nạn đã khiến anh hỏng một mắt nên anh từ bỏ ý định trở thành họa sỹ và chuyên tâm vào âm nhạc. Nhưng khả năng về hội họa đã gắn kết tình bạn giữa anh và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, một người tài hoa về nhạc cũng như họa.

Ngay cả truyện đọc sách Bảo Phúc cũng ảnh hưởng từ anh Sơn, anh thường kết giao với những người bạn lớn tuổi hơn mình, và là những người rất am hiểu về sách, anh trò chuyện với họ và có thể đọc sách qua chính những câu truyện mà họ bình phẩm, thảo luận về cuốn sách đó.

Giờ đây ngập đầu trong những đơn đặt hàng làm nhạc cho phim, có lúc có hợp đồng với 4 bộ phim, thời gian của nhạc sỹ Bảo Phúc được tiết kiệm đến từng phút, có những lúc mệt mỏi trong phòng thu, anh gặp gỡ bạn bè, rồi trong những phút tưởng thư giãn đó, đầu óc anh vẫn tìm những ý tưởng mới cho công việc, khi chợt nghĩ ra một ý hay nào đó, anh lại lặng lẽ rời cuộc vui miệt mài trong phòng thu cho tới đêm.

Sở trường của anh là luôn pha trộn giữa nhạc tây âu và nhạc dân tộc, theo anh chỉ có con đường đó thì mình mới nói chuyện được với thế giới, đầu tiên là một sự bắt chước, sau đó là quên đi sự bắt chước để sáng tạo con đường cho riêng mình. Phía trước anh luôn có nhiều dự định mới, những gì mà khán giả mong đợi chính là những kỷ lục mới của anh - những kỷ lục đã làm nên một Bảo Phúc rất riêng, rất đặc biệt!
 
Theo ANTĐ
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm