22/11/2012 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ, Nhà giáo Nhân dân Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nhận xét: “Theo tôi có các nhà điêu khắc lớn gắn liền với cách mạng Việt Nam, gồm: Diệp Minh Châu, Phạm Mười, Nguyễn Hải, Phan Gia Hương”. Nhà điêu khắc Nguyễn Hải vừa từ trần lúc 17h25 ngày 19/11 tại TP.HCM sau cơn xuất huyết não.
Tên tuổi nhà điêu khắc Nguyễn Hải gắn liền với các tượng đài giàu tính thẩm mỹ và thuộc loại hoành tráng bậc nhất rải đều trên khắp đất nước, như: Thủ Khoa Huân, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang), Bà mẹ Tổ quốc (Nghĩa trang TP.HCM), Công nhân đấu tranh (ngã 7, TP.HCM), Ba chiến sĩ gang thép (Ấp Bắc, Tiền Giang), Thánh Gióng (Bảo tàng Singapore)… Với những đóng góp của mình, nhà điêu khắc Nguyễn Hải được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000, Huân chương lao động hạng Nhì...
Ra đi từ Tiểu đoàn 307
Nhà điêu khắc Nguyễn Hải |
Tại sao một tên tuổi lớn của điêu khắc Việt Nam khi quá cố lại ít được nhắc đến trên truyền thông? Phải chăng vì ông là nhà điêu khắc? Vì nếu Nguyễn Hải hoạt động ở lĩnh vực biểu diễn sẽ được nhiều người biết đến và khi qua đời truyền thông sẽ đưa tin tức thời chăng! Hoặc như ông là họa sĩ với tên tuổi chừng ấy, thì tranh của ông thế nào cũng bị làm giả, làm nhái để được truyền thông “nhắc đến” nhiều chăng? Bởi có ai đi làm giả, làm nhái tượng đài bao giờ! Đó là một thiệt thòi của người nghệ sĩ - nhà điêu khắc Nguyễn Hải.
Quá khứ của nhà điêu khắc Nguyễn Hải thật oai hùng khi ông gắn liền với một đơn vị lửng lẫy: Tiểu đoàn 307 - đã trở thành huyền thoại qua ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, thơ Nguyễn Bính. Nguyễn Hải sinh năm 1933 tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình làm nghệ thuật. Cha ông làm soạn giả trong một gánh hát, mẹ làm diễn viên cùng những người họ hàng đều làm nghệ thuật.
Linh cữu của nhà điêu khắc Nguyễn Hải quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ động quan sẽ diễn ra lúc 14h hôm nay (22/11), an táng tại Nghĩa trang TP.HCM. |
Năm 14 tuổi, Nguyễn Hải xung phong đi bộ đội đánh Pháp. Lúc đầu ông làm giao liên, sau được đi học vẽ về trình bày cho tờ báo của Tiểu đoàn 307. Đây là những cột mốc ban đầu để sản sinh ra nhà điêu khắc Nguyễn Hải sau này.
Năm 1955, Nguyễn Hải tập kết ra Bắc học ĐH Mỹ thuật Hà Nội và trọn đời sống với điêu khắc. Trong thời gian sống trên đất Bắc, ông đã lấy cảm hứng và sáng tác mẫu tượng Chiến thắng Điện Biên Phủ cao 1,2m bằng thạch cao. Mẫu tượng này đã đoạt giải mỹ thuật toàn quốc và được đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, mẫu tượng của Nguyễn Hải được chọn làm tượng đài dựng ngay trung tâm TP Điện Biên.
Trở về với Bà mẹ Tổ quốc
Với thời gian tham gia cách mạng lâu như vậy, từ năm 14 tuổi đã đi đánh Pháp, ai cũng tưởng Nguyễn Hải đã là đảng viên lâu năm. Thế nhưng, họa sĩ Uyên Huy cho biết: “Điêu khắc gia Nguyễn Hải chưa phải là đảng viên”.
Họa sĩ Uyên Huy giải thích: “Khi hay tin nhà điêu khắc Nguyễn Hải qua đời, Hội Mỹ thuật TP.HCM phải làm hồ sơ để gửi lên cấp trên xin được an táng ông tại Nghĩa trang TP.HCM. Được an táng tại Nghĩa trang TP.HCM phải là lãnh đạo cao cấp hoặc là đảng viên lâu năm có nhiều đóng góp cho cách mạng. Trường hợp nhà điêu khắc Nguyễn Hải thật đặc biệt khi được cấp trên ưu ái chấp thuận vì ông nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh”.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - thi công từ tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Hải |
Họa sĩ Trang Phượng, nguyên Phó ban Tuyên giáo TP.HCM đánh giá về nhà điêu khắc Nguyễn Hải: “Ông là một đảng viên ở ngoài đảng”.
Được an táng tại Nghĩa trang TP.HCM cũng đồng nghĩa với việc nhà điêu khắc Nguyễn Hải trở về với Bà mẹ Tổ quốc. Tại cửa ngõ vào nội thành TP.HCM giáp với tỉnh Đồng Nai là Nghĩa trang TP.HCM. Nơi đây có đặt tượng đài Bà mẹ Tổ quốc cao sừng sững của nhà điêu khắc Nguyễn Hải mà ai đi qua đều nhìn thấy.
“Bây giờ, di hài nhà điêu khắc Nguyễn Hải được về với Bà mẹ Tổ quốc thật vô cùng ý nghĩa” - họa sĩ Uyên Huy xúc động cho biết.
Sự ra đi của nhà điêu khắc Nguyễn Hải để lại nhiều thương tiếc trong làng mỹ thuật Việt Nam. Có thể nói, ông gắn liền với nhiều tượng đài hoành tráng nhưng cuộc đời ông lại rất lặng thầm. Tuy nhiên, dòng máu mỹ thuật và nhiệt huyết cống hiến cho cái đẹp của ông với cuộc đời vẫn còn đang tiếp tục bởi thế hệ sau. Ông có hai người con ruột đều theo nghiệp của mình: nhà điêu khắc Nguyễn Hải Nguyên, nữ điêu khắc gia kiêm nhà thơ Chinh Lê và người con rễ - nhà điêu khắc Phan Phương Đông.
Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất