Nguyễn Thị Thu Huệ viết kịch bản nhạc kịch

19/05/2009 10:51 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Đột nhập” sàn tập của Nhà hát Nhạc vũ kịch vào thời điểm vở Blogg Opera Giấc mơ & hiện thực chạy suốt lần đầu tiên, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhấp nhổm trên ghế khán giả như ngồi phải lửa. Lần đầu tiên viết kịch bản nhạc kịch, tất bật với dự án suốt cả năm trời, mục kích sở thị đứa con tinh thần của mình trên sàn diễn chưa được như ý nên chỉ muốn nhào xuống sân khấu để “chất vấn” đạo diễn người Thụy Điển Helena Rohr.

Nhưng đến giờ thì đã ổn, vở diễn sẽ chính thức công diễn tại Nhà hát Lớn vào ngày 24- 25/5 tới. TT&VH đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

Khi được mời viết, tôi hơi thoáng ngần ngại

* Trong suốt một năm qua, có khi nào ngẫm lại, chị chợt nghĩ “mình đã liều”, bởi nhạc kịch là thể loại mà không phải ai cũng dám xông vào, nếu không thực sự hiểu biết?

 Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

- Khi nhận viết chung kịch bản này với nhà văn Phan Triều Hải, tôi xác định viết như một kịch bản sân khấu với những đặc thù của nó. Nhờ thế sẽ không bị áp lực thể loại, để có thể tập trung vào nội dung. Sau khi hoàn thành, chúng tôi chuyển kịch bản ấy sang libretto - kịch bản dành cho nhạc kịch. Thật ra, trong đời một người, có rất nhiều lần đầu tiên làm một việc mới. Lần đầu tiên tập bước, lần đầu tiên tập nói... và cứ thế, luôn có nhiều điều mà ta phải làm lần đầu. Không có gì cản trở được một khi mình quyết tâm thực hiện một điều gì đấy.

* Chẳng lẽ không có chút ngần ngại sao? Chị đã phải xem bao nhiêu vở nhạc kịch, đọc bao nhiêu tài liệu liên quan đến Opera để có được hình dung cơ bản về “diện mạo” kịch bản sẽ viết?

-
Khi được mời viết, tôi hơi thoáng ngần ngại, nhưng cũng không quá lâu để quyết định nhận lời. Đơn giản vì đây là điều chúng tôi chưa từng làm, nhất là khi tôi là người thích khám phá, học hỏi những điều mới. Chúng tôi phải xem nhiều vở nhạc kịch diễn trên sân khấu, đa số là cổ điển của nước ngoài, những vở kinh điển được dàn dựng lại ở Việt Nam. Ngoài ra, còn xem băng đĩa. Dù sao thì đây vẫn là một vở mới, là nhạc kịch nhưng không hề cổ điển, đúng như tên gọi blogg opera của thể loại mà nhà hát Norrlandsoperan của Thụy Điển vẫn đang thực hiện lâu nay. Một loại nhạc kịch có tính phổ biến (blogg chứ không phải blog), với kịch bản mới, âm nhạc mới và vũ đạo mới, kết hợp với nhiều loại hình khác, cùng sự hợp tác với những người bạn nghệ sĩ cách xa vạn dặm... đấy là một thách thức thú vị đối với những người sáng tác. Chúng tôi bắt đầu viết kịch bản này từ tháng 5 năm 2008, viết năm lần tất cả, cho đến gần đây vẫn còn những bổ sung nhỏ. Xuyên suốt vở diễn là âm nhạc, cho nên lời thoại cũng được viết lại dưới dạng ca từ.

Hiểu thêm về sự khác biệt!

* Những chuyến sang Thụy Điển làm việc với các nghệ sĩ sáng tác đã đem lại cho chị những nhận thức gì mới? Các nghệ sĩ Thụy Điển có cảm nhận được những điều chị viết không?

- Vở diễn là tác phẩm của một tập thể nghệ sĩ. Mà nghệ sĩ thì cái tôi của ai cũng lớn. Nhạc sĩ như Gustav Andersson hay Trần Mạnh Hùng đều có một thế giới riêng. Đạo diễn và các tác giả kịch bản cũng vậy. Đã thế, đây còn là sự kết hợp của nhiều nghệ sĩ của hai nước có hai nền văn hóa khác biệt. Sự phức tạp tăng lên nhiều lần. Chúng tôi đã phải bàn bạc với nhau hàng ngày không chỉ trong thời gian ở Nhạc viện Malmo, mà còn thường xuyên qua E-mail, cho đến tận ngày hôm qua.

Trong quá trình làm việc cùng, ta hiểu thêm sự khác biệt trong suy nghĩ và đời sống của nghệ sĩ hai nước qua cách xử lý các tình huống, chi tiết. Như chúng tôi dự định để một cái kết mở cho nhân vật chính, thì các bạn Thụy Điển lại rất muốn có một sự dứt điểm rõ ràng. Hoặc cách ứng xử của cha mẹ với con cái trong câu chuyện, cách đối đầu với tai ương cũng khiến họ ngạc nhiên hoặc cần thêm giải thích.

*
Thấy chị cứ như ngồi phải lửa trên ghế khán giả khi xem vở diễn lần đầu, chắc là không vừa lòng rồi?

- Tôi nghĩ hiếm có tác giả kịch bản nào hài lòng ngay với bản dựng đầu tiên của đạo diễn, vì kịch bản là con mình, mình thuộc từng câu thoại, chi tiết hành động của nhân vật nên khi thấy có một chút xíu khác biệt cũng khiến mình giật nảy lên (cười), nhưng như đã nói, đạo diễn Helena Rohr và chúng tôi đã quá hiểu nhau suốt năm qua, nên có phải tiếp tục tranh luận với nhau để giành giật thêm vài ý tưởng dàn dựng thì cũng không có gì lạ. Thú vị là khác.

Cảnh luyển tập vở nhạc kịch
* Hiện tại vở nhạc kịch đã sửa như thế nào? Chị có ưng ý không?

- Đây là một vở diễn khép kín, chặt chẽ giữa âm nhạc, lời hát và diễn xuất. Nên khi mình chạm vào đâu, là cả hệ thống phải xoay theo. Cho nên, khi góp ý, tôi dựa trên sự chặt chẽ đó mà “lách”, để không ảnh hưởng đến hệ thống. Đạo diễn đồng ý và cùng diễn viên sửa lại. Hy vọng là khán giả sẽ đón nhận vở diễn này như một tác phẩm nghệ thuật thể nghiệm của nghệ sĩ hai nước. Cá nhân mình, tôi vẫn còn ngạc nhiên khi xem lúc chạy thử vở diễn. Vì trong quá trình thực hiện, tôi thật sự lo lắng vì quy mô, giới hạn thời gian, vô vàn khó khăn mà những đơn vị tham gia đang phải đối mặt.

Cần phải xem những tác phẩm do chúng ta thể hiện chứ!

* Thông điệp chị muốn gửi gắm trong kịch bản là gì? Nó có được đạo diễn Helena Rohr thể hiện trong dàn dựng không?

- Tôi quan tâm đến những ước mơ của các bạn trẻ. Nhưng để biến ước mơ ấy thành hiện thực, đôi khi họ phải trả giá cho những sai lầm. Vấn đề là sau những sai lầm ấy, cuộc đời mình không bị hủy diệt, mà chỉ khiến mình trưởng thành, mạnh mẽ và yêu quý, trân trọng cuộc sống. Thông điệp đó, quán xuyến suốt kịch bản. Nhưng như tôi đã nói ở trên, do thể loại, nội dung trong nhiều đoạn lướt nhanh quá, có khi thông qua một ca khúc nên đôi lúc, không thấy rõ điều này.

* Giới trẻ là đối tượng mà vở nhạc kịch hướng tới, theo chị, nếu là khán giả chứ không phải là tác giả kịch bản, chị có bỏ tiền mua vé xem vở nhạc kịch này không?

- Cá nhân tôi, thì bất cứ vở diễn nào của các nhà hát, trong Nam hay ngoài Bắc, nếu có điều kiện tôi cũng đi xem. Vì vậy, dù không phải mình viết kịch bản, thì tôi cũng sẽ mua vé. Chúng ta cần phải xem những tác phẩm của chúng ta thể hiện chứ.

Riêng vở nhạc kịch này, thời gian dàn dựng không nhiều, lại do yếu tố hợp tác của nghệ sĩ hai nước, việc gì làm cũng phải hai lần nói, hai lần nghe, thông qua phiên dịch, các chi tiết ý tưởng lại đến từ hai đất nước có những khác biệt lớn về văn hóa. Diễn viên cũng thế, thật khó tìm được người giỏi vũ đạo, hát tốt cả nhạc thính phòng lẫn hát nhạc trẻ... như vở diễn yêu cầu.

Có thể nói, đây là một công trình mà các nghệ sĩ tham gia đã làm hết mình, trong những điều kiện có thể. Đặc biệt là đóng góp từ sinh viên các trường nghệ thuật, và quan trọng là kinh phí, đề xuất thể loại, cách tham gia dự án do Quỹ Sida Thụy Điển tài trợ. Thế nên, khi hiểu được lao động nghệ thuật của những người làm nghề, không chỉ ở vở diễn này mà ở những vở diễn khác, ta sẽ thấy háo hức khi quyết định mua một tấm vé, hoặc gác hết mọi việc để có một tối đến nhà hát.

* Xin cảm ơn chị.
Nguyệt Anh (thực hiện)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm