Nhà thơ Mai Văn Hai (Kỳ 1): Đừng quá sợ môn văn

03/01/2010 10:28 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Đó là lời nhắn nhủ các em học sinh của nhà thơ Mai Văn Hai, tác giả bài Nắng (SGK lớp 2), một bài thơ hồn nhiên đã đi vào ký ức của bao thế hệ học trò: “Nắng lên cao theo bố/ Xây thẳng mạch tường vôi/ Lại trải vàng sân phơi/ Hong thóc khô cho mẹ”. Trong số những nhà văn nhà thơ xứ Thanh như Định Hải, Nguyễn Duy có tác phẩm in trong SGK, nhà thơ Mai Văn Hai dường như ít được độc giả biết đến hơn. Cũng phải thôi vì sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp, năm 1983 ông làm nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Đến 1987 bảo vệ luận án PTS và về nước. Từ đó cho đến nay ông công tác tại Viện Xã hội học (Viện KHXH Việt Nam) và cũng từ đó ông gần như ít khi làm thơ trở lại. Nhưng nhắc đến ông, nhiều học sinh thế hệ 7X, 8X vẫn chưa thể quên bài thơ Nắng của ông…

* Hai ngày giã gạo đổi một bài văn

Sinh ngày 11/9/1948 ở Nga Mỹ, Nga Sơn, Thanh Hóa, nhà thơ Mai Văn Hai tự thấy tuổi thơ ông “không có gì đặc biệt” ngoài chuyện hồi học lớp 5, lớp 6 học rất kém văn. “Thời tôi đi học, các thầy cô giáo chấm điểm “kiểu Liên Xô”, thang điểm chấm cao nhất là 5, tương đương với điểm 10 bây giờ. Tôi học văn, điểm cao nhất là 3, còn thấp thì... khỏi nói. Mỗi khi đến giờ học văn tôi “hơi bị ngại” nhưng chưa bao giờ trốn học.


Nhà thơ Mai Văn Hai
 
Có lần cô giáo ra đề bài tập làm văn về nhà làm. Tối ngồi giở vở ra thì... tắc tị. Chú em học dưới tôi hai lớp ngày ấy, hàng ngày phải giã gạo bằng cối giúp bố mẹ, rất vất vả. Tuy nhiên, chú ấy lại học rất khá môn văn. Hôm ấy thấy tôi ngồi cắn bút mãi thì liền gạ gẫm: Anh thay em giã gạo hai ngày, em sẽ viết bài tập làm văn cho anh. Đang ngại nên tôi đồng ý ngay.

Hôm sau, mang bài văn đến nộp cho cô giáo, được cô chấm 4 điểm thì sướng lắm, khoe hết người này đến người khác. Nhưng khi ngồi đọc đi đọc lại bài văn của chú em, tôi nghĩ: Tại sao mình vừa là anh, vừa học trên nó mà làm văn... kém thế nhỉ? Từ đó, tôi tự ý thức lại, tự “thét lên” với đống SGK liên quan đến môn văn rằng: Môn văn à. Môn văn thì có gì là đáng sợ kia chứ.

     Tác phẩm văn học đã xuất bản của nhà thơ Mai Văn Hai: Quả đầu mùa (thơ in chung, 1982); Bờ ve ran (thơ, 1990); Trong nắng Ba Đình (thơ in chung, 2003) và nhiều cuốn sách nghiên cứu về lĩnh vực xã hội học văn hóa, xã hội học nông thôn, xã hội học gia đình.

Mọi người trong nhà tôi nghe thấy vậy “khích lệ” thêm: Ừ, môn văn thì có gì là đáng sợ nào... Thế là, từ sự thay đổi và có sự tiếp sức, động viên của mọi người, dần dần tôi cũng “chinh phục” được môn văn với những con điểm “không thua kém gì chú em”, và sau này còn làm được thơ nữa...


Nói như vậy để thấy rằng năng khiếu nói chung và năng khiếu văn chương trong mỗi con người nó rất lạ. Có những người năng khiếu phát triển rất sớm như Trần Đăng Khoa, có người thì lại rất muộn. Nhưng theo tôi, năng khiếu phát triển bình thường là tốt nhất, giống như chuyện người ta làm mùa ấy. Đến thời điểm cây trái cho thu hoạch thì mới thu hoạch, chứ sớm hơn không được mà muộn quá cũng không hay. Nghĩa là được lượng mất chất thì không tốt chút nào.

* Nắng như là món đồ chơi

Quay lại với bài thơ Nắng, nhà thơ Mai Văn Hai cho biết bài thơ ra đời không xuất phát từ cảm xúc tự nhiên mà là do một sự cố tình tổ chức lại những liên tưởng của mình về nắng:

Nắng lên cao theo bố
Xây thẳng mạch tường vôi
Lại trải vàng sân phơi
Hong thóc khô cho mẹ.
Nắng chạy nhanh lắm nhé
Chẳng ai đuổi kịp đâu.
Thoắt đã về vườn rau
Soi cho ông nhặt cỏ
Rồi xuyên qua cửa sổ
Nắng giúp bà xâu kim.

(Nắng)


Bài thơ được sáng tác sau năm 1975, nhưng được đưa vào SGK năm nào thì ông không nhớ. “Tôi chỉ đuổi theo liên tưởng mà viết ra bài Nắng chứ không bị cảm xúc thôi thúc từ một sự vật, hiện tượng cụ thể. Tôi chỉ giống như một người thợ làm đồ chơi và bài thơ Nắng là món đồ chơi mà tôi đã cất công làm ra. Tôi không nhăm nhăm việc làm ra đồ chơi để dạy đạo đức cho các em mà chỉ quan tâm xem món đồ chơi ấy có làm cho các em vui, thích và trân trọng nó không. Nếu món đồ chơi tôi làm ra được các em thích, chơi được lâu, giữ được mãi thì là một niềm vui lớn đối với người thợ - người làm thơ rồi. Còn việc giáo dục đạo đức cho các em cốt yếu vẫn thuộc lĩnh vực của các nhà đạo đức học” - nhà thơ Mai Văn Hai nói.

* Môn văn có gì mà sợ

Có nhiều phụ huynh học sinh khi gặp nhà thơ Mai Văn Hai than thở rằng “con nhà em học giỏi văn nhưng lại rất kém toán” và xin nhà thơ cho “ít kinh nghiệm”. Nhà thơ cười bảo: Tôi không tin điều đó vì tôi cho rằng không có một học sinh nào học giỏi văn mà kém toán cả. Văn chương hay khoa học cũng đều đòi hỏi con người phải có đầu óc, có tư duy mạnh mẽ. Người ta cứ nói văn chương là hình tượng còn khoa học là logic, khái niệm, nhưng thực ra hai ranh giới này biểu hiện không rõ ràng.

Để truyền lại cho các em kinh nghiệm học văn hay viết văn, tôi xin nhắc lại lời của Tế Hanh là không có kinh nghiệm nào cả. Con cái học văn kém không phải là do chúng không có năng khiếu mà có rất nhiều lý do tác động khác. Điều quan trọng là chính các em hãy “thử như tôi” đừng quá sợ môn văn. Môn văn không có gì là quá ghê gớm mà phải sợ, phải chán, phải ghét. Gia đình, bạn bè cùng động viên nhau, khích lệ lẫn nhau tạo nên một hứng thú, niềm say mê đối với môn văn thì dần dần các em cũng sẽ viết hay, học giỏi môn văn. Bản thân các em học sinh phải tự ý thức chinh phục môn văn bằng cách đọc nhiều sách, viết nhiều bài, tự nghiền ngẫm những “món đồ chơi” của mình, của người khác xem hay dở thể nào để rút kinh nghiệm rồi thì quá trình biến đổi từ lượng sang chất sẽ được thực hiện.

Kỳ sau (Chủ Nhật 10/1): Sách văn không còn những bài văn hay thuở trước

Yên Khương (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm