Nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân: Xứng danh anh hùng trong thơ và trong đời

18/08/2010 13:14 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Hôm qua (17/8), Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức Hội thảo về nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân nhằm lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang cho ông.

Tham dự Hội thảo có ông Trần Trọng Tân - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhà thơ Giang Nam - nguyên Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng, cùng các nhà văn từng học tập, chiến đấu cùng nhà thơ Lê Anh Xuân và đại diện gia đình nhà thơ.

Người sợ “đứt rễ dừa”


Nhà thơ Lê Anh Xuân

Nhà thơ Lê Anh Xuân, tác giả của những tập thơ: Tiếng gà gáy, Hoa dừa, trường ca Nguyễn Văn Trỗi hy sinh ngày 24/5/1968 tại vùng ven Sài Gòn trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân khi vừa 28 tuổi.

Nhắc đến Lê Anh Xuân, bạn đọc yêu thơ không thể nào quên Dáng đứng Việt Nam của ông. Sống như thơ, Lê Anh Xuân đã xung phong về chiến trường miền Nam năm 1965, khi đang giảng dạy tại Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong một bức thư gửi nhà thơ Chim Trắng, Lê Anh Xuân dùng cụm từ “đứt rễ dừa” - ý muốn nói xa rời thực tế chiến trường.

Thật vậy, trong đợt 2 cuộc tổng tấn công Mậu Thân (1968), Lê Anh Xuân từ căn cứ theo giao liên về thẳng mặt trận Sài Gòn. Nhà thơ Giang Nam kể: “Lê Anh Xuân nói: Tụi em về Nam là để chiến đấu với đồng bào, với anh em. Nếu về chỉ để đứng xem và viết thì về làm gì”. Mặc dù được cấp trên khuyên nhủ nên ở lại căn cứ vì tình hình mặt trận đang phức tạp nhưng trước lý lẽ của nhà thơ, cấp trên phải nhượng bộ cho anh đến gần Sài Gòn hơn.

Nhà thơ Giang Nam nhớ lại: “Lê Anh Xuân đi rồi, chúng tôi nhận được điện của anh Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) yêu cầu không để Lê Anh Xuân đi. Nhưng đã muộn mất rồi! Các anh kể lại: khi Lê Anh Xuân đến, dù thiếu hầm bí mật nhưng Khu ủy vẫn bố trí cho anh một hầm riêng khá an toàn. Hầm là những chiếc lu lớn có nắp đạy, đặt âm xuống đất, ngụy trang kín đáo. Kinh nghiệm khi xuống hầm bí mật là tuyệt đối không được ngủ quên, thậm chí phải xát ớt lên mi mắt để khỏi ngủ. Bởi vì hầm kín, thiếu oxy nên rất khó thở và thiếp đi lúc nào không hay. Ngày 24/5/1968, trong một trận càn của quân Mỹ vùng ven Sài Gòn, Lê Anh Xuân cùng một vài đồng chí đã hy sinh do bị ngạt trong hầm”.

Nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân hiện được đặt tên cho 3 trường học (cấp 1, 2 và 3) cùng tên một con đường ở quận 1, TP.HCM. Tại quê hương Bến Tre, tên ông cũng được đặt cho một trường THPT.

Nhiều năm sau, nhà thơ Giang Nam vẫn dằn vặt vì nếu hồi đó không vì quá thương và quá nể, kiên quyết không cho Lê Anh Xuân xuống vùng ven Sài Gòn thì đâu đến nỗi. Nhưng mọi chuyện đã qua, âu đó cũng là một phần của lịch sử.


Nhà văn Lê Văn Thảo - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, là người đã an táng Lê Anh Xuân. Sau năm 1975, chính ông Thảo đã giúp gia đình nhà thơ tìm mộ của bạn mình. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, cái lu mà Lê Anh Xuân đã gửi lại tuổi xuân hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam.

Xứng đáng là anh hùng trong thơ và cả trong đời

Nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang cho biết: “Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao những cống hiến của anh (Lê Anh Xuân), đã trao tặng anh Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Bằng tổ quốc ghi công và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhưng giá trị tinh thần và tác phẩm anh để lại có thể còn xứng đáng cao hơn thế. Chính vì vậy, Thành ủy, UBND TP.HCM đã giao nhiệm vụ cho Hội Nhà văn thành phố lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang”.
 
Ông Trần Trọng Tân cho rằng: “Vũ khí của nhà văn không phải là cây súng. Nhà văn tham gia kháng chiến, đóng góp chiến công bằng ngòi bút của mình. Riêng những gì Lê Anh Xuân đã dấn thân để viết về cuộc chiến đấu vừa qua xứng đáng là anh hùng. Để mấy chục năm mới phong anh hùng cho những nghệ sĩ, chiến sĩ như Lê Anh Xuân là chậm. Rất mong Hội Nhà văn phát hiện thêm nữa để có nhiều nhà văn xứng đáng được phong anh hùng như thế”.


Toàn cảnh buổi Hội thảo về nhà thơ Lê Anh Xuân
Nhà thơ Hữu Thỉnh tiết lộ: “Tôi khao khát được ra chiến trường vì đọc trường ca Nguyễn Văn Trỗi của Lê Anh Xuân. Đề nghị Thành ủy TP.HCM lập hồ sơ sớm để truy tặng danh hiệu anh hùng cho Lê Anh Xuân. Vì như thế, không những vẻ vang cho thế hệ các nhà văn thời kỳ chống Mỹ mà còn vẻ vang cho Hội Nhà văn Việt Nam hôm nay. Lê Anh Xuân xứng đáng là anh hùng trong thơ và cả trong đời”.

Nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu - Tổng Biên tập báo Văn nghệ TP.HCM, bạn học thời phổ thông ở Hà Nội với Lê Anh Xuân cho rằng: “Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm không phải là cá biệt trong cuộc chiến vừa qua. Lê Anh Xuân cùng nhiều nhà văn, chiến sĩ khác cũng thế. Không cá biệt vì lúc đó cả một thế hệ thanh niên chống Mỹ đều anh hùng. Cho nên, đề nghị Nhà nước truy tặng anh hùng cho các nhà văn như Lê Anh Xuân là việc của lương tâm, trách nhiệm, tình cảm với đồng đội của người đang sống”.

Góp phần tạo nên Dáng đứng Việt Nam

Nhà thơ sinh năm 1940 tại Bến Tre trong một gia đình trí thức yêu nước, năm 1954 tập kết ra Bắc, tên thật là Ca Lê Hiến. Bút danh Lê Anh Xuân do ông lấy chữ lót tên của mình (Ca Lê Hiến) cộng với chữ đầu tên bút danh một người bạn thân (nhà văn Anh Đức) và chữ lót tên người yêu (Bùi Xuân Lan). Đặc biệt, Bùi Xuân Lan là em của nhà văn Anh Đức (tên thật Bùi Đức Ái) nên bút danh Lê Anh Xuân càng thêm nghĩa tình khăng khít. Ca Lê Hiến đã từ giã người yêu - từ giã tình riêng một cách nhẹ nhàng - để vào Nam chống Mỹ vì một mối tình lớn lao hơn: tình non nước. Thế nhưng, mối tình với Bùi Xuân Lan luôn hiện diện trong tâm hồn chàng trai Ca Lê Hiến qua bút danh Lê Anh Xuân.

Bà Mộng Loan (vợ nhà văn Anh Đức) cùng làm báo Văn nghệ Giải phóng với Lê Anh Xuân, kể lại về bài thơ cuối cùng của Ca Lê Hiến: “Tôi nhớ rất rõ buổi tối hôm đó cơ quan có tổ chức buổi nói chuyện của nhà thơ Giang Nam sau khi tham gia Tổng tấn công đợt 1 (Tết Mậu Thân) về. Trong đó có kể về tấm gương của một anh giải phóng quân anh dũng chiến đấu với địch và đã hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất với tư thế đang đứng bắn. Không khí cuộc nói chuyện như lặng đi. Và đêm hôm đó, chính Hiến đã day dứt cho ra đời bài thơ Anh giải phóng quân. Đến trước lúc chuẩn bị lên đường đi Tổng tấn công đợt 2, Hiến đã trao bài thơ này cho Anh Đức xem để có thể in Văn nghệ Giải phóng số tới. Hiến đi rồi, bài thơ được in ra và Anh Đức đã đổi tên thành Dáng đứng Việt Nam lấy từ câu thơ: Cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa Xuân. Hiến không thấy được bài thơ của mình được in, nhưng tôi cứ nghĩ, Hiến với tư cách và phẩm chất của mình, cũng đã góp phần tạo nên cái dáng đứng ấy: Dáng đứng Việt Nam”.

Nhà văn Nguyễn Thi, nhạc sĩ Hoàng Việt được đề nghị phong Anh hùng

Cùng ngày hôm qua 17/8, Hội Âm nhạc TP.HCM đã tổ chức Hội thảo về nhạc sĩ, liệt sĩ Hoàng Việt nhằm lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang cho người nhạc sĩ tài hoa này.

Hôm nay, 18/8, Hội Nhà văn TP.HCM tiếp tục Hội thảo về nhà văn, liệt sĩ Nguyễn Thi - tác giả Người mẹ cầm súng, với cùng mục đích.


Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm