Ngủ dậy bất ngờ tê bì, đau nhức tay, người đàn ông gặp nguy hiểm, suýt phải cắt bỏ bàn tay

02/04/2023 10:22 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã cấp cứu cho bệnh nhân là N.V.Đ (74 tuổi) ở xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn, có tiền sử bệnh loạn nhịp tim. 

Cụ thể, ngày 30/3/2023, bệnh nhân ngủ dậy bất ngờ tê bì, đau nhức cánh tay sau đó lan xuống cẳng tay, bàn tay phải. Tình trạng đau tăng ngày càng dữ dội, sau đó tay lạnh, tím tái dần, giảm cảm giác, vận động bàn tay khó khăn. Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy được chẩn đoán tắc động mạch quay, động mạch trụ tay phải. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chiều cùng ngày.

Các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng tay phải đã lạnh, tím từ 1/3 dưới cẳng tay lan tỏa hết bàn tay, ngón tay, mất cảm giác, yếu vận động, mạch bàn tay phải không bắt được. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu cho thấy hình ảnh tắc hoàn toàn động mạch trụ và 1/3 dưới động mạch quay phải. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch quay, động mạch trụ tay phải cấp tính do huyết khối. Sau khi hội chẩn liên khoa, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy máu đông, tái thông mạch khẩn cấp với hy vọng cứu được bàn tay đang trong tình trạng thiếu máu nặng nề.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật rạch da, bộc lộ động mạch quay và động mạch trụ, mở mạch kiểm tra không thấy dòng máu chảy ra từ cả hai động mạch. Tiếp tục dùng dụng cụ luồn vào động mạch quay và động mạch trụ lấy ra nhiều huyết khối. Kíp mổ tiến hành bơm rửa sạch lòng mạch bằng dung dịch chống đông, khâu lại các mạch máu dưới kính vi phẫu. Kiểm tra thấy mạch đập tốt, đầu chi hồng ấm dần. Ca mổ diễn ra thành công chỉ trong 30 phút. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, bàn tay và ngón tay hồng ấm, mạch bắt rõ, cảm giác và vận động tay phải tốt, được chuyển khoa Tim mạch tiếp tục theo dõi điều trị. 

Rạng rỡ nhìn bàn tay của mình, bệnh nhân Đ. chia sẻ: "Ngủ dậy thấy bàn tay phải đang bình thường tự nhiên đau nhức, tê bì, rồi sau đó lạnh ngắt, tím đen, đau buốt dữ dội, bấu véo không cảm giác gì, tôi lo lắng và sợ hãi vô cùng. Tỉnh dậy sau phẫu thuật nhìn bàn tay của mình đang tím đen như quả mồng tơi trở lại hồng hào, tôi mừng lắm! Cảm ơn các bác sĩ ở đây đã cấp cứu giữ lại bàn tay cho tôi kịp thời!".

Ngủ dậy bất ngờ tê bì, đau nhức cánh tay, người đàn ông gặp nguy hiểm bởi căn bệnh nhiều người mắc - Ảnh 1.

Sức khỏe bệnh nhân ổn định, được nhân viên y tế theo dõi, kiểm tra thường xuyên sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bs.CKII Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh - cho biết: "Tắc mạch chi do huyết khối là bệnh lý tối cấp tính, cần phẫu thuật làm thông mạch ngay lập tức để cứu chi sớm vì thời gian chịu được thiếu máu chi chỉ khoảng 6 - 8 giờ. Trường hợp của bệnh nhân Đ. khi cấp cứu thì 1/3 dưới cẳng tay phải đã tím đen, lạnh ngắt, đau dữ dội, nếu phẫu thuật chậm trễ thì chắn chắn bàn tay bị tắc mạch sẽ hoại tử do thiếu máu nuôi và phải cắt bỏ. Chúng tôi đã kịp thời phẫu thuật lấy huyết khối tái thông mạch, giúp bàn tay người bệnh hồng hào trở lại, cũng như chức năng tay được phục hồi hoàn toàn.

Trước đó, chúng tôi cùng từng thực hiện rất nhiều ca phẫu thuật mạch máu, chủ yếu là chi dưới. Cái khó ở ca bệnh này là các mạch ở cổ bàn tay kích thước rất nhỏ, đường kính chỉ khoảng 2 mm, vì vậy chúng tôi phải sử dụng kính vi phẫu và rất khéo léo khi thực hiện các thao tác khâu nối, luồn dụng cụ vào để lấy huyết khối ra khỏi lòng mạch, giúp tái tưới máu lên phần chi tổn thương. Rất mừng vì ca phẫu thuật thành công đã giúp bệnh nhân phục hồi lại cảm giác và vận động bàn tay, thoát khỏi nguy cơ cắt chi".

Sức khỏe bệnh nhân ổn định, được nhân viên y tế theo dõi, kiểm tra thường xuyên sau phẫu thuật.

Những đối tượng dễ bị tắc mạch chi

Những người có tiền sử bệnh tim mạch, đặc biệt là rối loạn nhịp tim, rung nhĩ như bệnh nhân Đ. sẽ có nguy cơ cao hình thành cục máu đông trong tim. Trái tim co bóp đưa cục máu đông di chuyển theo mạch máu đến các cơ quan khác trong cơ thể và gây tắc mạch, ví dụ như: tắc mạch não gây đột quỵ, tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp, tắc mạch chi… gây nguy cơ biến chứng tàn phế nặng nề, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời.

Vì vậy, người bệnh mắc bệnh lý tim mạch cần phải được thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sâu về tim mạch để được đánh giá dự phòng và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá lipit… hạn chế nguy cơ thuyên tắc mạch.

Mộc Trà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm