01/12/2012 06:33 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) -Tại Lễ phát động Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc lần thứ năm (2003-2013) diễn ra tại Hà Nội hôm 22/11 vừa qua, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành ngậm ngùi so sánh sự ra đi trong lặng lẽ chỉ mới hai ngày trước của điêu khắc gia nổi tiếng Nguyễn Hải cũng giống như phần nào diện mạo buồn của điêu khắc nước nhà khi ít nhận được sự quan tâm của công chúng.
Là lứa điêu khắc đầu tiên trưởng thành trong kháng chiến, tiếp nối một thế hệ điêu khắc gia nổi tiếng trước Cách mạng Tháng Tám như Diệp Minh Châu, Trần Văn Lắm…, Nguyễn Hải cùng Lê Công Thành, Phạm Mười... đã từng gây ấn tượng tại Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc đầu tiên được tổ chức vào năm 1973, nhiều tác phẩm trong số đó hiện vẫn là đỉnh cao của điêu khắc Việt Nam, tuy vào thời điểm ấy, nhiều người nhìn chúng với những ý nghĩa về xã hội hơn là những đóng góp về nghệ thuật. Giờ đây, nhìn lại những tác phẩm mà điêu khắc gia Nguyễn Hải đã để lại cho cuộc đời, người ta có thể giật mình. TT&VH Cuối tuần xin giới thiệu bài viết của họa sĩ - nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân về điêu khắc của Nguyễn Hải, một trong những “tượng đài” của điêu khắc hiện đại Việt Nam.
Có lần ở Hà Nội Nguyễn Hải nói về vẻ đẹp của khối: Đó là khi ta bóp hết sức bình sinh mà nó không “vào”, không thay đổi được nữa. Bức Nguyễn Văn Trỗi bị trói chặt vẫn đứng hiên ngang, gương mặt tươi sáng cương nghị và đôi bàn tay, đôi bàn chân gân guốc tụ máu trở thành biểu tượng của ý chí giải phóng. Bức Thánh Gióng với “Ông Gióng” trẻ thơ - phi phàm mà gần gũi như tượng đình làng vặn mình trên một tuấn mã bốc lửa ngang trời như những vân mây lưỡi mác thời Mạc cũng biểu tượng sức của quật khởi của cả dân tộc. Hai tác phẩm này đưa ông lên hàng bậc thầy của điêu khắc cách mạng Việt Nam từ những năm 1970, xác định một phong cách Nguyễn Hải và mở một hướng đi cho cả mấy thế hệ tiếp sau. Ở hai tác phẩm Thủ Khoa Huân và Mở cõi giai đoạn sau đó, khi ông đã “về Nam” tiếng nói hình khối còn cô đúc hơn, hào sảng hơn, đậm tính địa phương gốc gác tác giả hơn mà vẫn đồng thời mang tầm “toàn quốc” và “thời đại”.
Có thể nói cho tới ông, cùng Lê Công Thành, Mai Chửng và Lê Thành Nhơn Việt Nam mới có điêu khắc hiện đại và phần nào khiến cho điêu khắc thế kỷ 20 khi soi mình vào di sản đồ sộ của dân tộc 10 thế kỷ trước đó bớt phải tủi thân.
Hòa bình... |
Với một sự thông tuệ thị giác lạ thường và cảm xúc hình khối vừa cô đúc, tinh nhã vừa trực tiếp, ngang tàng hiếm có Nguyễn Hải đã tạo hình khối cụ thể bằng đá, đồng… cho cái khẩu hiệu/cứu cánh “dân tộc - hiện đại” của nền nghệ thuật hiện thực XHCN. Tại thành phố Hố Chí Minh ông thực hiện cụm công trình nghệ thuật tưởng niệm đồ sộ bậc nhất nước ta ở Nghĩa trang Thành phố, một mẫu mực cho các đồ án khác noi theo, cũng là sự tiếp biến nhuần nhuyễn duy nhất mô hình điêu khắc hoành tráng Xô-viết với biểu tượng Bà mẹ Tổ quốc cao vợi ở trung tâm, các nhóm tượng hai bên nhấn mạnh chủ đề chính và phông phù điêu tả kể, hô ứng phía sau. Cũng từ khi trở về miền Nam, Nguyễn Hải có cơ hội và điều kiện để tung hoành, thực hiện hàng loạt tượng đài ở nhiều địa phương. Tình cảm cách mạng và tình cảm quê hương với ông là một thể duy nhất. Tính cương ngạnh, hào sảng của các nhân vật điêu khắc với tính cách và “lối sống” của chính tác giả cũng là một thể duy nhất. Chính sự thống nhất như nhiên-tự nhiên ấy làm cho tính tuyên truyền, tính tư tưởng, lòng yêu nước, ý chí mở đất, tinh thần quật khởi… - những đại tự sự trừu tượng khô khan phải có ở tác phẩm - cứ tự nhiên hóa thành cơ bắp, da thịt, hơi thở và giọng nói thân thiết (của đồng, đá, bê-tông…) lay động tâm ta, thuyết phục trí ta.
và Thánh Gióng - hai trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà điêu khắc Nguyễn Hải |
Trong điêu khắc của ông tôi cũng còn luôn được gần gũi một con người Nam Bộ rất giống như một Nguyễn Đình Chiểu mà tôi mường tượng hay một Nguyễn Sáng mà tôi được gần…Và ở đó tôi nghe hòa trong “âm vang thời đại” là âm vang đời sống thẩm mỹ của văn minh sông Hồng cùng nghệ thuật Chăm và Khmer - Nam Bộ. Hiếm ai cô đúc và hào sảng được đến thế.
Tới Nguyễn Hải, cùng Lê Công Thành, Mai Chửng và Lê Thành Nhơn, Việt Nam mới có điêu khắc hiện đại và phần nào khiến cho điêu khắc thế kỷ 20 khi soi mình vào di sản đồ sộ của dân tộc 10 thế kỷ trước đó bớt phải tủi thân.
Từ hôm nay Nguyễn Hải sẽ yên nghỉ nơi Nghĩa trang Thành phố dưới bóng Bà mẹ Tổ quốc của mình. Chỉ còn chút việc nữa cần được con em hoàn tất là cụm tượng đài cuối cùng của ông, cũng là tác phẩm duy nhất ông dâng tặng Tiền Giang nơi đã sinh ra mình.
Là hậu duệ của những người “mang gươm đi mở cõi” - Nguyễn Hải cũng là một người đi mở cõi trong mênh mang nghệ thuật nước nhà.
Nguyễn Quân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất