Nhà thơ Mai Văn Hai (Kỳ 2): Sách văn không còn những bài văn hay thuở trước

10/01/2010 10:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhà thơ Mai Văn Hai - tác giả của những câu thơ như: “Nắng lên cao theo bố/ Xây thẳng mạch tường vôi/ Lại trải vàng sân phơi/ Hong thóc khô cho mẹ” (Nắng, SGK lớp 2). Với văn chương, ông chỉ thực sự sung sức quãng độ trên 10 năm (từ sau những năm 1975 đến cuối những năm 1980) còn kể từ sau khi tốt nghiệp Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (1987) về nước đến nay, ông chỉ tập trung vào nghiên cứu xã hội học văn hóa… Ông quan niệm, nghề văn là một nghề cao quý song làm được nghề này không phải dễ, theo đuổi được nghề đến cùng lại càng khó. Nhất là làm văn chương chuyên nghiệp…

Viết lại một bài thơ vì… sợ “giáo điều”
 
Nhà thơ Mai Văn Hai cho biết: Lúc làm thơ cho thiếu nhi, người ông chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là nhà thơ đàn anh, đồng hương với ông - nhà thơ Định Hải. Tôi còn nhớ rất rõ là khi tôi học đại học, có một ngày hội thơ trẻ diễn ra ở công viên Thống Nhất. Đến hội thơ, tôi gặp bác Định Hải, khi đó đang làm ở NXB Kim Đồng, bác nói với tôi: Cậu cứ làm thơ nữa đi, thơ thiếu nhi ấy, rồi gửi cho tớ, đọc thấy còn chất tớ sẽ chọn in vào sách hẳn hoi. Được bác Hải “đặt hàng”, tôi thấy phấn khởi về làm bài Chào mào mũ gửi cho bác, ít lâu sau đúng là được in vào sách thật.


Nhà thơ Mai Văn Hai (trái) và nhà thơ đồng hương Định Hải

Tuy nhiên, sau khi in vào sách, tôi đọc lại thì “chán hẳn” vì thấy mình đã nhảy chồm chỗm vào trong bài thơ làm một ông thầy dạy đạo đức. Sau những câu tả con chim chào mào như: “Con chim chào mào/ Đuôi dài tha thướt/ Đi đâu mỗi bước/ Mũ đen đội đầu/ Khoác yếm đỏ au/ Trông thì đẹp mắt/ Nhưng có một tật/ Hay lẻn vào vườn/ Tìm trái chín thơm/ Ăn rồi bỏ dở”, bài thơ kết lại bằng câu “Anh chào mào mũ/ Đẹp mà chưa ngoan”. Nghĩ đi suy lại thấy mình “nhảy sai sân” nên chỉ vài tháng sau khi in sách, tôi quyết định chỉnh lại bài thơ cho chuyên nghiệp hơn, đỡ “mang tiếng” là người dạy đạo đức. Cuối cùng bài thơ được viết lại là:

Có anh chào mào
Đậu trên cành nhót
Chưa cất tiếng hót
Đã tót đi đâu
Đã nghe vườn sau
Thơ thơm hương ổi
Nghe chim mẹ gọi
Chào mào vội thưa
Tiếng nó líu lo
Ngọt như ổi chín


Lao động văn chương là vô cùng khó nhọc, thậm chí ở mức độ nào đó lao động văn chương còn khó hơn là hoạt động khoa học. Khoa học chỉ cần diễn đạt bình thường thôi đã xong rồi nhưng với văn chương người viết muốn diễn đạt một điều gì đó thì phải tìm cho mình một hình tượng để diễn đạt chứ không thể nói một cách giáo điều được.

SGK bây giờ nhiều chỗ khiến tôi cũng… chịu

Đọc một số SGK, tôi nhận thấy có phần hơi nặng nề. Tôi có đứa cháu đang học tiểu học, có lần cháu nhờ tôi giải hộ một bài làm văn mà chính tôi cũng ngắc ngứ. Chẳng hạn có câu “Dân ta tiến hành xây dựng công nghiệp... để làm cơ sở phát triển những ngành công nghiệp... (yêu cầu điền từ vào chỗ ba chấm để hoàn thành câu đúng nghĩa). Suy nghĩ mãi tôi cũng điền được từ “nặng” ở ba chấm thứ nhất và từ “nhẹ” ở ba chấm thứ hai. Xong, cháu tôi hỏi: “Công nghiệp nặng là gì và công nghiệp nhẹ là gì? Làm sao để phân biệt công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ hả ông thì đúng quả thật về hai lĩnh vực này tôi không thể định nghĩa chính xác được.

Một minh chứng nữa là trong SGK có những từ Hán Việt khiến các cháu cũng không thể tự giải nghĩa như quận công, hoàng đế, cổ điển, cổ đại... hay có những đề bài yêu cầu các cháu tả về những đồ vật mà các cháu chưa thấy bao giờ thì làm sao các cháu có thể viết được bài văn hay?!

SGK văn học bây giờ tôi cũng không thấy còn mấy bài văn hay như trước đây chúng tôi được học nữa. Những bài văn như Cây tre của Thép Mới: “Tre già măng mọc”.“Măng mọc trên phù hiệu ở ngực thiếu nhi Việt Nam. Lứa măng non của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các em, các em rồi đây lớn lên, sẽ quen dần với sắt, thép và xi-măng cốt sắt. Nhưng, nứa, tre còn mãi mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tươi hát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc hòa bình...”.

      Các giải thưởng về văn học của nhà thơ Mai Văn Hai: Bông hoa trinh sát Hoa pháo tép - giải thưởng thơ tuần báo Văn nghệ 1974 - 1975. Những mẩu vụn bánh mìTrước sân vườn nhà ta - giải thưởng thơ tuần báo Văn nghệ 1990 - 1991. Bờ ve ran (tập thơ) giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam năm 1992.

Hay như bài Trung thu độc lập: “Đêm nay, anh đứng gác ở trại. Trăng ngàn và gió núi bao la khiến lòng anh man mác nghĩ tới Trung thu và nghĩ tới các em... Trăng đêm nay sáng quá. Trăng đêm mai còn sáng hơn. Anh mừng cho các em và nghĩ tới các em, nghĩ tới ngày mai của các em, lòng anh bị kích thích, hăng hái, dạt dào. Anh nắm chắc lấy súng. Lúc này, anh dám chấp cả một đại đội quân thù”.


Bình thường tôi quan sát trẻ con phải học rất nặng rồi. Chính vì thế SGK cần phải chỉnh lại để làm sao các em dễ hiểu nhất chứ đừng đánh đố các em, làm các em phải ngơ ngác, loay hoay nhờ người lớn giải thích giùm. Nếu như người lớn hiểu, biết giải thích đúng thì không sao, nếu chẳng may nói sai, làm sai, thì vô tình chúng ta làm hại cả một thế hệ của đất nước...

Yên Khương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm