Nhà thơ Phạm Hồng Danh: Bóng đá như cô gái Xuân thì

02/07/2014 08:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Phạm Hồng Danh giảng dạy môn toán ở ĐH Kinh Tế TP.HCM nhưng lại rất lãng mạn, bay bổng cùng thơ văn. World Cup 2014 này, nhà thơ Phạm Hồng Danh cũng để trái tim mình hồi hộp theo từng trận đấu.

Anh có cuộc trò chuyện cùng TT&VH và có “định nghĩa” khá thú vị về trái bóng.

* Mọi dự đoán World Cup xem như không còn "chính xác" nữa khi những đội nổi tiếng như Anh, Italy, Bồ Đào Nha… bị loại. Xét về gốc độ "1 + 1 = 2", "giáo sư toán học" Phạm Hồng Danh có nhận xét gì?

- Khi hai đối thủ tương đương nhau về đẳng cấp, thì việc thắng hay bại thuộc về định mệnh. Ở World Cup năm nay, thì đẳng cấp của các đội tương đối gần nhau, cho nên việc một số đội bong lờn bị loại ngay từ vòng bảng là do họ thiếu may mắn. Mọi dự đoán đều có thể không chính xác, vì người dự đoán không thể tính hết tất cả các tham số hữu hình và vô hình trong cõi đời mênh mông, vô lượng này.

* Thế còn dưới góc độ thi ca, nhà thơ Phạm Hồng Danh nhìn World Cup này ra sao, tính lãng mạn của môn thể thao vua có còn nữa không?

- Dưới góc độ thi ca, cuộc đời luôn là một bức tranh đẹp, buồn và lãng mạn, kể cả World Cup. Niềm vui của đội này là nước mắt của đội kia. Chúng ta không thể nào có những niềm vui kỳ diệu của những cầu thủ sau khi ghi bàn thắng. Có đôi khi, chúng ta quên rằng mình đang sống. Chúng ta chợt nhớ ra mình đang sống khi đang ở tột đỉnh vinh quang hay tận cùng cay đắng.

Với lăng kính lãng mạn thì đôi khi sự thất bại cũng là điều cần thiết để người ta nhận ra mình đang sống và nhận ra chính mình. Bóng đá luôn là sự lãng mạn ở mức cao độ. Nhập cuộc với những trận đá banh là đồng nghĩa với việc bước vào một thế giới đầy đam mê và lãng mạn.

* Dạy toán cần chính xác, làm thơ cần bay bổng. Vậy bóng đá theo anh nó chính xác hay lãng mạn?

-  Người ta cố gắng toán học hóa và chính xác nhiều điều, nhưng đời sống luôn luôn là một sự tương đối. Tất cả sự đong đếm là không chính xác. Khi nói một trái cam nặng 200g, chúng ta có thể nghĩ rằng trái cam chỉ cân nặng gần chính xác là 199,999 gam hoặc là 200,001 gam. Tôi luôn thiên về sự lãng mạn và bay bổng vì chính sự bay bổng làm con người thăng hoa và càng có nhiều chất “người” hơn. Đời người sẽ tẻ nhạt nếu như thiếu đi một chút bay bổng và thậm chí là một chút hồ đồ.

* Nếu được định nghĩa về môn bóng đá, anh sẽ nói như thế nào?

- Trái bóng trong môn bóng đá luôn như một cô gái ở tuổi xuân thì, khi đó cô có 22 chàng trai theo đuổi với nước mắt và nụ cười. Tuy nhiên, vì ý thức được sự theo đuổi của các chàng trai và cả sự theo dõi của hàng triệu người, nên trái bóng luôn đỏng đảnh làm thót tim tất cả chúng ta. Tôi nói vậy trong tương quan các ví dụ, chẳng hạn như cũng là trái bóng trong môn bóng chuyền thì chỉ có 12 người tranh giành, giống như cô gái đã trưởng thành. Và đến trái bóng trong môn bóng bàn thì cô gái đó đã lỡ thì, nói vui là chỉ còn hai người đùn đẩy cho nhau… Môn bóng đá luôn là môn thể thao vua cũng vì những lẽ đó chăng?

Bi ca trên sân cỏ

Trái tim em có phải trái banh lăn
Để cầu thủ chuyền những đường nghiệt ngã
Ai phá lưới sau từng hồi vất vả
Ai đắng cay gục khóc trước triệu người?
Em thấy mình bất lực trước niềm vui
Của cầu thủ sau lần ghi bàn thắng
Niềm hạnh phúc thánh thần còn kinh lặng
Sao trần gian bỗng quá giống thiên đường.
Em quên đi những lo lắng đời thường
Khi nhập cuộc trải lòng trên sân cỏ
Xin được chảy đến cạn nguồn máu đỏ
Một lần vui khắc khoải tận đời sau.
Cả loài người xích lại gần nhau
Vũng trầm luân lăn dài theo quả bóng
Cả dân tộc hóa thành làn sóng
Tràn vào đời lãng mạn như mơ.
 Trăn trở một thời không dứt nổi một ý thơ
Trái phạt đền để thiên tài bật khóc
Tình cờ nào banh chạm vào cột dọc
Ngẫu nhiên ư? Đau đớn đã chín mùi.
Xin được như ai có khoảnh khắc ngậm ngùi
Trong cùng tận nỗi đau nhận ra mình đang sống
Đời ra sao nếu không còn sân vận động
Không còn trái banh và cú sút thần kỳ.
 Ngôi sao nào vừa giã biệt ra đi
Ngôi sao khác lại bất ngờ rực sáng
Có thể nào chìm sâu vào quên lãng
Tình yêu đầu trên sân cỏ đam mê.

Phạm Hồng Danh

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm