Nhà văn Hồ Phương qua lời kể của cháu gái

05/01/2024 08:16 GMT+7 | Văn hoá

"Bác của chúng tôi -  nhà văn Thiếu tướng Hồ Phương - đã tạ thế lúc 8h56 ngày 2/1/2024 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi. Bác được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý vào năm 2012. Bác luôn là niềm tự hào của gia đình chúng tôi" - họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - tác giả "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" chia sẻ.

"Nhà văn Hồ Phương tên khai sinh là Nguyễn Thế Xương sinh ngày 15/4/1930 tại xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội). Bố tôi - nhà báo, nhà viết kịch Nguyễn Trung Đông - là em trai nhà văn Hồ Phương cũng sinh ngày 15 nhưng là tháng 7 năm 1945" - nữ họa sĩ cho biết.

*Sớm gia nhập quân đội

"Tôi ấn tượng nhất về bác mình là tháng 12 năm 1946, khi mới 16 tuổi, bác Hồ Phương đã gia nhập lực lượng tự vệ Thành Hoàng Diệu rồi gia nhập quân đội, trở thành "chiến sỹ quyết tử" và "Vệ Út" của Thủ đô trong 60 ngày đêm khói lửa, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của cha ông, ghìm chân quân xâm lược cho cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến.

Nhà văn Hồ Phương qua lời kể của cháu gái - Ảnh 1.

Nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương

Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, bác Hồ Phương đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, trong đó có Chiến dịch biên giới năm 1950 (khi mới 20 tuổi) và Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 (khi mới 23 tuổi). Bác tôi là chiến sĩ của Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân đội là Đại đoàn 308, sau này là Sư đoàn Quân Tiên phong Anh hùng. Từ chiến sĩ trở thành phóng viên, cán bộ phụ trách báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308, rồi làm chính trị viên Đại đội".

Mỗi lần đến thăm, bác Hồ Phương thường sôi nổi kể về kỷ niệm những ngày luyện tập gian khổ để chuẩn bị chiến đấu. Như việc cho gạch nặng vào ba lô và chạy bộ vòng quanh Văn Miếu. Khi đó nhà ông nội chúng tôi ở phố Ngô Tất Tố, gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Ông nội mất đúng năm bố chúng tôi thi Đại học Tổng hợp văn, nên chúng tôi chỉ được nghe kể về ông nội qua các câu chuyện của bác Hồ Phương và bố. Bác cũng hay kể cho chúng tôi nghe về bác Nguyễn Văn Côn, người anh cả từng làm tình báo viên thời chống Pháp, hoạt động trong nội thành Hà Nội ra Hà Đông và đã bị giặc Pháp bắn chết khi trên đường làm nhiệm vụ.

Bác Côn hy sinh khi mới 25 tuổi. Bác Côn đã ảnh hưởng nhiều đến bác Hồ Phương khi thường kể những câu chuyện văn học Pháp như Ba người lính ngự lâm, thơ của Alphonse de Lamartine, tiểu thuyết của Victor Hugo… một cách tự nhiên hấp dẫn, đầy ma lực.

Ông nội chúng tôi là một nhà nho và là cụ đồ dạy học đã ảnh hưởng nhiều đến bác Hồ Phương và cả bố tôi khi ông nội hay kể chuyện về Bác Hồ và tư tưởng cách mạng của Người.

Tôi cũng nhớ có lần bác Hồ Phương kể, khi học lớp Nhất trường Bưởi bác đã viết văn, được phong làm "chủ bút" của tờ báo "Con bò lười" chuyên viết những câu chuyện hài hước dí dỏm của lớp.

Bác Hồ Phương cũng kể về kỷ niệm năm 1946 khi mới 16 tuổi, bác được nhà văn Tô Hoài cho làm cộng tác viên trang Văn nghệ Thiếu nhi của báo Cứu quốc. Sau này khi đã nổi tiếng, bác luôn tự hào rằng, trong tay mình luôn có hai vũ khí, một bên là tay súng, còn bên kia là tay bút. Với bác, viết là nhiệm vụ, là đam mê và cũng là "cái nợ" của cuộc đời".

Viết văn khi mới 17 tuổi, nổi bật với "Thư nhà" và "Cỏ non"

Nhà văn Hồ Phương bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay về bộ đội từ khi mới 17 tuổi và sớm trở nên nổi tiếng với tác phẩm truyện ngắn Cỏ non đã được đưa vào sách giáo khoa lớp 9.

Từ năm 1955, ông về Tổng cục chính trị, là thành viên tham gia thành lập tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1957 và giữ chức Phó Tổng biên tập của tạp chí nổi tiếng này trong một thời gian dài cho đến khi nghỉ hưu năm 1993.

Một thời gian, ông đồng thời giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam. Ông cũng là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam (năm 1957).  Năm 1990, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.

Nhà văn Hồ Phương qua lời kể của cháu gái - Ảnh 2.

Nhà văn Hồ Phương (bên phải) và em trai - nhà báo Nguyễn Trung Đông – bố nữ họa sĩ Nguyễn Thu Thủy

Đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, các tác phẩm của nhà văn Hồ Phương hầu như đều gắn với thời kỳ oanh liệt sôi nổi ấy. Không phải ngẫu nhiên nhà văn Nguyên Hồng đã nói về ông thế này: "Hồ Phương là một người lớn lên từ lò lửa chiến tranh và lửa yêu nước". Còn tướng Vương Thừa Vũ khi đọc xong truyện ngắn Thư nhà của Hồ Phương đã cho liên lạc gọi cây bút tuổi 19 này lên để biểu dương khen ngợi.

Có thể khẳng định, hiện thực chiến tranh bi tráng với rất nhiều máu và mồ hôi của chiến sỹ, nhân dân đổ xuống, với lòng dũng cảm xả thân vì Tổ quốc của những Vệ quốc quân vốn là người nông dân mang áo lính đã thôi thúc Hồ Phương cầm bút. Không khí kháng chiến cộng hưởng vào tài hoa của người viết trẻ đã cho ra đời một truyện ngắn đầy chất đời sống và giàu tính nhân văn là Thư nhà. Hồ Phương đã chính thức đóng góp cho dòng văn học kháng chiến chống Pháp bằng truyện ngắn này khi ông mới xấp xỉ 19 tuổi (1948). Sau này, danh sách tác phẩm của ông cứ dài ra theo năm tháng nhưng nói đến nhà văn Hồ Phương, người ta không thể không nhắc đến Thư nhà và Cỏ non.

Sau khi về làm tạp chí Văn nghệ Quân đội, tài văn của Hồ Phương được ngày càng phát triển, nảy nở. Đồng hành với công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, nhà văn Hồ Phương đã cho ra đời nhiều tác phẩm nóng hổi hơi thở hiện thực và đầy đặn chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Dường như cuộc sống hào hùng của dân tộc trong giai đoạn lịch sử vô cùng dữ dội ấy đã tự nhiên bước vào, ùa vào các trang viết của Hồ Phương với tiểu thuyết "Những tiếng súng đầu tiên" (1955); "Cỏ non" (truyện ngắn 1960); "Xóm mới" (tập truyện ngắn, 1963); "Chúng tôi ở Cồn Cỏ" (ký sự dài, 1966); "Kan Lịch" (tiểu thuyết, 1967); "Khi có một mặt trời" (truyện ký, 1972); "Những tầm cao" (tiểu thuyết 2 tập, 1975)…

Nhà văn Hồ Phương qua lời kể của cháu gái - Ảnh 3.

Nhà văn Hồ Phương và cháu gái - nữ họa sĩ Nguyễn Thu Thủy

Phát hiện và đưa những con người tốt đẹp vào văn

Sức viết của nhà văn Hồ Phương thật đáng nể. Năng lượng sáng tạo cứ ăm ắp trong ông, khi đang còn tại ngũ hay về hưu rồi vẫn thế.

Sau chiến tranh chống Mỹ và nối dài tới hôm nay, khi nhà văn đã ở vào bậc lão thành trong làng viết, nhiều tác phẩm của ông cứ lần lượt ra đời. Như gừng càng già càng cay, chất sống, chất văn trong các tác phẩm của Hồ Phương càng đậm đặc.

Gắn với tên tuổi nhà văn, thiếu tướng Hồ Phương là các tiểu thuyết "Biển gọi" (1980); "Bình minh" (1981); "Mặt trời ấm sáng" (1985); "Cánh đồng phía Tây" (1994) ; "Yêu tinh" (2001); "Ngàn dâu" (2002); "Những cánh rừng lá đỏ" (2005); và đặc biệt tiểu thuyết viết về thời trai trẻ của Bác Hồ mang tên "Cha và con" được dư luận đánh giá cao và trở thành cuốn sách tiêu biểu của NXB Kim Đồng.

Rất nhiều sáng tác của Hồ Phương chủ yếu viết về cái anh hùng, cái tốt đẹp, cái tỏa sáng của bộ đội và nhân dân. Những anh hùng có thật trong đời như Kan Lịch, chiến sỹ Cồn Cỏ… đã trở thành nhân vật văn học trong tác phẩm của Hồ Phương. Ông chủ tâm phát hiện và đưa những con người tốt đẹp vào tác phẩm của mình.

Những ai từng gặp nhà văn Hồ Phương những năm nghỉ hưu đều không khỏi ngạc nhiên khi biết ông đã xấp xỉ 90 vẫn rất nhanh nhẹn, tinh tường, nói cười hào sảng, dí dỏm, vô cùng hồn hậu. Dường như tuổi tác không khuất phục được ông. Nói chuyện cùng ông, lúc nào người đối diện cũng nhận thấy nụ cười tươi. Khi câu chuyện được khơi đúng nguồn, ông nói liên tục không nghỉ với chất giọng trầm ấm, giàu nội lực. 

Nhà văn Hồ Phương đã được trao các giải thưởng văn học của: báo Văn nghệ (với truyện ngắn "Cỏ non", năm 1958); giải của Bộ Quốc phòng (với tiểu thuyết "Cánh đồng phía Tây", năm 1994); giải của Hội nhà văn Việt Nam và Bộ Công an (tiểu thuyết " Yêu tinh", năm 2001; giải Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (với tiểu thuyết "Ngàn dâu" năm 2003). Ông cũng đã được trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

(Ghi theo lời kể của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy)

Hoài Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm