Nhạc kịch 'biến tấu'

08/06/2014 06:25 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Phải công nhận: việc các sân khấu kịch nói TP.HCM đưa “ca-múa-nhạc” vào vở diễn và gọi tên “nhạc kịch” là một nỗ lực làm mới rất đáng ghi nhận. Thế nhưng, để làm được một vở nhạc kịch thực thụ, hấp dẫn, xem ra đường hãy còn xa lắm.

Về khái niệm, nhạc kịch (musical theatre) được định nghĩa như là một kết hợp giữa ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa trên sân khấu, và kịch bản của nó mang tính kịch. Ngày nay nhạc kịch đã có nhiều biến tấu và biến đổi theo hoàn cảnh của từng văn hóa địa phương, từng sân khấu, nên ngay tại “cái nôi” phương Tây vẫn có những vở “nhạc kịch làm không giống ai”.


Cảnh trong vợ nhạc kịch Ngàn năm tình sử. Ảnh: Văn Bảy

Chỉ mới hát ca khúc theo kịch bản

Theo thể thức thông thường thì nhạc kịch không phải và không chỉ dùng ca khúc để minh họa cho ý đồ kịch bản. Thế nhưng một số vở được gọi là nhạc kịch trên các sân khấu kịch nói TP.HCM chỉ mới hát ca khúc theo kịch bản. Ví dụ gần nhất là Vũ điệu dưới trăng của Hòa Hiệp. Vở này mà gọi cho đúng tên phải là “ca khúc kịch”, mà hát không hay, chứ chưa phải là nhạc kịch, vì nó còn thiếu vài yếu tố đặc trưng khác.

Kinh nghiệm này nhạc sĩ Tuấn Khanh từng gặp. Anh kể: “Có lần, một nhà sản xuất cầm lên cho Công ty MFC Star gần 100 bài hát và nói họ muốn xây dựng một bộ phim - nhạc kịch. Theo ý của nhà sản xuất thì bên thực hiện cứ chọn bài nào có vẻ “ăn” với kịch bản thì làm nhạc và nhét vào. Dĩ nhiên dự án đó bị từ chối vì quá thô thiển, nhưng kiểu tư duy này vẫn còn hiện diện khá phổ biến trong những nhà sản xuất “nhạc kịch” Việt hiện nay”.

Hai vở nhạc kịch do đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Duy dàn dựng là Chicago và Tuyết đỏ vốn được khen ngợi thì cũng chỉ mới ổn phần chuyển ngữ ca từ và tư duy tổng thể, chứ hát còn rất yếu, lại chưa đồng bộ với diễn và múa.

Bất cập về hát-múa-diễn là điều dễ nhận thấy nhất từ các vở “nhạc kịch” trên các sân khấu kịch nói TP.HCM. Thế nhưng yếu nhất vẫn là ở khâu kịch bản, khi mà tư duy câu chuyện ban đầu vẫn “bám sát” kịch nói, chứ chưa mở rộng sự đồng bộ cho hát-múa-diễn, một yêu cầu tiên quyết để làm nên chất nhạc kịch.

Nhạc kịch đúng nghĩa

Nếu tìm một vở có cốt cách của nhạc kịch nhiều nhất thì phải kể đến Ngàn năm tình sử (ĐD: NSƯT Thành Lộc) của Kịch IDECAF.

Kịch bản này khá mẫu mực, do Nguyễn Quang Lập viết, nên ngay từ đầu, khi dựng vở thì ê-kíp đã chuyển hướng mạnh sang nhạc kịch. Nhạc sĩ Đức Trí sáng tác toàn bộ phần nhạc, đã từng phát hành đĩa độc lập, nghĩa là tương đối hoàn chỉnh. Biên đạo Tấn Lộc lo phần múa, anh tạo nên nhiều lớp diễn bằng hình thể rất ấn tượng. Rồi thiết kế sân khấu, phục trang, ánh sáng… cũng góp phần không nhỏ vào diện mạo chung.

Sở dĩ Kịch IDECAF thành công với thể loại nhạc kịch hơn các địa chỉ khác, có lẽ do họ có kinh nghiệm với “kịch hát múa” trong nhiều năm. Tại chương trình Ngày xưa ngày xưa mà họ đã và đang rất thành công, trong mỗi vở, một số lớp diễn đã được tư duy theo lối nhạc kịch.

Gần đây, vở kịch thiếu nhi Cuộc chiến của ông kẹ và các bà mẹ của họ cũng được khen ngợi ở khía cạnh nhạc kịch. Khi vở này sắp ra mắt, nhạc sĩ Tuấn Khanh từng nhận định: “Những diễn viên - hát trong nhạc kịch thì đôi khi không quan trọng ở giọng hát, mà còn do tính cách riêng. Như với Hữu Châu, tính cách và phong cách diễn đạt của anh luôn làm người ta thú vị. Khi đó tiếng hát chỉ còn là một phần bổ sung. Trong một vở diễn mới sắp tới, Hữu Châu sẽ hát để vào vai một vị thần. Cái cách hát rền vang và uy quyền của nghệ sĩ Hữu Châu trong phòng ghi âm, chắc là không một nghệ sĩ thị trường nào có thể làm được”.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm