05/06/2019 07:07 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Định nguyên là phóng viên của Báo Ảnh Việt Nam (TTXVN), có thời gian ông chuyên trách chụp hình cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông đã từ trần lúc 3h10 ngày 31/5 tại Hà Nội.
Thể thao & Văn hóa trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Đoàn Tử Diễn, người từng là đồng nghiệp với nhà báo Trần Định tại Báo Ảnh Việt Nam.
1. Quen biết Trần Định vào mùa Hè 1976 sau khi tôi từ miền Nam trở về cơ quan cũ - Báo Ảnh Việt Nam, tôi chỉ mới một lần gặp mặt, có lẽ cũng chưa thật sự nhớ tên, Trần Định đã tìm đến nhà tôi, phố Giảng võ.
Anh tìm kiếm trong tư liệu của tôi trong những năm chiến tranh, ấn tượng đặc biệt với bộ ảnh Côn Đảo tôi đã kịp ghi lại ngày Côn Đảo giải phóng, đầu tháng 5/1975. Vừa xem, anh vừa xuýt xoa, “tuyệt vời… tuyệt vời”. Anh muốn tấm ảnh cá nhân tôi chụp trên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường. Tôi khá ngạc nhiên về một người bạn có lẽ trẻ hơn tôi dăm, bảy tuổi. Một người vừa quen biết, như bạn bè, anh em thân thiết sau nhiều năm xa cách.
Ấn tượng khác thường đó lưu lại trong tôi suốt nhiêu năm cùng sống, cùng thực hiện những chuyến đi xa, đến mấy tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ. Nhìn anh đứng ngắm những con suối nhỏ, những túp lán hoang phế, nơi đã từng là căn cứ cách mạng trong những năm chiến tranh ở Tây Quảng Nam. Tôi thầm nghĩ, Trần Định là một phóng viên năng nổ, yêu nghề, yêu người, yêu giá trị lịch sử, văn hóa làm nên đất nước này. Phải chăng đó là phẩm chất đặc sắc ở nhà báo - nghệ sĩ Trần Định.
Trần Định khá lận đận trong cuộc sống gia đình và dường như niềm đam mê nghề nghiệp đôi khi lấn át tâm trí, thời gian cho việc chăm chút cuộc sống riêng. Xây dựng gia đình, anh buộc phải ở nhờ nhà bà con ở 36 Quang Trung, rồi dịch chuyển xuống ngõ nhỏ phố Thái Hà. Những năm sau này anh được ở căn hộ rộng rãi hơn trong khu tập thể, tầng 5 phố Đội Cấn. Nhưng anh ở nhà, có lẽ ít hơn thời gian anh đó đây trên khắp mọi miền.
Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, năm 1973 anh nhận công tác tại Báo Ảnh Việt Nam. Từ đây cuộc đời anh gắn bó với cây viết, máy ảnh. Trên 60 tỉnh thành Việt Nam, dường như không có nơi nào không in dấu chân của anh.
Anh nhạy bén, mẫn cảm thu vào ống kính những hình ảnh mới mẻ sinh động, hiện thực cuộc sống ở mỗi vùng miền. Anh có mặt nhiều lần trên đỉnh cột cờ Lũng Cú cực Bắc, Mũi Cà Mau cực Nam, đã từng ngồi trên lưng voi Bản Đôn, khám phá rừng đại ngàn cùng trầm tích văn hóa cổ xưa Tây Nguyên. Và chỉ cách ít ngày Trần Định vĩnh biệt chúng ta, anh vẫn kịp trở lại Vũng Rô, điểm huyết mạch lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển.
2. Trong căn phòng nhỏ hẹp, bộn bề giá sách, các ấn phẩm, những cuốn album với nhiều kích cỡ, chiếc máy tính cũ xưa… anh đưa cho tôi xem những bộ sưu tập với rất nhiều chủ đề đã được anh sắp đặt và luôn được bổ sung. Bộ ảnh về Tây Nguyên, những sinh hoạt đời thường giản dị của buôn Ede ngoại vi Buôn Ma Thuật, người Ba Na làm rẫy ở Gia Lai, lễ hội Bỏ mả P’thi… Nhìn ảnh mà nghe như có tiếng vọng cồng chiêng xa khuất. Bộ ảnh về những dòng sông sôi động và hiền hòa, đặc biệt anh dành tình cảm sâu nặng với Ngàn Sâu, sông La quê anh. Nếp sống dân dã miền sông nước Cửu Long, vườn trái cây chói nắng sông Tiền, bập bềnh, sôi động chợ nổi trên từng khúc sông mênh mang dừa nước xuôi xuống Cà Mau…
Khối lượng tác phẩm tràn đầy sự sống, có sức truyền cảm lạ lùng là lao động không ngừng nghỉ của nhà báo Trần Định, được đồng nghiệp và công chúng trân trọng ghi nhận. Trong tất cả những đề tài anh tâm huyết suốt cả cuộc đời cầm máy, bộ ảnh Đại tướng “Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ” được anh gửi gắm nhiều cảm xúc và trách nhiệm nhất về đất nước, về lịch sử, về con người thông qua từng khoảnh khắc sinh động của vị Đại tướng của nhân dân.
Được xem và cảm nhận “kho báu” Trần Định lưu giữ trong máy, trên giá sách, tôi buột miệng hỏi anh: “Sao không tuyển chọn những khoảnh khắc tâm đắc nhất, làm một cuốn sách ảnh chừng vài trăm trang như nhiều nghệ sĩ khác đã làm và rất ấn tượng?”. Trần Định xụi lơ, đưa ngón tay cái vê vê lên mấy ngón tay còn lại. Tôi hiểu. Bước “đầu tiên” Trần Định không bao giờ vượt qua nổi.
Trần Định không mấy khi nhiều lời giải bày. Nỗi niềm riêng tư anh không muốn làm rối lòng bạn bè, những người thân và rối lòng cả những dự định của anh theo mạch nguồn đam mê riêng.
Trần Định vừa là phóng viên nhiếp ảnh, vừa là nghệ sĩ nhiếp ảnh. Anh trong số không nhiều những người hài hòa được hai phong cách, hai cảm nhận cuộc sống, giữa trách nhiệm báo chí và đam mê nghệ thuật ảnh, giống như Đinh Quang Thành, Quang Minh, hay Kim Sơn…
Những tấm ảnh báo chí của anh, đưa lên bất cứ tờ báo cập nhật nào cũng thích hợp, và cũng có thể đặt bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật, không một chút e dè, ngần ngại. Trần Định là một phóng viên, một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng, mẫn cảm.
Số phận đã đưa Trần Định đến nghề làm báo, là một đặc ân của trời đất. Nếu không cầm máy, không được đi đến tận cùng đất nước, khó mà cảm hết vẻ đẹp trải dài trên mọi cung bậc màu sắc và theo đó, Trần Định cũng tiếp nhận được những cung bậc cảm xúc.
Có lẽ chính thiên nhiên, con người của đất nước đã biến Trần Định, một cậu học sinh đam mê bóng đá, bóng bàn trở thành một nhà báo, một nghệ sĩ, biết suy nghĩ chín chắn chăng? Từ những chuyến đi cùng bạn bè đồng nghiệp, “say máu” với nghề, với đời, đem đến cho Trần Định sự “giàu có” qua từng hành trình không điểm dừng.
Tuy tuổi đã cao, sức vóc không còn sung mãn, ngót nửa thế kỷ với những chuyến đi đầy ắp cảm xúc không điểm dừng. Nhưng số phận không nuông chiều nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Định. Giờ đã đến lúc Trần Định phải dừng. Cuộc đời là vậy, Trần Định nhỉ?
Nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Định tên thật là Trần Xuân Định, sinh ngày 12/11/1947, quê quán tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Ông từ trần lúc 3h10 ngày 31/5/2019 tại Hà Nội, thọ 73 tuổi. Lễ viếng của ông được tổ chức lúc 7h ngày 5/6 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 354 (13 phố Đội Nhân, Hà Nội). Lễ truy điệu lúc 9h cùng ngày và hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ Văn Điển, Hà Nội. |
Đoàn Tử Diễn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất