Nước & thuyền

03/08/2009 11:15 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Hôm qua, nhìn Huỳnh Đức thăng hoa, nhiều người có lẽ nhớ đến Trần Vũ. Hai người, một đang trên tầng cao còn anh kia đang trong tủi hận đúng nghĩa.

Bóng đá Đà Nẵng, chỉ hai người thực sự tạc vào lịch sử. Trần Vũ với hai chiếc cúp danh giá: giải VĐQG 1992, Cúp QG 1993. Hôm qua, đến lượt Huỳnh Đức với ngôi quán quân V-League 2009 chính thức đạt được. Chưa kể, đường đến vòng nguyệt quế mặt trận Cúp QG đang có cơ hội cụ thể hoá khi thầy trò ông Đức chỉ còn một trận chung kết trước Thể Công.

Sự so sánh hai công thần này, sẽ là khiên cưỡng vì 17 năm qua đã là một khoảng cách quá xa với hoạt động bóng đá. Tuy vậy, nhìn lại sự thành công giữa hai thời điểm, sẽ thấy không ít sự tương đồng, hay gọi những yếu tố cơ bản tạo nên thành công.

Cả hai HLV này rất gặp thời trong hành trình ghi sổ công thần bóng đá sông Hàn. Họ đã may mắn được sở hữu được một thế hệ cầu thủ tài năng, thiện chiến và đặc biệt vì màu cờ sắc áo. Thời Trần Vũ, Công Nhân Quảng Nam- Đà Nẵng những năm đầu thập niên 1990 được ghi nhận họ muốn thắng ai cũng được bởi quá nhiều hảo thủ.

Thế hệ tài năng của bóng đá Đà Nẵng trong tay Huỳnh Đức bây giờ chất lượng chưa phải kiệt xuất, nhưng có thể làm nên nhiều điều. Họ đã thể hiện muốn thắng ai thì thắng (trừ trước Bình Dương) ở mùa này rồi đấy. Đã vậy, ngoại binh của SHB.ĐN quá khủng khiếp, lại thực sự coi SHB.ĐN như một phần máu thịt của mình.
 
 Người Đà Nẵng ăn mừng chức vô địch: Như hội trên khán đài – Với những chiếc cúp “hoàng tráng” – Và nổ tung bên chiếc tivi ngoài phố - Ảnh: Nguyệt Lê
 
Hãy nhìn lại 17 năm qua, sau thế hệ những Vũ, Hùng, Thìn, Toàn, Sinh... thì bóng Đà Nẵng cho đến thời Huỳnh Đức cầm quân là một khoảng trắng. Chỉ Hùng Dũng, Quang Cường là thực sự trụ được.

Yếu tố thứ nhất kích hoạt cho yếu tố thứ hai, tức cả hai được sự hậu thuẫn rất lớn từ sự cuồng nhiệt một cách đặc biệt của khán giả Đà Nẵng. Nên nhớ, người dân chỉ thực sự phát cuồng khi đội bóng địa phương mình khởi sắc, nhất là có nhiều ngôi sao nội tại.

Khán giải sông Hàn xứng đáng là tiêu biểu để VFF tự hào, báo cáo thành tích với FIFA, AFC vì sự cuồng nhiệt mà ít lệch chuẩn, sự chung tình bất chấp có những lúc họ bị quay lưng.

Thời thế hệ vàng thứ nhất của Trần Vũ, sân Chi Lăng đã nhiều phen quá tải. Chi Lăng thực sự là thánh địa thiêu đốt các đối thủ trong nước thời Công nhân Quảng Nam- Đà Nẵng. Năm nay, hình ảnh đó tái hiện. Điển hình là có trận bị vỡ thật, như gặp B.BD ở lượt đi. Chơi trên sân nhà, chưa bao giờ thầy trò Huỳnh Đức phải nếm mùi thất bại từ đầu giải đến nay.

Chiều qua, sau khi hoàn tất các thủ tục ăn mừng, Huỳnh Đức mới từ bên này chạy một mình sang khán đài B, nghiêm cẩn chào khán giả. Cũng chỉ hôm qua, trên khán đài, lãnh đạo đội bóng này mới căng băng rôn rất to, trân trọng cảm ơn khán giả đã cổ vũ cho SHB.ĐN trong thời gian qua. Họ đã ý thức được kiểu dân là nước, nước có thể đẩy thuyền đi nhưng cũng có thể lật úp thuyền bất cứ lúc nào. Hơn 30 nghìn khán giả sông Hàn cuồng nhiệt là vậy, nhưng tuyệt không quá khích dù sự phấn khích đã lên đến cực điểm. Khi ánh đèn Chi Lăng tắt, những dòng người tỏa về các ngả đường trong sự trật tự đến kỳ lạ.

Bóng đá suy cho cùng, mục đích tối thượng là phục vụ khán giả. Dân không “thương”, họ tẩy chay đến sân, thì bóng đá sẽ chết.

Thế nên, hai nhân vật lịch sử, Trần Vũ- Huỳnh Đức, từng và đang được thừa hưởng những di sản vô cùng đáng quý của bóng đá sông Hàn.
NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm