04/01/2024 15:29 GMT+7 | Văn hoá
Hơn 10 năm trước, khi thống kê các dạng người được nghệ nhân Đông Sơn chọn thể hiện trên cán dao găm, tôi mới nhận ra 3 kiểu tượng nam phổ biến nhất, đặt tên theo địa danh phát hiện khảo cổ học là: Sơn Tây, Quả Cảm, Tràng Kênh. Chuyên mục "Đêm đem rì rầm trong tiếng đất" hôm nay tôi sẽ dành nói về những cán dao găm thuộc phong cách Quả Cảm, được coi như phong cách tượng nam trên cán dao găm chiếm số lượng nhiều nhất hiện biết.
1. Theo thống kê tôi có được thì hiện có 12 cán tượng kiểu Quả Cảm đã được tôi trực tiếp nghiên cứu hoặc sưu tầm qua các tài liệu công bố chuyên ngành.
Tượng người cán dao thuộc phong cách Quả Cảm là một tượng nam thủ lĩnh. Tượng thể hiện một người đàn ông cởi trần, đóng khố ngắn, đầu có đai trán, tóc một bím thả sau lưng, hai tay khuỳnh cong chống nạnh đeo hai vòng lớn. Điểm nhất quán trở thành đặc trưng dễ nhận biết của loại tượng này là ở kiểu đeo vòng rất chuyên hóa ở đôi tai: tai trái thường chỉ là một vòng khuyên tai tròn rộng bản, nhưng tai phải là một cụm gồm một khuyên tai hình "gối quạ" nống qua lỗ tai và làm điểm tựa cho một xâu dây các vòng tai khác treo bên dưới, khiến cho nửa mặt bên trái chàng trai lúc nào cũng đày ắp và nặng trĩu.
Kiểu đeo lệch một bên tai không phải là hiện tượng cá biệt đương thời, tôi cũng đã từng thấy trong một ngôi mộ còn nguyên xương cốt ở Vĩnh Hùng, Thanh Hóa. Mộ chủ là một em bé dưới 10 tuổi. Một bên tai chỉ đeo một vòng đá hình vành khuyên có xẻ rãnh lớn và bên tai kia chồng nhau tới 4 chiếc vòng khác nhỏ hơn một chút.
Tại khu mộ Quỳ Chử, Đông Sơn (Thanh Hóa) chúng tôi cũng bắt gặp hiện tượng tương tự, một bên tai đeo vòng đơn trong khi tai bên kia có khi tới 12 chiếc vòng lớn nhỏ khác nhau... Chiếc sọ người cũng khoảng trên 2.000 năm tuổi, phát hiện ở khu mộ táng Cần Giờ (TP.HCM) cũng chỉ đeo một khuyên tai hai đầu thú ở một bên tai mà thôi. Nhưng cụm trang sức bên tai trái với khuyên gối quạ, hướng lỗ ra phía trước, treo lủng lẳng hàng chục vòng khác bên dưới thì duy nhất mới thấy trên cán dao găm tượng thủ lĩnh nam phong cách Quả Cảm.
"Sau hơn 2 ngàn năm, người xem vẫn cảm nhận được trước mặt mình thật sự là chân dung một quý tộc Đông Sơn giàu có và dũng mãnh" - TS Nguyễn Việt.
2. Đa số tượng cán dao nam kiểu Quả Cảm ở tư thế chuẩn đơn giản, kể cả một dao găm Đông Sơn đã từng được một thương nhân hay quan lại thời Chiến Quốc mang về chôn bên mình tại Thụ Mộc Lĩnh (Hồ Nam, Trung Quốc) cũng vẫn chỉ là loại dao Quả Cảm kiểu đơn giản chuẩn mực này. Tuy nhiên, có hai loại đã được nghệ nhân Đông Sơn biến hóa đột xuất như thể dành cho những thủ lĩnh nam cá biệt. Xin dành nhiều dòng cho hai tượng cán dao găm độc đáo này.
Kiểu tượng thứ nhất hiện thấy hai chiếc. Tôi đã trực tiếp làm việc với chiếc hiện thuộc sưu tập Nhà hàng Trống Đồng (phố Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội). Con dao găm không lớn, toàn thân dài khoảng 20cm, phủ lớp gỉ xanh ngọc huyền diệu, thể hiện một tượng nam theo phong cách Quả Cảm như các tượng chuẩn mực khác. Khác biệt duy nhất là bên tay trái bức tượng cầm đốc cán một chiếc rìu chiến kiểu Đông Sơn điển hình ở tư thế cán dựng ngược, đầu lưỡi rìu gác lên vai chủ nhân.
Rìu chiến lưỡi lệch cán ngắn là vũ khí đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Với việc bổ sung chiếc rìu chiến này vào khuôn chuẩn của bức tượng gợi cho tôi một liên tưởng rằng nghệ nhân Đông Sơn đã đi đến một bước cao hơn khi tạo hình có ám chỉ định danh cho một vị thủ lĩnh cụ thể nào đó, chứ không còn là một biểu tượng chung chung nữa.
Bức tượng thứ hai mới chứa đựng nhiều điều kỳ lạ hơn. Đây là một dao găm Đông Sơn khá lớn, dài tổng thể 38cm. Kiểu lưỡi và chắn tay dao găm phảng phất phong cách Đông Sơn Làng Vạc. Cho đến hiện nay con dao găm này vẫn thuộc sở hữu của sưu tập LHPham (Pháp). Lần đầu tiên dao được xuất hiện trong cuốn sách về văn hóa Đông Sơn của nhóm chuyên gia thuộc Bảo tàng Hoàng gia Marimont, Bỉ (Catherine Noppe và Jean-Fransois Hubert, 2002, Art du Vietnam – Fleur du Pécher et Oiseau d'azur).
Điều lôi cuốn giới nghiên cứu Đông Sơn khi đó chính là phía sau lưng bức tượng có treo hình một đầu lâu người tóc buộc quàng vai trái của người chiến binh Đông Sơn. Người chiến binh hay thủ lĩnh Đông Sơn hai tay chống nạnh, tay trái đặt vào phần hông có một con dao găm Đông Sơn dài. Phần đai đầu của chiến binh này được trang điểm khá cầu kỳ bằng một băng trán có răng cưa như vương miện, phía sau có hai dải vải xòe ra hai bên từ một phiến tròn gài ở chính phần "khóa" của đai trán.
Đặc biệt là bộ khuyên đeo ở hai tai. Lần này thì tai trái bức tượng banh ra với một ống tai gối quạ rất to. Bên tai phải có một vòng lớn xuyên qua lỗ dái tai, dưới đó móc một vòng lớn khác và nấp sau chiếc vòng lớn đó là một "chùm" khuyên tai nặng trĩu đếm được 6 chiếc vòng đang treo ngang ở đó. Đôi cánh tay của chiến binh này cũng đeo mỗi bên một chồng tới 5 chiếc vòng. Phần thắt lưng chặn ngang eo trên chiếc khố ngắn cũng được bện bởi 4 chồng vòng như vậy.
Rõ ràng, vị thợ cả Đông Sơn trong trường hợp này không thể tùy tiện sáng tác một đồ vật bình thường nữa mà ông phải đối diện với một đơn đặt hàng đặc biệt, tạo một hình tượng hàm chứa một nội dung cụ thể nhằm tôn vinh một chiến binh hay đúng hơn là một thủ lĩnh quân sự với tư thế, tầm vóc oai phong, lộng lẫy kèm theo chiến lợi phẩm là chiếc đầu lâu kẻ thù. Ông thợ đã thành công, bởi dù sau hơn 2 ngàn năm, người xem như chúng ta vẫn cảm nhận được trước mặt mình thật sự là chân dung một quý tộc Đông Sơn giàu có và dũng mãnh.
Khi đối chiếu với cách thể hiện đầu lâu người trong văn hóa Điền và văn hóa Đông Sơn, tôi còn nhận ra tính chuẩn mực như một quy ước trong nghề: đầu lâu Điền trong văn hóa Đông Sơn là chiếc đầu xõa tóc bị túm lại, trong khi nghệ nhân Điền luôn thể hiện đầu lâu Đông Sơn hai bím tóc.
3 kiểu tượng nam trên cán dao găm Đông Sơn phổ biến nhất
- Kiểu Sơn Tây lấy tượng cán dao hiện trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia làm mẫu, tượng nằm trong sưu tập D'Agence phát hiện ở vùng Sơn Tây, được chuyển giao cho Bảo tàng Lui Finot (Viễn Đông Bác cổ, Pháp).
- Kiểu Quả Cảm dựa trên dao găm phát hiện trong điều tra nghiên cứu sưu tập Quả Cảm - Lãng Ngâm thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh của Viện Khảo cổ học đầu những năm 1970. Hiện vật nay thuộc Bảo tàng Bắc Ninh.
- Kiểu Tràng Kênh được giáo sư Diệp Đình Hoa phát hiện trong quá trình khảo sát các di tích ở vùng Thủy Nguyên, Hải Phòng cũng khoảng những năm 1970. Hiện lưu tại Bảo tàng Hải Phòng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất