Nhà báo Nguyễn Lưu: 'Nhiều thách thức cho thể thao Việt Nam tại Asiad 19'

13/09/2023 05:25 GMT+7 | Thể thao

Đã từng "chinh chiến" nhiều kỳ Asiad, nhà báo Nguyễn Lưu có được sự am hiểu tường tận, góc nhìn sắc sảo. Ông cho rằng thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ đối mặt nhiều thách thức ở Đại hộithể thao châu Á lần thứ 19 sắp được diễn ra.

* Thể thao & Văn hóa: Thưa nhà báo Nguyễn Lưu! TTVN đã dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp. Tuy vậy, mục tiêu giành 2 - 5 HCV ở Asiad 19 có vẻ như không hề dễ dàng?

-Nhà báo Nguyễn Lưu: Như thường lệ, bất kỳ quốc gia nào tham gia các giải đấu thể thao đều mong muốn có được thành tích cao, TTVN cũng không ngoại lệ. Hẳn nhiên, các nhà quản lý cũng đã thấu hiểu tình cảm của người hâm mộ với mong muốn các VĐV có được chiến tích ở đấu trường châu lục, mang vinh quang về cho thể thao nước nhà.

Riêng với kỳ Asiad 19 lần này, rõ ràng mục tiêu giành khoảng 2 - 5 HCV quả thật rất khó khănđể hoàn thành. Asiad 2018, chúng ta được 4 HCV, chúng ta hay có thói quen cứ nghĩ lần sau phải tốt hơn lần trước. Tuy vậy, thực tế lần này rất khó. Tôi cũng hơi bất ngờ, TTVN dựa vào đâu lại mạnh dạn đặt chỉ tiêu như thế. Đừng nghĩ rằng đấu trường Asiad đơn giản như thế.

TTVN có 2 kỳ SEA Games 31 và 32 thành công khi đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Tuy nhiên, về chuyên môn, những tấm HCV tại SEA Games còn khoảng cách xa so với Asiad nên thách thức đối với các VĐV Việt Nam tại kỳ Đại hội sắp tới là không nhỏ.

Asiad là đấu trường lớn, cạnh tranh khốc liệt, khác hẳn với SEA Games. Những VĐV hàng đầu châu lục cũng đồng thời là những nhà vô địch thế giới, Olympic. Đây cũng là nơi mà các VĐV đẳng cấp thuộc các cường quốc thể thao của châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… tranh tài quyết liệt.

Do vậy, TTVN muốn đạt được thành tích, bên cạnh sự nỗ lực tập luyện, quyết tâm hết mình trong thi đấu của các VĐV thì cần có những tính toán kỹ lưỡng, chiến thuật hợp lý từ các HLV và cả sự may mắn nữa.

Thực tế, trong những năm gần đây, TTVN đã có những hướng đi mới, có sự đột phá trong cả tư duy lẫn hành động để phát triển. Quá trình chuẩn bị lực lượng cho Asiad 19 đã tiến hành dài hơi từ SEA Games 31 đến SEA Games 32.

Đã có những VĐV được đầu tư trọng điểm để kỳ vọng về thành tích vượt tầm SEA Games. Tuy vậy, với quan sát của mình, tôi cho rằng để hoàn thành chỉ tiêu giành được khoảng 2 - 5 HCV cho Asiad 19 thực sự khó khăn, gian nan.

* Trước những thách thức, dự báo khó khăn như vậy, theo ông đâu là những môn thi đấu được kỳ vọng mang về HCV cho TTVN tại Asiad 19?

- Nói thật, tôi chỉ hy vọng chứ không dám nghĩ chắc chắn sẽ có HCV. Lần lượt những niềm hy vọng "vàng"tôi sẽ đặt vào những môn thi đấu sau.

Đầu tiên là môn cử tạ.Cử tạ Việt Nam đã từng có Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn có thành tích nổi trội. Tại Asiad 19, cử tạ Việt Nam sẽ có những VĐV Trịnh Văn Vinh, Hoàng Thị Duyên, Quàng Thị Tâm, Nguyễn Trần Anh Tuấn, Trần Minh Trí, Phạm Đình Thi. Đây đều là những VĐV tài năng, từng có nhiều đóng góp vào bảng vàng thành tích của TTVN tại các đấu trường thể thao quốc tế trong thời gian qua.

Nhà báo Nguyễn Lưu: “Nhiều thách thức cho thể thao Việt Nam tại Asiad 19” - Ảnh 1.

Muốn vươn ra đấu trường châu lục thì thể thao Việt Nam vẫn nên đặt trọng tâm vào các môn thể thao cơ bản của Olympic như bơi lội. Ảnh: Tuấn Mark

Thời gian qua, trước sự phát triển và đầu tư mạnh mẽ của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong châu lục dành cho môn cử tạ như Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Hoa), Indonesia, Uzbekistan nên cũng sẽ rất khó khăn cho chúng ta trong việc tranh tài ở Asiad lần này. Ở Asiad 18, đội tuyển cử tạ Việt Nam giành 2 HCB, tôi hy vọng lần này, cử tạ sẽ vượt ngưỡng thành tích so với 4 năm trước.

Niềm hy vọng lớn nhất của tôi đặt vào môn cầu mây. Cầu mây chúng ta đã từng giành vàng Asiad. Tôi đã từng đi theo đội tuyển cầu mây từ ngày đầu dự Asiad để thấy rằng ở châu lục, cầu mây là môn mà Việt Nam có truyền thống, sở trường. Chúng ta có sự quen biết, am hiểu với các đối thủ. Chúng ta biết rất rõ về các đối thủ của chúng ta là một lợi thế rất lớn.

Đội tuyển cầu mây nữ đã xuất sắc giành 2 tấm HCV ở giải vô địch châu Á hồi tháng 6 vừa qua tại Hàng Châu (Trung Quốc). Tại giải VĐTG năm nay, các nữ tuyển thủ Việt Nam đã bảo vệ thành công chiếc HCV của mình khi thắng Indonesia 2-0.

Những thành tích đó đã tạo động lực rất lớn để toàn đội hướng đến Asiad 19. Điều này đã gia tăng niềm tin rằng cầu mây Việt Nam sẽ tìm lại được thành công vang dội như trước đây. Đây là môn mà tôi đặt hy vọng rất lớn trong việc có thể giành huy chương tại Á vận hội năm nay.

Bắn súng đã mang về cho TTVN tấm HCV ở đấu trường Olympic danh giá với tên tuổi của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Đây cũng là môn thi đấu tôi đặt niềm hy vọng sẽ có vàng cho TTVN tại Asiad lần này. Lần này, bắn súng Việt Nam có xạ thủ Trịnh Thu Vinh với nhiều niềm tin, có sự phấn khởi.

Tuy vậy, ở đây cũng phải biết rằng, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã phải trải qua biết bao nhiêu bước đi, bao nhiêu chặng đường mới có thành tích vang dội như vậy. Còn ở đây, các xạ thủ bây giờ còn trẻ, chưa được trải qua những "va đập" như thế nên chỉ hy vọng cùng may mắn nữa thì tốt quá để có thành tích. Hy vọng với tuổi trẻ, với khát vọng, với đột phá và một chút may mắn sẽ có được thành tích cho bắn súng.

Niềm hy vọng tiếp theo về việc có thể giành HCV, tôi đặt vào môn cờ tướng. Việc chủ nhà Trung Quốc đưa cờ vua, cờ tướng vào tranh tài ở Asiad 19 mở ra cơ hội cạnh tranh cho các kỳ thủ Việt Nam. Ở môn cờ tướng, các kỳ thủ như Lại Lý Huynh, Nguyễn Thành Bảo, Nguyễn Minh Nhật Quang, Nguyễn Hoàng Yến được đặt nhiều hy vọng.

* Từ đó, có thể thấy, thành tích ở SEA Games chỉ có ý nghĩa "tham khảo" cho đấu trường Asiad mà thôi. Rõ ràng để giúp TTVN vượt giới hạn, còn nhiều việc phải làm, đặc biệt về ý thức, phải không thưa ông?

- Lâu nay, những nhà quản lý TTVN rất quyết tâm, có nhiều khát vọng để nâng tầm thể thao nước nhà. Chúng ta luôn lấy SEA Games làm "bàn đạp" để nâng tầm, tiệm cận, tiến xa lên đấu trường Asiad, Olympic.

Tuy vậy, điều cốt lõi nhất, quan trọng nhất là ý thức, tư duy vượt tầm khu vực. Chúng ta phải coi Asiad cũng chính là "tiểu Olympic". Điều này quan trọng vô cùng. Ở đấu trường này có sự tham gia của nhiều nền thể thao mạnh, đặc biệt là Trung Quốc, rồi cả Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia Trung Á, Tây Á đều rất giỏi. Phải xem Asiad như một "quả núi" để có thể tranh chấp huy chương với bạn bè. Ý thức này không chỉ ở những nhà lãnh đạo, quản lý, còn phải được truyền đến các HLV, VĐV.

Trong giai đoạn hiện nay, cả Đông Nam Á cần xem xét và xây dựng lại tiêu chuẩn hệ thống các môn thể thao ở SEA Game theo hướng chặt chẽ hơn, ổn định hơn, tạo điều kiện thuận lợi để các VĐV, các nền thể thao nâng cao thành tích hướng ra châu lục và thế giới. Vấn đề này đã từng được đặt ra lâu nay trong các hội nghị của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á nhưng sự chuyển biến chưa thực sự tích cực và TTVN cần tiếp tục lên tiếng để thúc đẩy.

* Vậy theo ông, chúng ta phải có tầm nhìn thế nào, đầu tư ra sao để TTVN cất cánh?

- Thực ra, nói đầu tư cho những môn thể thao Olympic thì nhiều quá, rộng quá vì nhóm này có trên 30 môn, bộ môn thi đấu. Thời gian sắp tới,  theo tôi TTVN cần quyết tâm đầu tư có trọng điểm vào các bộ môn Olympic cơ bản, Olympic thu hẹp, "Olympic hóa" triệt để hơn nữa. Thật ra chỉ có vài ba môn thôi như điền kinh, bơi, cử tạ… Muốn tiến lên với châu Á, với thế giới thì chúng ta phải tập trung vào 2 bộ môn cơ bản là điền kinh và bơi.

Vì thế, vấn đề được đặt ra là cần có cái nhìn thực tế hơn với thể thao đỉnh cao ở những môn Olympic, tiếp tục tinh giản những nội dung, hoàn thiện và rốt ráo hơn nữa công tác xã hội hóa thể thao đỉnh cao.

Tôi muốn nhấn mạnh đến 2 từ "trọng điểm" và "đặc hiệu" khi chúng ta đầu tư cho thể thao. Lựa chọn những môn thể thao trọng điểm và có được phương pháp "đặc hiệu" từ nguồn kinh phí trong tập luyện, thi đấu, khen thưởng dành cho các VĐV. Chúng ta không thể dàn trải, cào bằng khi đầu tư cho các môn thể thao được. Đầu tư chiều sâu vẫn là mong muốn và luôn luôn có đòi hỏi được bổ sung, vì kinh phí dành cho các VĐV đỉnh cao của chúng ta còn quá ít so với các quốc gia khác. 

* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!


Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm