03/09/2022 19:01 GMT+7 | Văn hoá
Trang xuất bản sách trực tuyến rất lớn ở Nga là Litres đang bán hai cuốn sách Truyện cổ tích Việt Nam - do nhà Đông phương học kể chuyện và Ẩm thực Việt Nam - Truyện ăn ngon miệng, do Daria Mishukova biên soạn. Nhà Việt Nam học này cho biết mục đích chính của việc biên soạn là để độc giả biết tiếng Nga đến gần hơn với văn hóa Việt.
Daria Mishukova chia sẻ: “Trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19 gần 2 năm, tôi chủ yếu ở nhà để rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, áp dụng công nghệ mới, học ngoại ngữ, đọc nhiều sách và viết sách về Việt Nam. Vì sau khi bình thường trở lại, chắc chắn sẽ không có thời gian cho những việc này”.
* Nhưng từ ý tưởng nào mà chị muốn biên soạn một cuốn sách về truyện cổ tích Việt Nam?
- Tôi muốn thử nghiệm chương trình “làm kế hoạch - có kết quả”. Tôi muốn hoàn thành cuốn sách trong vòng 10 ngày, mỗi ngày kể một truyện. Tôi dùng App để ghi âm 10 truyện cổ tích Việt Nam theo trí nhớ, đây là những truyện tôi thích nhất. App sẽ biến ghi âm thành văn bản, sau đó dành chút thời gian để biên tập cho đúng và phong cách văn học. Sau 10 ngày tôi đã có 10 truyện cổ tích Việt Nam được kể chuyện bằng tiếng Nga, có thêm phần ghi chú, giải thích nội dung từ góc nhìn của nhà Việt Nam học.
10 truyện được tuyển chọn là Lạc Long Quân - Âu Cơ, Sự tích trầu cau, Sự tích quả dưa hấu, Sự tích bánh chưng - bánh dày, Sự tích chiếc nỏ thần, Sự tích Hồ Hoàn Kiếm, Trí khôn của ta đây, Sự tích cây nhãn, Sự tích cây Khế, Tấm Cám.
* Tiêu chí tuyển chọn của chị thế nào?
- Rất đơn giản: Theo sở thích cá nhân. Tôi kể lại những truyện cổ tích Việt Nam đã in sâu vào trí nhớ của mình, từ những năm học tiếng Việt ở trường, làm nghiên cứu sinh, tiếp xúc với đồng nghiệp trong giới văn học và nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Những năm tháng sống và làm việc ở Việt Nam, kinh nghiệm thực tế, việc đi tham quan các địa danh đều giúp bổ sung, giải thích nội dung để bạn đọc Nga dễ hiểu cái hay, cái đẹp và ý nghĩa ẩn hiện của nó. Trước khi bắt đầu kể lại, tôi luôn giới thiệu với bạn đọc vài ba dòng thông tin cơ bản như nhân vật chính là ai, nhân vật phụ là ai, chuyện đã diễn ra khi nào, ở đâu….
* Về tổng quan, chị thấy truyện cổ tích Việt Nam có gì thú vị?
- Truyện cổ tích Việt Nam cũng giống thế giới, đều phản ánh tâm lý, cách suy nghĩ, thế giới quan của dân tộc đó. Những phạm trù này in sâu trong tâm lý dân tộc, rất ít thay đổi theo thời gian, dù nhiều thế hệ, hoặc cả thiên niên kỷ. Chính vì vậy, trong lời tác giả, tôi thiệu với bạn đọc Nga như sau: Truyện cổ tích Việt Nam trong sách mới này được trình bày một cách hấp dẫn, bằng ngôn ngữ đơn giản và dễ tiếp cận. Điều này sẽ khiến độc giả nhỏ tuổi Nga thấy thích thú và cho phép họ khám phá một thế giới xinh đẹp, vô cùng thú vị, nơi sinh sống của con Rồng, cháuTiên.
Sau mỗi truyện đều có phần ghi chú, phần này sẽ giúp độc giả lớn tuổi hiểu biết thêm các ý nghĩa sâu xa, mang tính triết lý phương Đông. Tùy theo trình độ hiểu biết của độc giả, các ý nghĩa ẩn tàng sẽ được hiển hiện khác nhau.
Trong mối quan hệ giữa các nhân vật truyện cổ tích Việt Nam, nếu chú ý, độc giả sẽ tìm thấy những hình mẫu tâm lý dân tộc, nó nhất quán trong đời sống, nhất là khi giải quyết các vấn đề thực tiễn.
* Nếu so sánh với truyện cổ tích Nga, thì chị thấy có những điểm nào giống nhau và khác nhau?
- Khi so sánh truyện cổ tích của các nước thì lúc nào cũng sẽ có cái chung và cái riêng. Nhưng như đã nói, tinh thần chung vẫn là những giá trị phổ quát của nhân loại. Còn những nét riêng thì thường mang đậm bản sắc riêng của văn hóa, của cách cảm nhận thế giới, của điều kiện địa lý, khí hậu, quan hệ gia đình, cách ăn mặc…
Ví dụ về cách cảm nhận con rồng. Trong truyện cổ tích Việt Nam, rồng là nhân vật linh thiêng, cao quý, tốt đẹp, dạy con người làm lúa, xây nhà…. Trong truyện cổ tích Nga (và các nước châu Âu), rồng là nhân vật xấu, nguy hiểm, thường đe dọa con người, nên thường bị đánh đuổi, săn giết. Người đánh chết rồng còn nhận được nhiều vàng bạc, đá quý và cả công chúa xinh đẹp.
Truyện Tấm Cám có nhiều nét giống Cô bé lọ lem. Nhưng đó là truyện cổ tích Pháp, không phải Nga, dù ở Nga thì gần như mọi người đều biết truyện Cô bé lọ lem.
* Chị hướng đến những độc giả nào khi kể chuyện cổ tích Việt Nam?
- Trước hết là bạn đọc Nga, vì tôi kể lại truyện cổ tích Việt Nam bằng tiếng Nga. Không chỉ cho bạn đọc trẻ, mà kể cả người lớn. Ở Liên bang Nga, trong các hiệu sách và nơi bán sách trực tuyến đều có thể tìm được rất nhiều cổ tích của Nga, Pháp, Đức (Truyện cổ Grimm là tiêu biểu nhất), Tây Ban Nha, Séc, Bắc Âu (Truyện cổ tích Andersen là tiêu biểu nhất), Do Thái, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, cả dạng in truyền thống, lẫn sách điện tử, sách nói. Nay có thêm Việt Nam, cũng là một bổ sung bước đầu.
Năm 2007, khi cuốn Việt Nam - Đất nước con Rồng cháu Tiên phát hành lần đầu tiên ở Nga, tôi rất bất ngờ khi bà con người Việt tại Nga thích và đánh giá cao. Họ xem đây là một nguồn thông tin về Việt Nam cho con cháu gốc Việt sinh sống ở Nga, đang học và đọc bằng tiếng Nga. Có lẽ con cháu gốc Việt biết đọc tiếng Nga cũng sẽ thấy cổ tích mới này hấp dẫn và hữu ích, đủ để kể lại cho các bạn Nga học cùng lớp.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Ẩm thực Việt Nam - Truyện ăn ngon miệng “Ẩm thực Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý thế giới, đây là một xu hướng nhìn thấy rõ. Ngày càng nhiều nhà hàng phong cách Việt Nam được mở cửa ở nước ngoài. Cuốn Ẩm thực Việt Nam - Truyện ăn ngon miệng bằng tiếng Nga rất phù hợp với xu hướng này. Tôi giới thiệu với bạn đọc Nga 12 khía cạnh của ẩm thực Việt Nam. Bắt đầu từ triết lý âm dương, cách tổ chức bữa ăn tiêu biểu, nét đặc trưng của ăn sáng - trưa - tối, các món súp, các loại nộm, món ăn chính, các loại sốt, nước chấm. Rồi cả gia vị, đồ ngọt, trà, cà phê, 20 loại trái cây ngon bậc nhất của Việt Nam” (Nhà Việt Nam học Daria Mishukova). |
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất