Nhà thơ Lê Huy Hòa: Dạy văn kiểu “chia ô thuốc bắc”

15/11/2009 15:54 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Ở bài trước, chúng ta đã được nghe nhà thơ Lê Huy Hòa kể về bài thơ Hoa phượng (SGK lớp 2) được ông viết ngay trên yên xe đạp khi cảm xúc về loài hoa luôn gắn với mùa hè, với tuổi học trò này. Lần này, ông lại nói về kinh nghiệm dạy văn “chia ô kiểu thầy lang bốc thuốc bắc” mà chính bản thân ông ngày còn “hành nghề dạy học” đã từng áp dụng rất thành công.

Cũng đọc/chép nhưng vẫn có trò giỏi

Ông nhận xét: “Hiện có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề dạy văn trong nhà trường. Trường phái thứ nhất cho rằng phải lấy học sinh làm chủ thể, trường phái thứ hai thì cho rằng nên dạy văn theo kiểu đọc văn. Tức là vẫn dạy theo cách cũ, thầy dạy, học trò chép. Có người cho rằng ý kiến thứ hai là không được mà cần lấy học sinh làm chủ thể, phải đặt ra các câu hỏi cho học sinh. Không dạy theo kiểu thụ động, bắt học sinh học, hiểu theo một chiều. Biến học sinh thành cái thùng và mình muốn nhét gì thì nhét.

Tuy nhiên tôi nhận thấy, dạy và học như chúng tôi ngày trước cũng đọc, cũng chép nhưng vẫn có trò giỏi. Như vậy vấn đề không hoàn toàn nằm ở việc dạy và người dạy mà còn phụ thuộc rất lớn vào học sinh. Cứ bảo lấy học sinh làm chủ thể rồi phát vấn để chúng trả lời rồi đưa ra chính kết luận của chúng nhưng liệu rằng những học sinh có thực sự đọc trước, tìm hiểu trước tác phẩm hay không; chúng có trả lời được các câu hỏi hay không?


Tôi cũng rất quan tâm đến việc bỏ đọc chép trong giáo dục. Tuy nhiên, trước tiên, chúng ta cần phải cắt nghĩa được cái gốc của vấn đề là đọc như thế nào và chép như thế nào. Thí dụ trong sách người ta in rồi, học trò có hết cả rồi mà thầy vẫn đọc cho trò chép thì đương nhiên lãng phí 100% thời gian. Ngược lại, giảng bài nào mà thầy lại có tài liệu ngoài, tài liệu quý, nghĩa là đọc không tràn lan, đọc có định hướng đàng hoàng về những cái mà học sinh chưa có, đang cần cho bài học thì thầy đọc các em sẽ “chép” ngay!

Nhưng nói gì thì nói tôi cũng phản đối chuyện đọc cho học trò chép. Hãy để cho chính các em phát huy tư duy sáng tạo chủ động trong chính các em.

Dạy văn theo kiểu “bốc thuốc” cũng hiệu quả

Nhà thơ Lê Huy Hòa, sinh năm 1949 tại Thanh Hóa. Cử nhân Ngữ văn ĐH Tổng hợp HN 1970, nguyên Phó GĐ, Phó TBT Đài PT-TH HN, Giải thưởng thơ Bộ GD&ĐT, Giải thưởng Nguyễn Trãi của Hội VHNT Hà Tây cũ và nhiều giải thưởng văn học, báo chí khác.
Tôi có rất nhiều kỷ niệm về những giờ văn mà tôi đã dạy. Nhớ nhất là tiết văn dạy về “Vợ chồng A Phủ”. Dạy bài này, tôi đã nhờ học sinh diễn kịch, thoại lại theo tính cách nhân vật. Làm cách này nhiều học sinh phát khóc, nhất là đoạn Mỵ bị trói, bị A Sử đánh đập dã man. Hay khi dạy đến những bài thơ của Huy Cận, Xuân Diệu tôi để ý các em rất yên lặng và tập trung, khiến cho người thầy cũng xúc động, thấy nghề dạy của mình được tôn trọng thật sự.

Còn bây giờ, tôi tìm hiểu, nếu nói vô cảm thì không đúng mà chính xác là các em đã rất thờ ơ với môn văn, không đắm đuối như trước nữa.

Trước đây, tôi còn có kiểu dạy văn theo công thức “bốc ô thuốc bắc” rất hiệu quả. Tuy nhiên, có thể với thời bây giờ, kiểu đó không hợp nữa và cũng chưa thấy ai áp dụng. Thí dụ có một đề thi: Tấm lòng yêu thương của người thanh niên cộng sản qua tập thơ Từ ấy. Để hướng dẫn cho các em làm đề này, tôi gợi ý: Một là: Yêu thương có những câu thơ nào, bài thơ nào nữa? Hai là: Lý tưởng cách mạng của người thanh niên cộng sản có trong những câu thơ nào? Ba là: Ý nghĩa phản kháng và đấu tranh trong thơ Tố Hữu… cứ thế tôi “chia ô” theo kiểu thầy lang bốc thuốc bắc và rất bất ngờ là hầu hết các em làm bài rất tốt. Nó đơn giản kiểu như anh đừng nên phân biệt mèo đen hay mèo trắng miễn là nó bắt được chuột là được… Tuy nhiên, như tôi đã nói có lẽ nó hơi “cơ học”, nhiều người cho rằng dạy kiểu đó không có cảm xúc nên thời nay không thấy ai “bốc bài” kiểu như tôi nữa.

Kỳ sau (Chủ Nhật, 22/1): Gặp lại tác giả bài thơ Lũy tre

Yên Khương (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm