13/03/2014 14:21 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Rose Valland là một chiến sĩ của phong trào kháng chiến Pháp. Trong Thế chiến II, bà đã làm việc không biết mệt mỏi để truy tìm hàng chục ngàn tác phẩm nghệ thuật bị Phát xít Đức đánh cắp. Thế nhưng, những nỗ lực lớn lao của bà chưa được ghi nhận một cách xứng đáng, cho đến khi tài tử Hollywood George Clooney tung ra phim sử thi chiến tranh The Monuments Men.
Phim The Monuments Men kể về một nhóm chuyên gia được giao nhiệm vụ tìm lại những di sản văn hóa bị Đức quốc xã đánh cắp trong Thế chiến II. Trong phim, nữ diễn viên Australia Cate Blanchett hóa thân thành Rose Valland với tên Claire Simone, người đã cung cấp thông tin cho sĩ quan Mỹ James Granger (do Matt Damon thủ diễn).
Hôm 12/3, bộ phim này đã đến với công chúng Pháp. Thượng nghị sĩ Pháp Corrine Bouchoux, tác giả cuốn tiểu sử về bà Valland, bày tỏ vui mừng sau khi xem phim.
“Nhiệm vụ đã hoàn thành. Người nữ anh hùng bị lãng quên cuối cùng đã được tôn vinh một cách xứng đáng trong phim. Giờ tôi cứ như đang ở trên cung trăng. Nếu trước đây có ai nói với tôi rằng, cuốn tiểu sử của tôi sẽ tạo cảm hứng để làm nên một tác phẩm điện ảnh lớn như vậy, tôi sẽ không bao giờ dám tin” – bà Bouchoux phấn khởi nói. Bà còn cho biết, khi nhận được điện thoại đề cập tới chuyện mua bản quyền làm phim dựa theo cuốn sách, bà nghĩ là chuyện đùa.
Là một “gián điệp” ngầm trong Thế chiến II
Khi quân Đức xâm lược nước Pháp, Valland là một curator (giám tuyển) tại Phòng trưng bày Jeu de Paume, cạnh Bảo tàng Louvre ở trung tâm Paris. Jeu de Paume lúc đó đóng vai trò là trung tâm tuyển chọn tác phẩm nghệ thuật dành cho bảo tàng Fuhrer của trùm Phát xít Hitler ở Linz, Áo (tuy nhiên dự án này không trở thành hiện thực) và là nơi trưng bày bộ sưu tập tư nhân của Herman Goring, một sĩ quan Đức trong suốt cuộc chiến đã chiếm đoạt tài sản và tác phẩm nghệ thuật của các nạn nhân trong vụ thảm sát người Do Thái.
Cate Blanchett trong vai nữ anh hùng Rose Valland trong phim The Monuments Men
Tuy nhiên, trong phim lại bỏ qua một phần đóng góp quan trọng của bà Valland trong nỗ lực tìm lại những tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp của Pháp ở nước Đức.
“Sau năm 1945, Valland chuyển tới Đức và sống ở đó đến năm 1954 với vai trò là một sĩ quan quân đội Pháp tìm kiếm tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp. Nhờ có bà, khoảng 70.000 tác phẩm nghệ thuật đã được đưa về Pháp, chiếm hơn 2/3 số tác phẩm bị mất trong Thế chiến II” – Bouchoux cho biết.
Ẩn danh
Năm 1952, Valland trở thành nhà bảo tồn của các bảo tàng quốc gia. Bà đã được trao nhiều giải thưởng và danh hiệu, trong đó có Huân chương Bắc đẩu bội tinh, Huy chương Kháng chiến và Huân chương Tự do của Mỹ.
Sau đó, có lẽ theo mong muốn của bà, Valland trở lại với cuộc sống gần như hoàn toàn ẩn dật. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục công việc của mình.
“Khi trở về Pháp, Valland được trao công việc mới, bảo vệ di sản nghệ thuật của Pháp đề phòng xảy ra Thế chiến III. Bà là nhân vật an ninh chủ chốt trong các bảo tàng Pháp. Kể cả khi không còn lo ngại chiến tranh xảy ra nữa, bà vẫn tiếp tục công việc của mình cho đến khi qua đời vào năm 1980. Valland xác định từng tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp và trao trả nó về cho chủ sở hữu đích thực” – Bouchoux nói.
Vậy tại sao trước đó Valland lại chưa được nhớ đến hay tôn vinh một cách xứng đáng?
“Trước hết, Valland là một phụ nữ. Thời điểm đó, người Pháp thích các người hùng của họ là đàn ông. Hơn nữa, bà có xuất thân từ gia đình nghèo. Song có lẽ yếu tố quan trọng nhất, bà là người đồng tính”.
Tìm chủ sở hữu của 2.000 tác phẩm nghệ thuật
70 năm đã trôi qua, công việc của bà Valland vẫn đang được tiếp tục thực hiện. Các bảo tàng Pháp hiện đang lưu giữ khoảng 2.000 tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp bởi chưa tìm được chủ nhân của chúng.
Hôm 11/3, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Aurelie Filippetti đã chính thức chuyển giao 3 bức tranh cho chủ sở hữu.
Trong khi đó, bà Bouchoux đang phụ trách một hội đồng của Thượng nghị viện chuyên tìm cách giúp các gia đình Do Thái giành lại được những tài sản đã bị Phát xít Đức đánh cắp và giám sát chương trình xác định những tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc lịch sử không rõ ràng.
“Tôi không muốn các bảo tàng Pháp mua bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào nếu như nguồn gốc của nó bị nghi ngờ” – bà Bouchoux tuyên bố. Bà cho biết, Bộ Văn hóa Pháp đã lập một trang web mang tên Valland, qua đó có thể kết nối được với danh sách của khoảng 2.000 tác phẩm nghệ thuật được tìm thấy ở Đức.
Việt Lâm (theo AFP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất