Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 4): Thuyền Đông Sơn - từ thực tiễn tới sáng tạo lộng lẫy

02/11/2023 16:10 GMT+7 | Văn hoá

Tiếp tục chủ đề về các hình vẽ về con người và cuộc sống sinh hoạt thời Đông Sơn tuần này sẽ là đề tài về thuyền bè. Như trẻ con bây giờ thích vẽ ô tô, chủ đề thuyền bè - phương tiện đi lại chủ yếu của cư dân Đông Sơn - cũng chiếm nội hàm chính trong các biểu tượng trang trí tâm linh đương thời.

1. Đã có khoảng trên dưới 800 mẫu thuyền Đông Sơn đã được chúng tôi thu thập. 98,5 % trong số đó là hình thuyền do các thợ cả Đông Sơn phác họa trên khuôn đúc. Còn lại 1,5% là những chiếc thuyền thật do tôi trực tiếp trục vớt, gom lại, hiện đang bảo quản tại bảo tàng tại Kim Bôi, Hòa Bình. Nhờ những chiếc thuyền thật này, chúng ta có thể thấy được hơi ấm chân thật tỏa ra từ những sáng tạo bay bổng của nghệ nhân Đông Sơn.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 4): Thuyền Đông Sơn - từ thực tiễn tới sáng tạo lộng lẫy - Ảnh 1.

Chiếc thuyền Đông Sơn với hàng lỗ mộng hai bên mạn thuyền được định tuổi C14 vào thế kỷ 4 trước Công nguyên (2400-2500 năm cách ngày nay).

Hiện nay, dựa vào nghiên cứu những con thuyền Đông Sơn thật, chúng ta có thể khẳng định thuyền Đông Sơn xưa hầu hết làm từ thân cây khoét rỗng. Quan tài một quý tộc Đông Sơn lớn ở Việt Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng như hàng trăm quan tài thân cây khoét rỗng khác thời Đông Sơn cho ta hình dung về kỹ thuật khoét lòng các thân cây làm quan tài, làm thuyền độc mộc, làm "đuống" giã thóc khỏi giạ lúa, thùng đựng đồ, máng nước, máng cho gia súc ăn như máng lợn chẳng hạn…

Một tấm ảnh trong bài viết này vừa được tôi chụp ngày 27/10 vừa qua cho thấy bãi quan tài thân cây khoét rỗng ở Xóm Chiềng  (Tân Lập, Lạc Sơn, Hòa Bình) giữ nguyên vẹn kỹ thuật và truyền thống hơn 2.000 năm trước. Kỹ thuật đó rất phổ biến và đa dụng. Vì vậy từ lâu tôi không dùng thuật ngữ "quan tài thuyền'  như cố gán ghép quan tài thân cây khoét rỗng với chiếc thuyền độc mộc, cho dù chúng được gác trên núi, chôn dưới đất chứ không liên quan gì đến con thuyền sang thế giới bên kia.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 4): Thuyền Đông Sơn - từ thực tiễn tới sáng tạo lộng lẫy - Ảnh 2.

Bãi quan tài thân cây khoét rỗng tại Xóm Chiềng, Tân Lập, Lạc Sơn, Hòa Bình (ảnh tác giả chụp ngày 27/10/2023)

"Đây là một kỹ thuật ghép ván gỗ lần đầu tiên thấy ở Địa Trung Hải, do người La Mã phát minh từ hơn hai ngàn năm trước. Nhưng rõ ràng người thợ thuyền Đông Sơn đã thuần thục kỹ thuật này" - TS Nguyễn Việt.

2. Trong cuộc khai quật Động Xá (Kim Động, Hưng Yên) năm 2004, chúng tôi đào được một quan tài cắt ra từ một chiếc thuyền độc mộc thực sự. Đây là chiếc thuyền Đông Sơn thực sự đầu tiên được phát hiện, cho dù nó chỉ còn một nửa (2,3m) phần đuôi thuyền. Phần đầu thuyền có lẽ dùng cho một mộ khác, đến nay chưa thấy.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 4): Thuyền Đông Sơn - từ thực tiễn tới sáng tạo lộng lẫy - Ảnh 4.

Chi tiết phần đầu con thuyền Đông Sơn 2400 - 2500 năm trước

Năm 2007, giáo sư khảo cổ học người Úc là Peter Bellwood, người đồng chủ trì khai quật với tôi ở Động Xá, đã cùng chúng tôi nghiên cứu và công bố con thuyền này trên tạp chí quốc tế Nautigal Archaeology (Khảo cổ học tàu thuyền) nổi tiếng. Điều đáng được thế giới quan tâm chính là hệ thống mộng chạy dọc mạn thuyền cho thấy chứng cứ con thuyền này được nâng cao bằng các ván mạn có cùng lỗ mộng như vậy. Ván mạn này cũng có hệ lỗ mộng tương ứng và gắn với mạn thuyền bằng một chốt gỗ hình chữ nhật có lỗ đóng chặn ở hai nửa.

Một bộ ván mạn như vậy đã phát hiện ở Yên Bắc (Duy Tiên, Hà Nam). Chúng được dùng để làm ván lót nhà mộ cho ngôi mộ một em bé 8 tuổi con nhà giàu thời Đông Sơn thuộc Hán. Đây là một kỹ thuật ghép ván gỗ lần đầu tiên thấy ở Địa Trung Hải, do người La Mã phát minh từ hơn hai ngàn năm trước. Nhưng rõ ràng người thợ thuyền Đông Sơn đã thuần thục kỹ thuật này.

Giao lưu hay đồng quy kỹ thuật? Câu trả lời ngày càng rõ: Đó là kỹ thuật sáng tạo độc lập của người Đông Sơn, thậm chí trước cả người La Mã và Trung Hoa. Đã có 5 niên đại carbon phóng xạ để định tuổi ngôi mộ có quan tài làm từ nửa chiếc thuyền đó. Tất cả đều ở giữa thế kỷ 1 trước Công nguyên.

Điều lạ kỳ hơn là sự xuất hiện chiếc thuyền Đông Sơn thứ 2 vào năm 2016. Một ngư dân vớt lên từ đáy sông Kinh Thày đoạn gần cầu Bình (Hải Dương) một con thuyền còn khá nguyên vẹn, đã chở đến bảo tàng cho chúng tôi. Đó chính là cặp song sinh của con thuyền đã bị cắt đôi làm quan tài ở Động Xá, tuy nhiên đây là một chiếc thuyền nguyên vẹn, dài 7m. Các chuyên gia từ Đại học quốc gia Úc đã cùng chúng tôi đo vẽ và trực tiếp lấy 3 mẫu gỗ làm niên đại C14. Kết qủa thật đáng ngạc nhiên, gỗ con thuyền có tuổi C14 ở thế kỷ 4 trước Công nguyên.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 4): Thuyền Đông Sơn - từ thực tiễn tới sáng tạo lộng lẫy - Ảnh 5.

Các chuyên gia Việt Nam và Úc đang làm việc trong bể ngâm các con thuyền độc mộc vớt từ sông Kinh Thày 2017-2018 (giáo sư Peter Bellwood mặc áo đỏ, đội mũ)

Chúng tôi bắt tay ngay vào đề tài Việt - Úc kéo dài 5 năm về khảo cổ học tàu thuyền (2017 - 2022). Kết qủa thật mĩ mãn khi đến nay chúng tôi đã có trong tay 7 con thuyền độc mộc Đông Sơn và một đầu thuyền sớm hơn nữa, thuộc khung niên đại tiền Đông Sơn (thế kỷ 8 trước Công nguyên).

3. Năm 1972, khi bắt tay xây dựng công trình sách Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm (NXB Quân đội, Hà Nội, 1982), tôi đã bắt đầu mày mò với những hình thuyền khắc vẽ trên trống, thạp đồng Đông Sơn.

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 4): Thuyền Đông Sơn - từ thực tiễn tới sáng tạo lộng lẫy - Ảnh 6.

Hình vẽ những chiến thuyền Đông Sơn do các thợ cả tạo ra trên thân thạp đồng Đông Sơn (bản rập hoa văn thạp Nguyễn Đình Sử)

Đó đã là những thuyền độc mộc cỡ lớn để có thể dựng lầu và sạp bánh lái phía sau. Rõ ràng trong những trường hợp đó, phần độc mộc chỉ là nền đế phía dưới để dựng ghép các ván cao hơn, xòe rộng hơn với sự hỗ trợ của các đòn xương như kỹ thuật long cốt (kiel) và xương đỡ sau này. Tất cả dấu vết để lại chỉ là rìu đẽo vát tạo ván, đục mộng chốt.

Kỹ thuật đóng thuyền bằng ván cưa xẻ ở ta xuất hiện khá muộn, liên quan đến kỹ thuật luyện và dát mỏng ra những lưỡi cưa thép dài, lớn mà ở ta dường như mãi thế kỷ 16 mới phổ biến. Các ván ghép nâng cao mạn thuyền thời Đông Sơn phát hiện ở Yên Bắc đều bạt đẽo bằng rìu chứ không thấy vết cưa nào. Mặc dù chiếc cưa đã từng thấy mô hình trong mộ gạch Đường Dù (Hải Phòng) của một thợ làm nghề sơn then thế kỷ 2 sau Công nguyên, nhưng đó chỉ là lưỡi cưa dài chừng 20cm. Đến tận thế kỷ 18, quan tài một người phụ nữ miệng ngậm đồng tiền Khang Hy (thế kỷ 17 - 18) khai quật ở Châu Can vẫn là ván đẽo bằng rìu tay mà chưa thấy vết cưa xẻ nào.

Trong số những đầu thuyền hiện lưu tại bảo tàng tàu thuyền trong chuỗi Bảo tàng Phạm Huy Thông ở Kim Bôi (Hòa Bình) có một đầu thuyền rất giống đầu cá sấu, với các khấc đẽo để có thể gá vào đó những ván trang trí cao hơn. Rõ ràng, sáng tạo có vẻ như rất thăng hoa của các thợ cả Đông Sơn về các thuyền chiến dựa trên nền tảng kỹ thuật thuyền độc mộc là có cơ sở. Trong những phần sau chúng ta sẽ phân tích chi tiết những sáng tạo Đông Sơn độc đáo này.

4 kiểu thuyền trên thạp Đông Sơn

Những chiếc thuyền chiến nghi lễ trên tang và thân các thạp cao quý thời Đông Sơn đã được những thợ cả chế khuôn đúc thời Đông Sơn sáng tạo rất lộng lẫy. Bước đầu phân loại chúng tôi nhận thấy 4 kiểu thuyền chính:

1- Thuyền độc mộc đơn giản

2- Thuyền độc mộc lớn đông người chèo lái dùng trong đua chải

3- Thuyền độc mộc lớn có sạp thuyền

4- Thuyền chiến đầu chim thú lớn chở nhiều chiến binh, có sạp thuyền, cột cờ, trống và sạp lái

(còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm