Nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng: Những câu thơ mang hình hài số phận

15/12/2012 15:47 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Như TT&VH thông tin, nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng vừa được NXB Thanh Niên ấn hành tập thơ đầu tay Hết mùa Thu chưa. Tập thơ mỏng chưa đầy 80 trang in này ra đời từ tình cảm bạn văn dành cho ông. Xin nói rõ, bạn văn giúp Huỳnh Duy Siêng in thơ, vì thơ ông được viết bằng chính số phận của mình khiến người đọc rung cảm, chứ không phải vì thương xót ông bị tật nguyền.

Nhà thơ Huỳnh Duy Siêng sinh năm 1937 tại TP Tuy Hòa, Phú Yên. Năm lên 3 tuổi ông bị bệnh đậu mùa dẫn đến mù hai mắt. Thời ấy, Tuy Hòa chỉ là một thị trấn nhỏ nằm hẻo lánh bên bờ biển Đông nên bác sĩ và thuốc men vô cùng khan hiếm dù gia đình Huỳnh Duy Siêng đã cố gắng chạy chữa.

Hơn 70 năm “tưởng tượng cuộc đời” trong bóng tối

Nhà thơ khiếm thị Huỳnh Duy Siêng - Nguồn: Internet

Năm lên 7 tuổi, Huỳnh Duy Siêng bắt đầu ý thức được sự thiệt thòi của mình. Ông nhớ lại cái hôm lũ trẻ hàng xóm sang nhà chơi với ông, bọn trẻ khoe rằng ngày mai đi học. Huỳnh Duy Siêng hỏi má: “Sao con không được đến trường”. Má ông im lặng ôm ông vào lòng. Ông lặp lại câu hỏi này đến lần thứ ba thì nghe nước mắt của người mang nặng đẻ đau ra mình rơi xuống mặt ông. Huỳnh Duy Siêng nói: “Những giọt nước mắt của má đã cho tui biết rằng, cái sự mù của tui chính là nỗi đau khủng khiếp của má. Từ đó tui không đòi đi học nữa, vì sợ má buồn”.

Năm Huỳnh Duy Siêng lên 7 tuổi, ở Tuy Hòa vẫn chưa có chữ nổi cũng như trường lớp dành cho người khiếm thị. Tuy nhiên, ông vẫn có cách học của riêng mình. Hằng ngày ông theo bạn cùng lứa đến trường, các bạn vào lớp còn ông ngồi ngoài hành lang lắng nghe bài giảng. Bài văn vần nào được thầy cô dạy học trò, ông đều thuộc lòng.

Nhưng những tháng ngày học lỏm của ông không được bao lâu. Một lần ông vừa dò dẫm đến trường thì nước lụt trên sông Đà Rằng dâng lên. Các bạn sáng mắt đều di tản hết, riêng ông không biết chạy đi đâu, đành ôm gốc cây chịu trận. Khi người ta tìm ra thì cậu bé Huỳnh Suy Siêng đã cứng đơ vì lạnh. Sợ mình có chuyện gì thì má buồn không sống nổi nên Siêng ở nhà thui thủi ra vào.

Sau này, má ông sinh thêm hai người con nữa. Khi các em của ông học bài thì ông lấy “đài” ra nghe. Cái sự học của ông dựa chủ yếu bằng đôi tai. Nghe đài, ông thuộc hàng trăm ca khúc và hát lại rất đúng nhạc. Năm 30 tuổi, có cô hàng xóm mến ông thường sang nhà đề nghị ông hát nhạc Văn Cao. Được một thời gian ngắn thì cô đi lấy chồng. Ông làm thơ về người con gái ấy: Em đứng gần chờ nghe tôi hát/ Dòng sông nào trôi trong ca dao.

Hơn 70 năm sống trong bóng tối, Huỳnh Duy Siêng vẫn luôn tin yêu vào cuộc sống. Những câu chuyện về ông gần như văn nghệ sĩ nào ở Tuy Hòa cũng đều biết. Sau cặp kính râm che hai hốc mắt sâu thẳm là một số phận được chính ông kể lại bằng những câu thơ của mình: Bước đi không kịp với người/ Bóng nghiêng hồn lệch gió trời kéo xô/ Đưa tay rờ cõi hư vô/ Khoảng không trước mặt mơ hồ tương lai/ Bơ vơ nghe lá thở dài/ Nghe sầu nung chín hình hài phế nhân… (Bước không kịp người).

Nhà thơ khiếm thị giúp các nhà thơ sáng mắt… sang sông

Huỳnh Duy Siêng làm thơ trong đầu rồi nhờ người thân chép lại để đó. Ông không thể tự gửi thơ đến báo đài nên ít người biết đến thơ ông, trừ những lần ông “xuất bản miệng” cho bạn văn quanh quẩn ở Tuy Hòa nghe.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, một người đồng hương và là bạn văn của Huỳnh Duy Siêng đánh giá rằng: “Một người khiếm thị vẫn luôn có thế mạnh về thính giác. Thơ Huỳnh Duy Siêng thường biểu đạt bằng trạng thái “nghe”. Tuy nhiên, ông không chỉ nghe bằng tai mà nghe bằng cả trái tim… Khi sáng tạo thi ca vượt qua bóng tối học vấn và bóng tối định mệnh, thì mỗi bài thơ của Huỳnh Duy Siêng có giá trị bằng hai bài thơ”.

Tập thơ đầu tay của Huỳnh Duy Siêng ra đời năm tác giả 75 tuổi

Chính Lê Thiếu Nhơn là người tập hợp bản thảo, xin giấy phép xuất bản và bỏ tiền túi in Hết mùa Thu chưa cho Huỳnh Duy Siêng. Lê Thiếu Nhơn cho biết: “Tôi biết Huỳnh Duy Siêng khi tôi còn là cậu học trò trường tỉnh. Thơ Huỳnh Duy Siêng là những câu mang hình hài số phận của chính ông. Những câu thơ mộc mạc, chuyên chở cả một phận người nhưng rất đỗi tài hoa. Tôi giúp Huỳnh Duy Siêng in tập thơ này để giới thiệu với mọi người về một nghị lực sống và năm 2012 này ông đã 75 tuổi, gân cốt đã suy yếu rồi”.

Bạn văn ở Tuy Hòa thường kể với nhau một câu chuyện vui về Huỳnh Duy Siêng khi ông giúp khá nhiều nhà thơ… thoát nạn. Năm 1993, Huỳnh Duy Siêng cùng các nhà thơ đi đọc thơ phía bờ Nam sông Chùa - một nhánh nhỏ của sông Đà Rằng. Khi các nhà thơ đang du dương vần điệu thì nước lụt tràn về. Các nhà thơ đang lúng túng không biết làm cách nào để trở về nhà ở bờ Bắc con sông, vì đường sá đã bị phủ trắng nước lụt. Huỳnh Duy Siêng năm đó gần 60 tuổi cởi áo nói các nhà thơ đi theo ông. Nhà thơ khiếm thị nhảy tùm xuống con sông rộng chừng 50m bơi thẳng một mạch sang bờ bên kia. Các nhà thơ khác làm theo và tất cả về nhà an toàn. Kỳ tích này của Huỳnh Duy Siêng nhờ ông quyết tâm tập bơi sau trận chết hụt hồi nhỏ đi học lỏm gặp nước lụt.

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Sau khi phát hành Hết mùa Thu chưa, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết sẽ mang tập thơ này về Tuy Hòa tổ chức một buổi ra mắt ấn phẩm đầu tay của nhà thơ Huỳnh Duy Siêng. Lê Thiếu Nhơn đang vận động bạn bè, người yêu thơ mua Hết mùa Thu chưa nhằm có chút ít kinh phí dành tặng Huỳnh Duy Siêng “dằn túi” lúc tuổi già. Được biết, nhà thơ Lâm Xuân Thi và Quỹ Tình thơ đã mua ủng hộ nhà thơ Huỳnh Duy Siêng 100 tập Hết mùa Thu chưa.

***

Chỉ khóc một lần trong đời

“Tui lúc nào cũng lạc quan. Cả đời tui chỉ khóc một lần. Đó là ngày má tui hấp hối, bà gọi tui đến bên giường, nói thều thào: Má sinh con mà không thể san sẻ bất hạnh của con. Con để tang má đã là đại hiếu rồi. Con không phải đưa má ra nghĩa trang đâu. Con bị mù, má miễn cho con! Nghe vậy, tui òa khóc như một đứa trẻ” - nhà thơ Huỳnh Duy Siêng.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm