Nhà văn Phong Lưu: Tôi viết về “hậu duệ” của Xuân tóc đỏ

23/10/2009 18:15 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tác giả Đào Phong Lưu quê ở Gia Bình, Bắc Ninh. Ông là một doanh nhân cầm bút với nhiều thể loại: Thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, dịch phim. Trong đó có Truyện dã sử Trung Quốc (tiểu thuyết dịch): Vương triều Khang Hy, Vương triều Càn Long, Gia đình quyền quý (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Mới đây, Phong Lưu mới ra mắt độc giả tiểu thuyết: Mã tóc xoăn (NXB Hội Nhà văn) - nhân vật này là “hậu duệ” của Xuân tóc đỏ.

TT&VH có cuộc trò chuyện với ông về đề tài “lạ lùng” này.


 Nhà văn Phong Lưu
* Nếu tiểu thuyết chỉ là Mã tóc xoăn thì hẳn nhiên chưa thể gây chú ý với độc giả nên tác giả đã đính kèm theo dòng chữ “Hậu Số đỏ và Giông tố”- tên 2 tác phẩm của Vũ Trọng Phụng - để “câu khách”? Khi viết về hậu duệ của Xuân tóc đỏ, ông có gặp áp lực gì không?


- Tôi không cố ý lấy “nước vỏ lựu, máu mào gà” để mà “chiêu tập” độc giả, bởi tôi sao dám bì với “đồ thật” của Vũ tiên sinh. Còn áp lực ư? Vì sách chưa phát hành rộng rãi, nên cũng chưa thấy ai phản đối. Nhưng vừa đọc bản thảo, vợ tôi đã phản đối đùng đùng, bảo là người ấy người nọ đọc rồi họ sẽ đến “đốt nhà” mình đấy. Khi gửi bản thảo cho NXB tôi cũng được gọi tới gọi lui nhiều lần để thảo luận cắt bỏ chỗ này, sửa chữa chỗ kia kẻo động chạm đến người này người nọ gây phiền phức.

* Ông viết tiểu thuyết này theo kiểu chương hồi với những cái tít mỗi chương được đặt nhằm bao quát nội dung của cả chương sách. Cách làm này khá cũ... Đi vào “lối mòn” như thế, ông không sợ tự “chăng mạng nhện” đối với ngôi nhà mới xây?

- Tôi cho rằng thị hiếu văn học nghệ thuật của quần chúng cũng có chu kỳ như mốt thời trang vậy. Chán quần ống loe rồi trở lại quần ống bó... Tiểu thuyết chương hồi là mẫu của văn học cổ, đã lâu rồi người viết ít dùng đến, nên tôi muốn “lục lại món đồ cổ” để trưng ra với bạn đọc lớp trẻ cho nó “có vẻ mới”. Vì tiểu thuyết Mã tóc xoăn của tôi mô phỏng nhân vật Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng, nên cũng cố bắt chước kiểu viết chương hồi cho có vẻ là “đồ giả cổ”...

* Nội dung câu chuyện được ông kể quá đỗi “thật thà”. So với bậc thầy Vũ Trọng Phụng, ông chỉ là một “học trò nghiệp dư”, ông có sợ sự so sánh khập khiễng này sẽ là một bất lợi đối với sự ra đời của Mã tóc xoăn?

- So với văn tài của Vũ tiên sinh thì đúng là tôi chỉ là một “học trò nghiệp dư” thật, nhưng tôi rất tự hào được làm “học trò nghiệp dư” của ông. Vì các cụ ngày xưa dạy rằng: “Học siêu quá kỳ sư thiện dã, học bất cập kỳ sư tái dã”, nghĩa là: Học trò mà vượt thầy thì giỏi quá, còn học trò mà chưa bằng thầy thì phải học lại, học nữa. Tôi cũng chỉ dám mong được “lưu ban”, “học đúp” để được khai sáng thêm.

* Những tình tiết trong Mã tóc xoăn đều đòi hỏi vốn sống của một doanh nhân. Nếu nhân vật Xuân tóc đỏ chỉ làm đến doctor Xuân thì hậu duệ của hắn được làm tới chức “Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty Vinamaprotexco”. Có phóng đại quá không đấy, thưa ông?

- Chuyện Mã tóc xoăn là chuyện đời thường bây giờ, nếu người đọc làm trong các doanh nghiệp thì sẽ thấy chẳng hề “phóng đại” hay “quá tay” tí nào. Tôi cũng biết chắc rằng sau này liệu có người này người nọ gặp tôi gây chuyện rằng sao lại đưa chuyện “đời tư” của họ và “công việc nội bộ” của doanh nghiệp lên sách báo hay không. Thực tế các hiện tượng tham nhũng trong các doanh nghiệp bây giờ thì Mã tóc xoăn của tôi chỉ là một viên đá nhỏ ném tõm xuống cái mặt ao bèo tấm dày đặc che kín làn nước tù bẩn mà thôi.

* Ông là cử nhân ngoại ngữ, ngoại thương, điều gì khiến ông viết về một phiên bản Xuân tóc đỏ?

- Vâng. Suốt bốn mươi năm cuộc đời công chức của mình, tôi chuyên làm công việc kinh doanh xuất nhập khẩu trong các doanh nghiệp lớn. Nên chuyện tôi viết về người nhưng cũng là viết về mình, hay nói đúng hơn là ghi chép những điều mắt thấy tai nghe mà thôi, chứ cũng chẳng có gì đáng gọi là “khá công phu” cả đâu.

* Dường như Mã tóc xoăn vẫn thiếu một chút gia vị nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật miêu tả để câu chuyện thực sự lột xác. Liệu đây có phải là sự “nghiệp dư” của người viết?

- Đúng vậy! Vì tôi làm nghề kinh doanh, với văn học nghệ thuật tôi chỉ là “một học trò nghiệp dư” ngoại đạo, nên tác phẩm của tôi còn nhiều yếu kém về mặt ngôn từ hay cách miêu tả thiếu tính chuyên nghiệp là điều dễ hiểu. Tôi sẽ cố gắng thêm, mong được bạn đọc lượng thứ.

* Cảm ơn anh vì cuộc trò truyện này!

Hai tiểu thuyết đình đám của Nhật Bản, Hàn Quốc tới VN

     Tiểu thuyết 1Q84 của tác giả người Nhật Bản Haruki Murakami là sách nước ngoài được yêu thích nhất tại Hàn Quốc và tiểu thuyết Take care of my mom (của tác giả Shin Kyung Sook) - hiện tượng của văn học Hàn Quốc năm 2009, vừa được Nhã Nam mua bản quyền và dự định sẽ ra mắt độc giả Việt Nam trong thời gian tới.

     Trong cuộc bầu chọn sách được yêu thích nhất Hàn Quốc do nhà sách online Addladin của Hàn Quốc thực hiện tháng 9 vừa qua, tiểu thuyết Take care of my mom đã giành vị trí số 1. Cuốn tiểu thuyết kể về người mẹ từ chốn thôn quê lên thủ đô để mừng sinh nhật con gái và bị lạc trong hệ thống tàu điện thành phố Seoul. Nội dung cảm động của cuốn sách đã lôi cuốn và lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của độc giả đồng thời khơi mào cho một trào lưu sáng tác về mẹ ở Hàn Quốc.

Hoàng Mai


Thủy Anna (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm