Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (phải) và họa sĩ Phan Cẩm Thượng tại Mỹ. Ảnh V.D.M
* Đây là lần thứ ba ông xuất ngoại?
- Tôi xuất ngoại muộn. Lần đầu năm 2001, bay đúng 11/9 (đúng ngày bọn khủng bố đâm tòa tháp đôi New York), theo đoàn Hội Nhà văn VN, cùng dịch giả văn học TQ Phạm Tú Châu, tới Bắc Kinh, Quảng Châu, Tứ Xuyên, Tây An. Lần hai, năm 2004, sang châu Âu 2 tháng, đến Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Áo. Lần này, gần như Evgheni Evtusenko (SN 1933): “Tôi đến Paris trong túi không một đồng Franc/Trong miệng không một câu tiếng Pháp”. Tôi không biết tiếng Anh mà vượt Thái Bình Dương đến Mỹ. Chúng tôi bay đêm 22/4 từ Nội Bài, bằng Korea Ailines quá cảnh ở sân bay Seoul 7 giờ. Tôi không biết buồn chán, vì suốt hành trình từ VN sang hay trên bus, tàu hỏa, máy bay nơi đất khách, đều được vui, quên nhọc mệt vì bạn đồng hành thú vị Phan Cẩm Thượng cứ rủ rỉ kể chuyện, hóm hỉnh hấp dẫn vô cùng. Không chỉ kinh nghiệm đi Tây, mà còn chuyện đời, chuyện nghề, chuyện ma... quả là đi nhiều biết lắm, lại có duyên. Thượng là một “kho chuyện” mới lộ được một phần. Chúng tôi không có thói quen “nghiện” mua sắm của đàn bà, cũng chẳng ngắm nghía nhưng quầy miễn thuế dài cả km nhiều đồ bắt mắt. Kéo nhau đi ăn rồi lại nghe chuyện Thượng kể, thế là thời gian qua nhanh.
* Các ca sĩ bán băng đĩa, nhà văn thì bán sách. Ông đem có 10 cuốn, ít ỏi quá, tặng người cần tặng còn không đủ!
- Nguyễn Bá Chung, thành viên ban lãnh đạo của William Joiner đón chúng tôi từ sân bay Boston, đưa đến tiệm phở Hòa, rồi về nhà. Tôi tặng ông ta một cuốn, còn bà vợ ông là thủ thư ĐH Havard, mua cho thư viện 2 cuốn, trả 50 USD, cũng được đấy (cười)... Tại Mỹ đang bị suy giảm người đọc, không phải theo trào lưu chung, mà tôi đang nói tới văn học tiếng Việt. Những người đọc được tiếng Việt già hoặc chết, thế hệ F2, F3 nói còn kém huống hồ đọc. Biển & chim bói cá không đến được tay bà con Việt kiều, nhiều người cũng tiếc khi có tác giả mà không có sách để mua, xin chữ ký, họ đành hẹn khi về VN.
* Đến Las Vegas, ông có thử... “đánh bạc”?
- Có chứ, tới Las Vegas mà không đánh bạc, coi như chưa tới. Việt kiều bảo, khách du lịch đánh bạc nên thua, cần thua để đóng góp cho thành phố. Tôi ngủ đêm ở Las Vegas, kinh tế sa sút, nên giá KS giảm, 25 USD được KS khá tốt. Tôi đã đánh bạc, thua... 20 USD (!).
Mất 20 USD, Bùi Ngọc Tấn được “ghi danh” tại Hollywood nhờ... photoshop!
* Được biết, Giám đốc Trung tâm, cựu chiến binh từng tham chiến ở VN 1968 - 1969, còn là một nhà thơ. Ông có ấn tượng gì về Kevin Bower?
- Kevin nghiên cứu về văn hóa, giáo dục và nhân đạo từ 1987. Chúng tôi đã trò chuyện và ông có tặng tôi tập thơ mới Great Peace (NXB Wafer 2009) có dịch luôn tiếng Việt ở trang đầu: Thái Bình, cho thấy ông yêu mến VN. Quả đúng vậy, những bài thơ cho thấy ông gặp nhiều nhà văn, nhà thơ trên đất nước VN. Ông có thơ tặng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh (bài Fame), Nguyễn Duy, Trần Bạch Đằng, Lâm Thị Mỹ Dạ... Cả tập thơ là những chuyến đi trên xứ sở hình chữ S: từ Hà Nội (hồ Thiền Quang, phố Mai Hắc Đế, phố Huế, Cổ Loa) tới chùa Tây Phương, lên Đền Hùng, về Thái Bình, qua Sơn Tây (Road to Sơn Tây, Nun at Sơn Tây), vào Củ Chi, Tây Ninh, viết về quan họ và cũng “hát” nỗi đau về thảm họa Dioxin (Dioxin song). Phần cuối sách, dành hẳn 2 trang chú giải về các địa danh, các loại hát... cho thấy ông hiểu sâu sắc về VN và muốn bộc lộ tình cảm thân thương, mãnh liệt.
* Tác phẩm sắp tới của ông?
- NXB Hội Nhà văn sắp tái bản Biển & chim bói cá. Người ta không đặt hàng hay giao hẹn tôi phải viết về chuyến đi Mỹ như nhiệm vụ phải làm, song tôi sẽ viết. Tôi có ý thức ghi chép nhật ký từng ngày trên đất Mỹ và đều có ảnh. Nhưng trước mắt, có thể sẽ là cuốn Những chuyện kể của Phan Cẩm Thượng (cười ngặt nghẽo).
* Xin phép tò mò hỏi nhỏ, ông có được nhận nhiều quà không, lúc về chắc hành lý quá cân?
- Nhiều người tặng quà mà tôi phải để lại, vì quá cân không lo nổi. Có bà độc giả tặng tôi thùng quà, mở ra là 4 chiếc vali Ricardo lồng vào nhau. Bà ấy nói: “Để ông dùng hết đời”, nó cực đẹp và bền. Tôi ước có sức khỏe để đi tiếp và mong tâm trí được minh mẫn, thảnh thơi để tìm ra những “chiếc valise” - các ngăn rỗng trong đầu cực khó kiếm ở tuổi già, khi đã hằn nhiều nếp nhăn. Hy vọng vẫn còn chỗ “rỗng” mà khám phá, đón nhận những cái mới và đưa lên trang viết.
* Cảm ơn ông.
Vi Thùy Linh (thực hiện)