11/09/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của nhạc sĩ Việt Anh và HBSO vừa mang đến một trải nghiệm nhạc kịch thuần Việt ấn tượng tại Nhà hát TP.HCM tối 10/9. Sau 5 năm chờ đợi, đây là lần đầu công diễn với phiên bản sân khấu đầy đủ, để kỷ niệm 30 năm Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO).
Suốt một tiếng rưỡi, hàng trăm khán giả có dịp sống lại tuổi thơ đầy hoài niệm khi dõi theo từng bước chân phiêu lưu của Dế Mèn. Vẫn nguyên cốt truyện và những nhân vật quen thuộc mà Tô Hoài đã dựng nên: Dế Mèn, Dế Trũi, chị Cốc, Nhà Trò, thầy đồ Cóc, nhà Kiến, Xiến Tóc..., nhưng nhạc kịch sống động và hấp dẫn hơn khi lồng ghép nhiều câu chuyện thú vị, trẻ trung, bắt nhịp "thời sự" tươi mới của hiện tại.
Sức hút của vở nhạc kịch thuần Việt
Lấy cảm hứng từ tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài, từng ra mắt và gây tiếng vang lớn với phiên bản hòa nhạc năm 2018, dễ hiểu vì sao lần công diễn đầy đủ này sớm "cháy vé". Không đợi đến ngày chính thức, buổi tổng duyệt của nhạc kịch cũng thu hút không ít giới yêu nghệ thuật đến xem trước.
Với các nghệ sĩ, điều tâm đắc đầu tiên về nhạc kịch này là yếu tố thuần Việt 100%. Lâu nay, các vở nhạc kịch trong nước thường ít nhiều dùng âm nhạc hoặc ý tưởng, cảm hứng từ những vở nhạc kịch quốc tế. Dế Mèn phiêu lưu ký có câu chuyện từ văn học Việt Nam, âm nhạc từ nhạc sĩ Việt Anh, kịch bản và tổng đạo diễn là biên đạo múa Tuyết Minh. Mọi khâu sản xuất từ âm nhạc, dàn dựng, biên đạo, thiết kế, âm thanh ánh sáng... đều do nghệ sĩ từ ba đoàn giao hưởng, hợp xướng và múa của HBSO đảm trách với hỗ trợ từ các đồng nghiệp khác tại TP.HCM. Tất cả cùng chung tay tạo nên một tác phẩm chất lượng và xứng đáng để tự hào về nhạc kịch thuần Việt.
Ý tưởng về nhạc kịch thuần Việt đến với Việt Anh và nhạc trưởng Trần Nhật Minh từ hơn 7 năm trước. Khi chọn được Dế Mèn phiêu lưu ký, Việt Anh mất 6 tháng để hoàn thành phần nhạc và ra mắt phiên bản hòa nhạc đầu tiên. Sau 5 năm, vở diễn đã có nhiều thay đổi, điều chỉnh, viết mới hơn phân nửa để phù hợp nhất với phiên bản đầy đủ gồm cả nhạc và kịch, phục trang sinh động, vũ đạo chuyên nghiệp, hiệu ứng sân khấu hiện đại... Sự cộng hưởng cả phần nghe lẫn phần nhìn giúp mang đến một câu chuyện đầy đặn và đa màu sắc, với các nhân vật nay đã thành hình "bằng xương bằng thịt".
Để làm được điều đó, gần 200 người cả trên sân khấu và sau hậu đài đã làm việc miệt mài với cường độ cao, chỉ vỏn vẹn trong 20 ngày. Về phần nhạc, Việt Anh mỗi ngày đều theo sát quá trình dàn dựng để sáng tác, viết lại nhạc mới, gửi cho ê-kíp tập luyện rồi lại cùng nhạc trưởng Trần Nhật Minh điều chỉnh từng chút một. Âm nhạc xuất hiện xuyên suốt cả vở, có ý tứ cả những phân đoạn nhạc nối, chuyển cảnh. Mỗi bài hát đều được "đặt hàng" riêng theo ngữ cảnh và tôn vinh chất giọng của từng ca sĩ.
Với Trần Nhật Minh, nhạc kịch lần này còn cuốn hút bởi năng lượng trẻ trung, hợp thời. Không chỉ bổ sung nhiều góc nhìn về các vấn đề xã hội Việt Nam đương thời, phần âm nhạc còn kết hợp đa thể loại từ pop, rock, jazz, dân gian và có cả những đoạn rap "chất" do chính các nghệ sĩ trẻ của nhà hát chủ động đề xuất. "Mình tin không có sự phân biệt rap là đường phố hoặc giao hưởng là sang trọng. Âm nhạc hay và truyền tải được cái đẹp thì xứng đáng được mang lên tôn vinh trên sân khấu" - Trần Nhật Minh khẳng định.
Và những thông điệp ý nghĩa
"Hành trình với Dế Mèn cho mình trải nghiệm toàn tâm toàn ý 100% cho sáng tác và cảm xúc của câu chuyện. Dế Mèn phiêu lưu ký không chỉ hấp dẫn các em bé mà còn chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc và vẫn nguyên giá trị ở hiện tại. Có những niềm vui hồn nhiên, có những đoạn đầy tâm trạng khiến mình xúc động. Khi viết, mình đã không hình dung rằng vở nhạc kịch này còn khiến mình được chữa lành" - nhạc sĩ Việt Anh tâm sự.
Anh tâm đắc với nguồn năng lượng tích cực, sức sống mãnh liệt và những giá trị yêu thương trong trẻo gửi gắm qua tác phẩm.
Còn với nghệ sĩ Đào Mác (vai Dế Mèn), tác phẩm dễ gợi đồng cảm ở mỗi chúng ta vì ai cũng từng phải đi qua vấp ngã, đau thương, mất mát để trưởng thành và biết trân trọng những điều quý giá của cuộc sống. Đó là tình yêu, tình thân, tình cảm bạn bè. Vở diễn cũng cổ vũ các bạn trẻ dám ước mơ, dám hành động, thể hiện khát vọng chung sống hòa bình, xóa tan xung đột. Những cảm xúc này càng ý nghĩa hơn sau biến cố đại dịch vừa qua. Sau cùng, nguồn năng lượng cảm thông, đoàn kết, san sẻ yêu thương để xây dựng thế giới tốt đẹp luôn là mong ước chung của tất cả. Như lời hiệu triệu của Dế Mèn ở cuối hành trình: "Muôn loài cùng nhau kết thành anh em".
Không chỉ là tác phẩm xứng đáng để kỷ niệm 30 năm thành lập HBSO, mà còn được kỳ vọng trở thành một trong những chương trình nghệ thuật hấp dẫn để biểu diễn định kỳ tại TP.HCM. Hành trình của Dế Mèn sẽ rộng mở hơn, đến với đông đảo công chúng tại phố đi bộ, hoặc sẽ gặp gỡ các bạn sinh viên, học sinh với nhiều hình thức phù hợp...
Không dám nói đã làm tốt
"Khi viết Dế Mèn phiêu lưu ký, tôi phải tự áp lực bản thân và thử thách với nhiều cái mới. Trước đây, mình viết cho múa, cho phim thường là cổ điển đương đại, chất nhạc đó đúng là mình. Với nhạc kịch này, tôi thử sức với rap, với rock, nghe thêm dân ca để chắt lọc, làm những điều hoàn toàn khác. Hai là sức ép thời gian khi làm việc với cả ê-kíp quá bận rộn. Tôi quen sáng tác chậm và làm việc một mình, giờ phải "cày" mỗi ngày cho kịp. Chúng tôi chỉ có một tháng để làm mọi thứ. Cuối cùng tôi phát hiện: vẫn làm được. Tôi không dám nói đã là làm tốt, nhưng là khá ổn. Sức ép thời gian kích thích sáng tạo và khiến tôi luôn hứng khởi để đi về phía trước" - nhạc sĩ Việt Anh.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất