Nhà làm phim Khương Mễ: Huyền thoại của điện ảnh bưng biền

20/10/2022 19:14 GMT+7 | Văn hoá

Triển lãm 75 năm điện ảnh cách mạng bưng biền - Nam bộ (1947 - 2022) đang diễn ra tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, bày hàng trăm hình ảnh, hiện vật quý. Tại đây, người xem gặp lại một huyền thoại của điện ảnh bưng biền - nhà làm phim Khương Mễ (15/7/1916 - 18/6/2004).

Điện ảnh Việt sau thời dịch bệnh: Phim hay không cần mùa!

Điện ảnh Việt sau thời dịch bệnh: Phim hay không cần mùa!

Một bộ phim hay ra rạp bất cứ thời điểm nào cũng vẫn ăn khách. Không thể phủ nhận lễ tết là dịp khán giả đến rạp nhiều hơn nhưng điều đó không có nghĩa phim ra rạp vào các mùa khác sẽ “chết”. Thậm chí nếu chỉ chăm chăm dồn vào dịp lễ tết thì khả năng “chết” còn cao hơn các mùa khác.

Chắc chắn, mục đích ban đầu của Khương Mễ không phải trở thành huyền thoại, nhất là trong điều kiện làm phim quá ư thiếu thốn của bưng biền Nam bộ thời kháng chiến chống Pháp.

Nhưng gọi ông là huyền thoại cũng không hề quá lời, vì với những gì ông đã làm được trong điều kiện sơ khai và vô cùng thiếu thốn của kháng chiến chống Pháp ở bưng biền, khó có từ nào diễn tả chính xác hơn.

Điện ảnh mà không có… điện

“Lumière của Đồng Tháp Mười - Việt Nam” là lời tán dương của ông Jean Pierre Garcia (Chủ tịch liên hoan phim quốc tế Amiens lần thứ 17 năm 1997, tại Pháp) dành cho đạo diễn - NSƯT Khương Mễ, khi ông là khách mời đặc biệt. Cũng tại đây, ông được trao biểu tượng Licorne D'Or (Kỳ lân Vàng) cho những cống hiến với phim ảnh.

Chú thích ảnh
Nhà làm phim Khương Mễ thời trẻ

Sau liên hoan này, vì quá ngưỡng mộ Khương Mễ, năm 1999, nhà làm phim Samuel Aubin (người Pháp) sang Việt Nam tiền trạm, đến năm 2001 thì dẫn một đoàn gồm bốn người sang thực hiện phim tài liệu La chambre noire de Khương Mễ (Phòng tối của Khương Mễ) dài 63 phút, để ngợi ca sức sáng tạo độc đáo của ông. Khi phim được chiếu lần đầu tiên tại IDECAF (TP.HCM) vào ngày 26/3/2003, nhiều nhà làm phim và báo giới đã rất cảm động, nể phục về sự tìm tòi, phát kiến đặc biệt của Khương Mễ. Nên, việc người Pháp so sánh ông với một trong những “sơ tổ” ngành của điện ảnh - anh em nhà Lumière - không phải là không có cơ sở.

Chú thích ảnh
Khương Mễ (trái) chỉ đạo diễn xuất thời còn ở bưng biền

Trở lại liên hoan phim Quốc tế Amiens năm 1997, Khương Mễ mang sang triển lãm chiếc máy quay Paillard Bolex 16 li, 25 bức ảnh đen trắng, 6 mô hình thiết bị phục chế, phơi phim, dán phim, tráng phim… Nói chung, ông đã phục dựng lại cho khán giả Pháp biết việc làm phim thủ công tại Đồng Tháp Mười trước năm 1950 là thế nào, nhất là xung quanh không có điện. Những thước phim tài liệu về các trận đánh ở La Ban, Trà Vinh, Cầu Kè... khá mộc mạc, nhưng trong điều kiện làm phim thiếu thốn thời bấy giờ, làm được như vậy, thật đáng kinh ngạc.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong phim “Cô Nhíp”

Qua những hình ảnh tại triển lãm 75 năm điện ảnh cách mạng bưng biền - Nam bộ (1947 - 2022), có thể thấy Khương Mễ và vài đồng nghiệp thời kỳ đầu đã phải làm việc thay cho rất nhiều người, nhiều khâu của một đoàn phim vốn cần đến 20 - 25 người. Họ đã sử dụng chiếc xuồng ba lá có mui để làm buồng tối trên sông Cửu Long, chế tạo thành công máy in phim tại chỗ, ủ phim bằng nước đá... Họ cũng nghĩ ra cách làm kỹ xảo bằng việc bằng cách phóng chiếu hình ảnh so le lên vải, cách đặt góc máy. Nếu xem lại phim Hết đời đế quốc (1951), ta sẽ rất ngạc nhiên vì hiệu quả kỹ xảo, vốn được làm trong điều kiện thiếu điện và vô số máy móc chuyên dụng khác.

Chú thích ảnh
Một cảnh kỹ xảo trong phim “Hết đời đế quốc” (1951)

Cả đời dành cho phim ảnh

Với đóng góp to lớn và trình độ như Khương Mễ, sau năm 1975, nếu ông muốn chuyển đổi công việc thì không khó khăn gì. Nhưng gần như cả đời ông chỉ dành cho phim ảnh, với thái độ làm việc khiêm nhường, nhưng rất kỹ tính.

Chú thích ảnh
Máy quay phim 16 li mà Khương Mễ sử dụng giai đoạn 1946 - 1954

Cần nhớ, vào năm 1939, khi nhóm Việt Nam phim của Antoine Giàu được thành lập, với tiêu chí người Việt làm phim cho người Việt xem, Khương Mễ nhiệt thành tham gia. Nhóm này đã làm được một số phim, tiêu biểu có Một chiều trên sông Cửu Long, Thầy pháp râu đỏ, Đèo Ngang tức cảnh. Khương Mễ vào vai Phú Đức trong phim Một chiều trên sông Cửu Long. Sau đó ông làm nhiều vai trò khác ở đoàn phim, trong đó có quay phim.

Chú thích ảnh
Tráng phim thủ công

Đến khi Nam bộ kháng chiến (23/9/1945), Khương Mễ đi vào bưng biền chống Pháp, dừng luôn việc làm phim. Khi Bộ Tư lệnh khu 8 Nam bộ thành lập Tổ nhiếp - điện ảnh ngày 15/10/1947, Khương Mễ được điều động tham gia, ông phải lén về thành mua máy móc, thiết bị, sách vở để học chụp ảnh, làm phim… giữa bưng biền Đồng Tháp Mười. Rất năng nổ, sáng tạo, ngoài mua sắm, ông và cộng sự tự chế nhiều dụng cụ, nên việc phim tài liệu Trận Mộc Hóa do Khương Mễ quay hoàn thành ngay trong năm 1948 là việc quá nhanh, quá bất ngờ.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong phim “Trận Mộc Hóa” (1948)

Đây có lẽ là phim tài liệu chiến sự đầu tiên do Việt Nam quay. Đêm 24/12/1948, tại CLB quân nhân trên bờ kênh Dương Văn Dương, xã Nhân Hòa Lập (Mộc Hóa, Long An), Trận Mộc Hóa trở thành phim cách mạng đầu tiên của Việt Nam được chiếu rộng rãi tại Nam bộ.

Ngay sau đó, Khương Mễ tham gia làm các phim như Chiến dịch Cầu Kè (1949), Binh công xưởng khu 8 (1949), Trận La Ban (1948), Chiến dịch Trà Vinh (1950), Hết đời đế quốc (1951)… Trong điều kiện chiến tranh thiếu thốn, chỉ gần 3 năm Khương Mễ và Tổ nhiếp - điện ảnh khu 8 đã làm gần cả 10 phim, chưa tính nhiếp ảnh. Ông cùng với Mai Lộc, Lê Bích, Nguyễn Văn Khoái, Vũ Phi Lân là 5 nòng cốt của Tổ nhiếp - điện ảnh khu 8, cùng nhau đặt nền tảng cho điện ảnh Nam bộ thời kháng chiến.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong phim “Chiến dịch Cầu Kè” (1949)

Năm 1954, Khương Mễ tập kết ra Bắc, giữ vai trò đào tạo đội ngũ điện ảnh kế tục và xây dựng cơ sở vật chất cho ngành phim ảnh. Thập niên 1960, ông tham gia và thực hiện một số phim tiêu biểu như Vợ chồng A Phủ (1961), Khói trắng, Lửa rừng, Hai người lính… Năm 1976, ông trở về miền Nam, tham gia làm và đạo diễn các phim như Cô Nhíp (1976, truyền hình), Chuyện bên lề 30/4 (truyền hình), Em bé đánh giày, Chiều sâu lòng đất…

Chú thích ảnh
Một cảnh trong phim “Chiến dịch Trà Vinh” (1950)

Ngoài nhiều giải thưởng trong nước và nước ngoài, Khương Mễ còn được vinh danh là nhà làm phim tiêu biểu tại Tiểu hội Á - Phi - Mỹ La-tin ở liên hoan phim Quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc) năm 1977… Đến năm 86 tuổi, khi tay run và mắt mờ, Khương Mễ mới chính thức dừng việc làm phim. Hai năm sau, 2004, ông lâm trọng bệnh và qua đời, hưởng thọ 89 tuổi.

Dấu ấn “Cô Nhíp”

Không chỉ là phim truyền hình đầu tiên của TP.HCM, phát sóng năm 1976, Cô Nhíp còn có doanh thu khá ấn tượng, khi được Fafilm Việt Nam mua bản quyền phát hành rộng rãi qua hệ thống rạp và chiếu bóng lưu động trên toàn quốc. Phim cũng được mua, phát sóng chính thức trên truyền hình của Liên Xô (cũ), Tiệp Khắc (cũ), Trung Quốc… và được trao giải thưởng Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 4 vào năm 1977; được tặng Bằng khen của Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới ở Bình Nhưỡng năm 1978.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm