Vượt biển không thể chèo thuyền ba lá

24/11/2011 13:51 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Nếu ví SEA Games là “ao làng” thì đường đến Olympic London 2012 là biển lớn. Và nếu so sánh giữa đấu trường này qua thành tích của các tài năng thể thao VN sẽ thấy rõ nhiều vấn đề hơn.

Những tích tắc tức tưởi

Trước khi bước vào SEA Games 26,  TTVN có rất nhiều gương mặt được kỳ vọng sẽ bùng nổ đoạt vé đến Olympic London 2012. Thế nhưng, chỉ duy nhất kình ngư Hoàng Quý Phước ở nội dung 100 m bướm đã vượt sâu chuẩn B và phá kỷ lục SEA Games (53’’82) với thành tích 53’’07 (chuẩn B là 54’’19). Còn lại, tất cả trường hợp khác đều thất bại dưới nhiều cách khác nhau.


Hoàng Qúy Phước là niềm hy vọng của TTVN nếu được tranh tài tại đấu trường Olympic. Ảnh: Quang Nhựt

Nhưng có phải các VĐV chúng ta không thể có cơ hội đoạt chuẩn B? Trên đường chạy  800m,  HLV Hồ Thị Từ Tâm lẫn người hâm mộ đã cả mừng khi Hằng đã có những thông số đầy khả quan. Những bước chạy ở vạch xuất phát cực tốt: 29’ ở 200m đầu, 60’ ở 400m kế đó. Với phong độ đó, chỉ cần Hằng duy trì được tốc độ 30-31’ ở 200m, cuối thì tấm vé thông hành đến London sang năm đã vào tay cô.  Thế mà ở  những mét cuối về đích,  Hằng đã bị đuối để rồi cán đích với thành tích 2’ 02” 67.  Trong khi đó, thông số chuẩn B Olympic  là 2’ 01” 30, có nghĩa Hằng đã nhiều hơn một giây.  Biết nói sao đây khi Hằng giải thích cô bị đau bắp chân và đường chạy mặt sân mới, mềm nên không thể hoàn thành mơ ước. Tương tự là Dương Thị Việt Anh. Thành tích nhảy cao của VĐV này quá tốt, 1m90. Việt Anh chỉ cần 2cm nữa thôi là cô đã đoạt chuẩn B.

Quý Phước đã phá sâu chuẩn B ai cũng mừng. Có gì đó tiếc nuối hơn, khi anh chỉ cách chuẩn A (52”20), khoảng 1 giây nữa.  Chỉ tích tắc ấy thôi nhưng vượt qua không phải là chuyện dễ dàng. Trong thể thao nghiệt ngã là thế, vinh quang và thất bại là một ranh giới mong manh. Nhưng nếu phân tích cái gọi là những ranh giới đó như trường hợp Hoàng Quý Phước thì mới thấy đường đến London đã xa, vươn tới đẳng cấp thế giới càng gian nan bội phần. Thành tích của Phước vẫn có hàng trăm tay bơi trên thế giới làm được. Quy định tại Olympic London 2012 sẽ chỉ có 150 suất cho VĐV đạt chuẩn B cùng các     QG bơi lội kém phát triển, chuẩn A và VĐTG có đến 900 suất.

Nếu Quý Phước được đầu tư trọng điểm?

Một giây của Qúy Phước cách chuẩn A, tưởng dễ nhưng lại rất khó. May là Qúy Phước còn trẻ, cơ hội để hoàn thiện mình, vượt qua giới hạn một giây cũng như giới hạn của bơi Việt Nam còn nhiều. Vấn đề là một mình VĐV trẻ này không thể giải quyết được. Nếu Phước được đào tạo, đầu tư theo kiểu chuyên biệt giống như các tài năng bơi lội thế giới thì anh hoàn toàn có thể mang lại điều thần kỳ choTTVN.

SEA Games 1989, sau khi mang về tấm HCV (bắn súng)  đầu tiên cho TTVN kể từ ngày tái hòa nhập với thể thao thế giới, SEA Games nói riêng,  nhiều bạn bè quốc tế hỏi xạ thủ Ngô Ngân Hà rằng:  SEA Games là giải gì? Đến cả khi hành quân sang Indonesia rồi, HLV Falko Goetz cũng ngẩn ngơ không hiểu SEA Games là giải gì mà người ta quan trọng thế. Giờ này thì có lẽ ông thầy người Đức đã thấm thía thế nào là SEA Games.

Thiết nghĩ chúng ta vẫn tham dự SEA Games để quan hệ bang giao nhưng không nên đi theo kiểu trẩy hội lấy thành tích báo cáo cuối năm. Thay vào đó, nên tinh giảm và đầu tư trọng điểm các môn thể thao Olympic một cách quyết liệt. Đất nước đã có những bước phát triển về kinh tế. Nếu thể thao, đặc biệt những người có trách nhiệm với các ngôi sao thể thao tạo được niềm tin, thì tin chắc không thiếu doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ để các tài năng vượt được giới hạn.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm