Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần: Tâm hồn sẽ rộng lớn và sâu sắc hơn khi nhắm mắt lại

09/04/2025 18:38 GMT+7 | Văn hoá

Khi được hỏi thế nào là một cuốn sách hay, một nhà giáo nói rằng đó là cuốn sách mà bạn muốn đọc lại nhiều lần. Truyện dài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần chính là một cuốn sách như thế.

Đọc truyện dài này để tận hưởng sự ấm ấp đến từ mọi giác quan, để học cách cảm nhận cuộc sống từ những điều "nhỏ nhặt" như nghĩ về cái tên, về những món quà, hoặc về cách chia sẻ một niềm đau... Trong sách Ngữ Văn 7, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, có trích đăng một đoạn từ tập truyện này.

Một hành trình văn chương thú vị

* Truyện dài "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" được anh viết lúc còn là sinh viên trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM. Vì sao khi ấy anh lại chọn viết đề tài thiếu nhi?

- Lúc đó, dù chưa có người yêu, tôi vẫn muốn viết sách cho con mình (cười). Tôi hơi mơ mộng một tí về tương lai, nhưng quan trọng hơn, tôi muốn giữ lại một chút gì đó tinh thần làng quê cho trẻ em. Những điều xưa cũ đang dần mất đi, có thể rồi đây chúng ta sẽ khó thấy một cánh đồng hoặc một khu vườn đúng nghĩa.

Khi viết, tôi không chỉ muốn mô tả những gì mà các em có thể nhìn thấy bằng mắt, mà còn muốn khai thác các giác quan khác. Tâm hồn trẻ em sẽ trở nên rộng lớn và sâu sắc hơn khi nhắm mắt lại. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ hướng đến những điều đó.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần: Tâm hồn sẽ rộng lớn và sâu sắc hơn khi nhắm mắt lại - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần

20 năm qua, tôi vẫn bất ngờ khi sách tiếp tục được yêu thích, tái bản liên tục, được đưa vào nhiều cuốn sách giáo khoa. Có một ngôi trường quốc tế tại TP.HCM đã chọn cuốn sách làm giáo trình giảng dạy, học sinh dành cả căn phòng để trang trí và dán những bài cảm nhận về cuốn sách, thậm chí mấy đứa nhỏ còn vẽ cả chân dung "đẹp trai" của tôi (cười).

Cuốn sách cũng giành nhiều giải thưởng như giải Peter Pan của Thụy Điển, được dịch ra nhiều thứ tiếng, chuyển thành chữ nổi cho trẻ khiếm thị. Sau 10 năm xuất bản, nó nhận Giải thưởng Sách hay. Nhiều người lớn cũng yêu thích nó, có người đọc khi còn đi học, rồi sau này đọc lại cho con mình. Nhiều em còn thuộc lòng nguyên văn nhiều trang sách, nhiều bạn trẻ học tiếng Anh tìm đọc bản song ngữ có cái đối chiếu Việt - Anh. Nó luôn có mặt trong các cuộc bình chọn những cuốn sách thiếu nhi hay nhất... Một hành trình văn chương với tôi là thú vị.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần: Tâm hồn sẽ rộng lớn và sâu sắc hơn khi nhắm mắt lại - Ảnh 2.

Một trang sách “Ngữ Văn 7”, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

* Sau đó, anh lại tiếp tục với các tác phẩm thiếu nhi khác, điều gì khiến giai đoạn ấy anh có nhiều cảm hứng với mảng văn học dành cho thiếu nhi?

- Sau Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, tôi tự nhủ sẽ không viết nữa, vì thích viết cho người lớn hơn. Nhưng khi anh Cao Xuân Sơn lập tủ sách cho NXB Kim Đồng, tôi hứa viết một cuốn để ủng hộ và đã viết Một thiên nằm mộng. Nhưng tôi nghe nhầm, hóa ra anh phụ trách sách tuổi mới lớn. Nhân tiện, dịp đó NXB tổ chức cuộc thi viết cho thiếu nhi, nên anh gửi bản thảo đi dự thi cho tôi và bảo tôi vẫn phải nợ anh một cuốn. Thế là tôi viết thêm Nhện ảo để trả nợ. Xong là thôi, không viết cho thiếu nhi nữa. Vô tình mà cả 2 cuốn viết cho thiếu nhi đều đoạt giải nhất. Đôi khi hay không bằng hên, mà không hên thì cũng... không có giải (cười).

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần: Tâm hồn sẽ rộng lớn và sâu sắc hơn khi nhắm mắt lại - Ảnh 3.

Cuốn “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” được dịch ra nhiều thứ tiếng

* "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" được viết bằng kiểu tiếng Việt đẹp thuần khiết, không làm dáng. Khi ấy, anh có băn khoăn để chọn loại ngôn ngữ dành cho trẻ em và đã có một la chọn tốt?

- Qua nhiều năm viết, tôi thấy sự đơn giản, cô đọng vẫn là cốt lõi của văn chương. Viết cho thiếu nhi còn cần cô đọng hơn, như một món quà phải gói ghém cẩn thận. Câu từ phải ngắn gọn, tinh xảo, hình ảnh gợi tả cao. Với tôi, viết cho trẻ em khó hơn viết cho người lớn. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là món quà tôi dành cho những độc giả nhỏ tuổi, những cô bé, cậu bé trong quá khứ và tương lai của tôi.

"Viết cho thiếu nhi còn cần cô đọng hơn, như một món quà phải gói ghém cẩn thận. Câu từ phải ngắn gọn, tinh xảo, hình ảnh gợi tả cao" - Nguyễn Ngọc Thuần.

Ký ức về cha luôn hiện diện trong trang sách

* Một độc giả là học sinh cấp 2, sau khi đọc xong cuốn "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" đã nói: "Con cứ tưởng tượng cậu bé trong truyện vừa chơi bắn bi với bạn vừa kể chuyện nhà mình, thực chất đó là những điều cậu tự hào về người cha và cả gia đình mình, vì họ đã cho cậu một tuổi thơ hạnh phúc". Anh có nghĩ rằng tác phẩm này đã cho độc giả một sự tưởng tượng của riêng mình và gieo vào cu cái nhìn tốt đẹp về tình thân?

- Người cha trong sách chính là hình ảnh của ba tôi. Khi viết, tôi xem ông như một lời khuyên nhủ giản dị, quê mùa, nhưng lắng đọng. Nếu bạn đọc đồng cảm, có lẽ vì họ cũng có cảm giác tương tự về cha mình, chỉ là họ không diễn tả được như tôi. Tôi chỉ là người nói hộ họ.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần: Tâm hồn sẽ rộng lớn và sâu sắc hơn khi nhắm mắt lại - Ảnh 5.

* Hình ảnh cậu bé trong truyện có mang dáng vẻ nào của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần thời thơ ấu không, thưa anh?

- Nó là một phần của một người cha cầm bút vì con mình (cười). Nhưng cũng là những điều tôi nghĩ một đứa trẻ cần có. Ví dụ như âm nhạc, khu vườn, sự cảm thông, tình bạn, sự hy sinh, sự trân trọng bản thân...

* Không chỉ trong tác phẩm này, không ít lần hình ảnh cha con xuất hiện trong các tác phẩm khác của anh như truyện ngắn "Cha và con và... tàu bay", "Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ"... và lần nào cũng thú vị. Có phải anh đã được sống trong tình cha con tuyệt đẹp?

- Ba tôi mất khi tôi còn nhỏ, nên ký ức về ông luôn hiện diện trong sách. Đó là sự nhớ thương về những gì không còn nữa.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần: Tâm hồn sẽ rộng lớn và sâu sắc hơn khi nhắm mắt lại - Ảnh 6.

* Có cảm giác, đối với anh vai trò của người cha đặc biệt có ý nghĩa trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ?

- Nếu nhìn ra thế giới, bạn sẽ thấy có rất nhiều người tài năng, thành đạt, không có bóng dáng người cha. Nhưng họ vẫn mạnh mẽ. Điều này góp phần an ủi cho những đứa nhỏ nếu bỗng dưng không có cha. Nhưng không có nghĩa là người cha không có vai trò quan trọng. Có một người cha tốt, là bạn đang có một gốc cây lâu năm, nhiều bóng mát. Đứa trẻ sẽ vững chãi hơn, trầm tĩnh hơn khi có cha.

Cười là cách giúp trấn tĩnh trước áp lực

* Trở lại với tác phẩm "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", độc giả còn thấy rằng khi ta ít bị những thứ xung quanh tác động thì chúng ta sẽ biết cách nhìn vào bên trong mình và cảm nhận cuộc sống tinh tế hơn? Ở tuổi đôi mươi, anh cho độc giả thấy điều này, anh có nghĩ mình "già" sớm không?

- Từ nhỏ tôi đã có dấu hiệu già sớm, như ông cụ non (cười). Tôi thích trèo lên cây vú sữa, ăn trái cây rồi suy nghĩ lung tung. Bây giờ già hơn tôi lại có vẻ bớt cụ non hơn, thường viết xàm xí hơn. Có lẽ cười là cách giúp tôi trấn tĩnh trước áp lực cuộc sống.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần: Tâm hồn sẽ rộng lớn và sâu sắc hơn khi nhắm mắt lại - Ảnh 8.

* Hiện tại, anh có đang viết gì không?

- Tôi vẫn viết, nhưng nhiều khi cảm thấy sáo rỗng, không đúng như những gì mình cảm nhận. Nhiều cuốn sách viết mãi mà không kết thúc được. Hy vọng sẽ in được gì đó vào cuối năm này hoặc năm sau. Cảm ơn bạn đã hỏi.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Vài nét về Nguyễn Ngọc Thuần

Sinh năm 1972. Họa sĩ, nhà văn.

Hiện làm việc tại báo Tuổi trẻ TP.HCM.

Một vài tác phẩm tiêu biểu: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng, Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, Cha và con và... tàu bay, Sinh ra là thế, Cơ bản là buồn, Về cô gái này, Vì tình yêu phù phiếm...

Lâm Hạnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm