'Người hùng' Rosa Parks: Chiếc ghế xe bus đã làm thay đổi nước Mỹ

28/09/2013 06:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, nước Mỹ lần đầu tiên có một tổng chưởng lý và một tổng thống da màu, song chặng đường dẫn đến ước mơ về một thế giới không phân biệt chủng tộc còn nhiều gai góc. Ngày này trước đây nửa thế kỷ, nhà đấu tranh dân quyền Martin Luther King diễn thuyết tại đài kỷ niệm Lincoln Memorial ở Washington về ước mơ đến một xã hội hòa đồng mọi màu da, và khi đứng trước 250.000 người tham gia tuần hành vì dân quyền, ông nghĩ đến Rosa Parks.

Một buổi chiều không như mọi buổi chiều

Rosa Parks rời nơi bà làm việc là cửa hàng Montgomery Fair và đi chuyến xe bus muộn, trong đầu đã nghĩ đến bữa ăn tối cùng gia đình. “Xéo đi!” gã lái xe quát, “trả chỗ cho người khác!”.

Cho đến giữa thập kỷ 50, lệ tách biệt màu da vẫn là chuyện thường nhật ở các bang miền Nam Hoa Kỳ, và thể hiện rõ nhất trên xe bus: mấy hàng ghế đầu chỉ dành cho người da trắng, phía cuối xe là người da đen, còn giữa xe là ngồi lẫn lộn nhưng khi có người da trắng cần ngồi thì người da đen phải nhường chỗ. Và chính xác điều đó xảy ra hôm 1/12/1955 ở Montgomery, thủ phủ bang Alabama, với Rosa Parks và người ngồi bên cạnh.   



Chiếc xe Bus hiệu General Motors, nơi xảy ra vụ Rosa Parks, hôm nay là hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Henry Ford

Thay vì nhẫn nhục lùi xuống hàng ghế sau, Rosa Parks cứ ngồi và nói: “Không!“, “Tao sẽ gọi cảnh sát!”, tay tài xế đáp ngay. Rosa Parks lịch sự: “Ông có quyền làm việc đó”. Mấy phút sau cảnh sát điệu bà về đồn.

Mấy năm sau Parks kể lại, bà không có lý do cụ thể nào cho hành vi chống đối đó. Thực ra hành vi kỳ thị màu da không có gì mới, có thể đó chỉ là giọt cuối cùng làm trào cốc nước. “Đơn giản là người ta không được lăng nhục tôi vì một lý do mà tôi không thể tác động – là màu da của tôi”.

Ngày đó bà 42 tuổi và hiểu rõ hệ quả. Cảnh sát đã từng ra tay vì những “vi phạm” nhỏ hơn nhiều. Bà cũng không lạ bản báo cáo trong vụ Isaac Woodward từ năm 1946, một cựu binh 27 tuổi từ chiến trường châu Âu trở về và bị lái xe gọi cảnh sát bắt vì... đi vệ sinh nhiều lần quá. Tại đồn cảnh sát, Woodward bị đánh bằng dùi cui đến ngất đi và sau này sinh biến chứng mù mắt. Parks vẫn không đứng dậy, và đó là sự kiện khiến Hoa Kỳ không bao giờ còn là Hoa Kỳ của trước đó.

Biểu tượng của phong trào dân quyền

Parks không bị hành hạ, nhưng việc bà bị bắt đã mở màn cho phong trào phản kháng có một không hai trong lịch sử nước Mỹ. Ngay đêm đó các nhà hoạt động dân quyền của Montgomery kêu gọi tẩy chay tất cả các xe bus, đi đầu là linh mục Martin Luther King chưa có tên tuổi vào thời điểm ấy. Từ hôm sau, người da đen nhất loạt rủ nhau đi cùng taxi hoặc chở nhau đi bằng ô tô riêng. Sau 381 ngày , Tòa án tối cao Hoa Kỳ công nhận việc chia chỗ ngồi theo màu da là vi hiến và bãi bỏ các quy định tương tự trên toàn nước Mỹ.

Với hành vi kháng cự ôn hòa, người hùng Rosa Parks không những trở thành nhân vật trung tâm của phong trào phản kháng, mà còn mở đường cho hoạt động đòi bình đẳng chủng tộc bằng con đường phi bạo lực của Martin Luther King. Được động viên bởi thắng lợi ở Montgomery, ông đấu tranh cho đến khi bị ám sát ở tuổi 39. Với giải Nobel hòa bình, King mãi mãi là tấm gương cho sự hy sinh quên mình vì nghĩa lớn, không chỉ đối với thế hệ Obama.


Rosa Parks sau khi bị bắt hôm 1/12/1955

Parks không phải người phụ nữ đầu tiên không chịu nhường chỗ cho người da trắng. Trước đó đã nhiều lần xảy ra chuyện tương tự, song trong vụ này phong trào dân quyền ở Montgomery đóng vai trò quyết định.
Trước Parks đã có hai trường hợp tương tự, và mặc dù NAACP (National Association for the Advancement of Coloured People - Tổ chức quốc gia hỗ trợ người da màu) đã từ lâu tìm một khởi đầu để phản đối việc chia chỗ trong xe bus, họ không thể chọn hai người đó để làm bộ mặt đại diện, vì một người ở tuổi vị thành niên mà có mang khi chưa chồng, còn người kia xuất thân từ một gia đình nát rượu. Rosa Parks là lựa chọn hoàn hảo: một thợ may nghèo, quá khứ trong sạch, sống chung thủy với chồng, sùng đạo và dành toàn bộ thời gian rỗi để làm từ thiện không lương.
Martin Luther King nhắc đến bà trong một cuộc biểu tình: “Không ai có thể nghi ngờ sự chính trực, đức tin và lòng mộ đạo của bà. Rosa Parks là một cơ may lớn cho chúng ta”. Thông điệp của King đã rõ: Rosa Parks được chọn làm khuôn mặt lý tưởng cho phong trào dân quyền.  

Vinh quang đắt giá  

Lời kêu gọi của King có sức mạnh không ngờ. Nếu trước đó chỉ có một số ít người biết đến Rosa Parks như một cộng tác viên tình nguyện chuyên thống kê tài liệu về các vụ đàn áp người da màu, thì hôm nay không chỉ cư dân bang Alabama, mà cả nước Mỹ nín thở theo dõi diễn biến của một vụ phạt vi cảnh tưởng như rất tầm thường.

Ngày 5/12/1955, khi Rosa Parks xuống xe để đi lên nhà thị chính, cũng là nơi diễn ra vụ xử lý hành chính, hàng trăm người đón bà bằng tràng vỗ tay và tiếng hô khẩu hiệu vang lừng. Hai luật sư da đen duy nhất ở Montgomery, Fred Gray và Charles Langford, đi theo trợ giúp pháp lý cho bà.



Thượng khách của Bill Clinton nhân dịp nhận Huân chương vàng của Quốc hội vì thành tích trong phong trào dân quyền


Vụ xử kéo dài chưa đầy năm phút. Parks bị phạt 10 USD vì “hành vi xấu” và “vi phạm quy định công cộng”. Nhưng gia đình bà phải trả một giá cao hơn nhiều. Montgomery Fair sa thải bà sau vụ này, và chồng bà cũng phải bỏ nghề vì người chủ cấm ông được nhắc đến tên vợ ở nơi làm việc. Cả hai không thể tìm được việc làm mới, vì không ai dám cả gan nhận họ trong bầu không khí sặc mùi khủng bố bởi tổ chức Ku-Klux-Klan, vốn được biết đến qua những vụ hành quyết dã man người da đen.
Sau khi nhà Martin Luther King bị đánh bom, vợ chồng Parks hầu như không dám bước chân ra khỏi nhà nữa, họ mệt mỏi vì những cú điện thoại dọa giết và quyết định dọn đi nơi khác.  

Năm 1957 họ chuyến đến Detroit ở. Ban đầu Rosa Parks kiếm được việc làm trong nghề cũ là thợ may. Từ 1965 đến 1988, bà làm thư ký cho nghị sĩ da đen John Conyers. Rosa Parks qua đời tháng 10/2005 và là người phụ nữ Mỹ đầu tiên được quàn tại Tòa Quốc hội Hoa Kỳ, Điện Capitol – một vinh dự vốn chỉ dành cho các anh hùng dân tộc và tổng thống Mỹ.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm