'Nhà báo điều tra' của Đức Hiển: Nghề nóng rẫy vẫn cần tiếp lửa

21/06/2015 06:28 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - “Tiếp lửa nghề” là cụm từ được nghe ở nhiều ngành, trong đó có làm báo. Thậm chí, làm báo là luôn có mặt ở những điểm nóng nhất trong xã hội. Làm phóng sự điều tra lại là ở nơi “nóng nhất của nóng nhất”.

Nhà báo Đức Hiển trong cuốn sách Nhà báo điều tra đã nhận định, thực hiện phóng sự điều tra là khi nhà báo không chỉ vận dụng mọi kỹ năng, kinh nghiệm làm báo, mà còn vận dụng mọi kinh nghiệm sống, kỹ năng làm người.

Đó là khi nghề thực sự là nghiệp, có thành và bại, phúc và họa, có cả sinh tử.

Nhà báo điều tra gồm 30 chương, là 30 câu chuyện nghề được kể lại giản dị, thẳng thắn, đầy kinh nghiệm. Các chương không tách biệt mà được kết nối chặt chẽ với nhau, kể lại quá trình thực hiện các phóng sự điều tra thành công nhất trong đời làm báo của Đức Hiển và cả những thất bại.


Cuốn sách "Nhà báo điều tra"

Thất bại, hay trong đời thường giới báo chí thường gọi là “phốt”, có cả chuyện Đức Hiển từng bị tước thẻ nhà báo nửa năm vì một lần sơ sẩy. Lần đó, đơn giản một cú điện thoại của Tổng biên tập Nam Đồng gọi “Đi uống bia” đã giúp vực dậy tinh thần của anh hơn bất cứ lời an ủi nào.

Làm báo điều tra chính là mảng khắc nghiệt nhất trong đời sống báo chí. Theo định nghĩa của Đức Hiển, điều tra báo chí là “phát hiện, công bố và chịu trách nhiệm về sự công bố một sự thật mà một người, một thế lực hoặc nhiều thế lực muốn che giấu”.

Đe dọa, gây khó khăn, thù hận, thậm chí bị vô hiệu hóa nhà báo hay lãnh đạo tờ báo – có thể là bất công, nhưng đó là chuyện thường trong nghề báo, không chỉ ở Việt Nam. Như Đức Hiển nói: “Cả thế giới này nó thế, nhưng cấp độ thì khác nhau”.

Ở đó, nghề báo đúng nghĩa là nghề nguy hiểm, vì khi đó, nhà báo đi ngược lại quyền lợi của không chỉ một người. Nhiều khi, họ phải cân đong đo đếm giữa lợi ích và hậu quả của việc công bố sự thật và quá trình tìm ra sự thật.

Cuốn sách là của Đức Hiển (ra mắt tuần qua ở TP.HCM trong sự chào đón của bạn bè đồng nghiệp), nhưng tác giả đã thể hiện rất sòng phẳng một thực tế: Không ai thành công một mình. Vô số lần, anh nhắc đến sự chỉ đạo của tổng biên tập Nam Đồng, ban biên tập gồm các luật gia và những nhà báo kỳ cựu, các đồng nghiệp sát cánh bên anh trong các loạt bài điều tra đầy thử thách. Họ sáng suốt, máu lửa, dũng cảm và đôi khi liều lĩnh.

Nhà báo Đức Hiển (tên trên mạng là Bố cu Hưng) hiện là Tổng Thư ký Tòa soạn báo Pháp luật TP.HCM. Anh là tác giả các loạt phóng sự điều tra gây tiếng vang như: Luật tục Tây Nguyên, Dọc đường mãi lộ, 120km oan nghiệt, Tôi đi tìm Bao Công, Tôi thử làm Bao Công, Khi tôi tuyên án tử hình, Tận đáy xã hội…

Đọc cuốn sách không lập tức biến bạn thành nhà báo giỏi, nhưng chắc chắn khiến người làm báo thấy trong lòng có lửa.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm