Nhà Glazer & sự xói mòn những giá trị truyền thống

14/05/2015 14:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 10 năm đã qua kể từ ngày nhà Glazer bỏ ra 790 triệu bảng (chủ yếu là tiền đi vay) để mua lại đội bóng giờ giá trị 1,6 tỉ bảng. Họ đã tỏ rõ rằng bóng đá chỉ là thứ yếu, lợi nhuận mới là quan trọng nhất. Và Man United quả thật đã trở thành con bò sữa cho những nhà tài phiệt ở Florida.

Kinh tế học của Glazer

Đó là cách làm ăn khéo léo, thông minh, nhưng cũng tàn nhẫn, không thương xót và không ngượng ngùng. Từ 2005 tới 2014, gia đình Mỹ đã lấy của CLB 680 triệu bảng trả các khoản nợ, lãi vay và phí ngân hàng, trong khi chỉ rót 380 triệu bảng để mua cầu thủ. Chỉ tài năng siêu việt của Sir Alex Ferguson mới giúp một đội hình què quặt và yếu ớt như thế vẫn tiếp tục chiến thắng. Để rồi mùa hè vừa rồi, ngay cả một đợt mua sắm ồ ạt nhất trong lịch sử đội bóng cũng chỉ đủ để về đích hạng 4, và ngay cả cuộc thay máu sắp tới nữa cũng không đảm bảo các danh hiệu sẽ trở lại.

Memphis Depay sẽ tới Old Trafford, nhưng Man United còn cần một hậu vệ phải, một trung vệ, một tiền vệ trung tâm, một tiền đạo, chưa kể Michael Carrick phải bình phục và David de Gea đồng ý ở lại. Họ vẫn đang trả giá vì sự tham lam của nhà Glazer. Cả một thập kỷ qua ở Old Trafford với những ông chủ Mỹ thuần túy là giá cả, tài chính và tiền bạc, những giá trị thể thao và cộng đồng truyền thống của một đội bóng đã xói mòn nghiêm trọng. Man United từ một gia đình lớn đang dần trở thành một thương hiệu nhượng quyền.

Sự ra đi của nhân vật không khác gì người cha, Ferguson, cũng đã khiến tình cảm “gia đình” thêm nhợt nhạt, nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về nhà Glazer. Buổi tối tại Wigan năm 2008. Man United lúc đó chuẩn bị giành Premier League và đang hướng tới trận chung kết Champions League ở Moskva, nhưng những ông chủ của họ hành xử như các đại gia xa lạ, không phải là các CĐV. Chính các CĐV Wigan cũng thấy kinh ngạc bởi đội vệ sĩ hùng hậu và đoàn người tiền hô hậu ủng đi theo gia đình Glazer tới sân bóng của họ.

Chỉ tiền là quan trọng?

Nhưng với nhà Glazer, điều đó chẳng quan trọng. Họ không cần phải giữ hình ảnh trong mắt các CĐV, chừng nào Man United còn hái ra tiền. Ngay cả tuyên bố từ chối đề nghị đặt lại tên sân Old Trafford với giá 20 triệu bảng cũng chẳng lừa được ai. Cái giá đó đơn giản là quá thấp, chứ không phải vì các ông chủ Mỹ quyết giữ tên “Nhà hát của những giấc mơ”.

Nhà Glazer tất nhiên không phải là những ông chủ duy nhất coi đội bóng là máy in tiền. Mike Ashley còn tệ hơn ở Newcastle. Karl Oyston, ít người biết tới hơn, cũng làm các CĐV Blackpool nổi giận. Nhưng ngược lại, vẫn còn những ông chủ cũng là người hâm mộ thực sự, như Steve Gibson ở Middlesbrough và Peter Coates ở Stoke City. Tuy nhiên, vấn đề với nhà Glazer là lẽ ra họ còn có thể kiếm được nhiều tiền hơn nữa nếu cư xử khéo léo hơn, tôn trọng các CĐV áo đỏ, xin ý kiến của họ và đầu tư nghiêm túc cho CLB.

Sau một thập kỷ, cuộc chiến tranh lạnh giữa những ông chủ và người hâm mộ tại Old Trafford vẫn tiếp tục. Thứ Hai vừa rồi, một nhóm CĐV Man United lại đăng trên mạng một “bản án” với những ông chủ của họ: “Một, nhà Glazer đã lấy tiền của CLB và chưa bao giờ bỏ một xu tiền túi nào cho đội bóng. Hai, họ gây ra chia rẽ trong các CĐV, đẩy các CĐV ra khỏi đội bóng và làm mất cảm giác gia đình ở Man United. Và ba, sự im lặng và thiếu minh bạch với người hâm mộ và truyền thông”.

Tất cả điều đó đều đúng, nhưng nhiều khả năng Man United sẽ chẳng thay đổi gì trong một thời gian dài nữa.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm