Loại gia vị có sẵn trong bếp của người Việt, là thuốc quý từng đắt đỏ tới mức bán 1 con cừu chỉ mua được 0,45 kg

01/04/2023 12:19 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Gừng là loại gia vị được người Việt sử dụng nhiều. Ngoài ra, gừng còn là vị thuốc trong y học cổ truyền.

Gừng có nguồn gốc ở Ấn độ và Malaysia, nhưng cho tới nay, gừng được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Ấn Độ, Nhật Bản, Úc là những nước trồng nhiều gừng để xuất khẩu.

Theo ghi chép cổ có trong Luận ngữ, Khổng Tử viết: "Bất triệt khương thực, bất đa thực" được dịch là "chẳng bỏ ăn gừng, chẳng ăn nhiều" để nói nên vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh của gừng, tuy nhiên cũng không phải vì tốt mà lạm dụng ăn nhiều.

Gừng tươi cũng như gừng đã bảo quản được nhập khẩu vào châu Âu trong thời kỳ Trung Cổ. Tại Anh thế kỷ 14 thì 1 pound (0,453 kg) gừng có giá ngang với giá một con cừu.

Ở nước ta, gừng được trồng khắp mọi nơi, chủ yếu có nhiều ở Hải Phòng (Cát Bi), Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Sơn La, Lào Cai…

Theo Nhà khoa học, lương y Bùi Sắc Sáng, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, gừng được sử dụng làm gia vị trong ăn uống và phòng bệnh. Từ thời đại các Vua Hùng đã dùng gừng ăn với thịt chim, cá, ba ba cho đỡ lạnh, dễ tiêu. Từ xa xưa, người dân cũng đã sử dụng gừng, hành, tỏi, ớt, tía tô làm gia vị ăn hàng ngày để phòng bệnh.

Gia vị là thuốc quý có trong nhà bếp, từng đắt đỏ tới mức 0,45kg có giá ngang một con cừu - Ảnh 1.

Gừng là gia vị và là thuốc quý trong y học cỏ truyền, ảnh nguồn: Internet.

Trong y học cổ truyền, lá và củ gừng là 2 bộ phận được dùng làm thuốc nhiều hơn cả. Trong đó, đặc biệt là củ gừng có chứa nhiều hoạt chất dược lý. Củ gừng có chứa: tinh dầu 2-3%; nhựa dầu 5%; tinh bột; chất cay (Zingeron, Zingerol, Sogal).

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết riêng với củ gừng thì gừng sống, gừng khô hay gừng nướng cháy lại có những tác dụng phòng và chữa nhiều bệnh khác nhau. Do vậy, khi biết tính vị của từng loại gừng sẽ giúp cho việc làm thuốc đạt được tối đa mục đích.

Ví dụ, sinh khương (gừng sống) có vị cay, tính hơi ấm; quy kinh : Phế, Tỳ, Vị. Tác dụng của gừng sống dùng trong trường hợp chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, lợi tiêu hoá.

Thán khương (gừng nướng cháy) có vị cay, tính ấm; quy kinh : Phế, Tỳ, Vị. Gừng nướng thường được dùng trong trường hợp lạnh bụng đi ngoài.

Can khương (gừng khô) có vị cay, tính nóng; quy kinh : Phế, Tỳ, Vị. Gừng khô dùng tán phong hàn chủ trị cảm lạnh, thổ tả.

Không chỉ củ gừng mà vỏ gừng cũng được dùng làm thuốc. Do vậy, khi sử dụng gừng nên rửa sạch và dùng cả vỏ. Vỏ gừng (hương bì) có vị cay, tính hơi ấm, quy kinh: Phế, Tỳ, Vị. Vỏ gừng được dùng trong các trường hợp tiêu phù thũng.

Bài thuốc hay từ gừng

Dưới đây, lương y Bùi Đắc Sáng đưa ra một số bài thuốc hay dễ áp dụng có sử dụng gừng như sau:

- Gừng chữa cảm mạo: gừng tươi 7 lát, củ hành 7 củ, nước 1 bát. Sắc, uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.

- Cảm, ho nhiều đàm, khó thở: gừng tươi 7 lát, trà tàu thìa, chanh tươi 1 quả, rượu 1 thìa, mật ong 1 thìa. Gừng tươi và trà tàu nấu sôi kỹ để nguội vắt nước chanh vào, thêm rượu và mật ong uống.

- Sốt rét, ho có đờm: gừng nướng kỹ, gọt sạch vỏ cháy, thái miếng, ngậm.

- Có đàm trong họng: gừng tươi thái miếng, nhai ngậm và nuốt nước.

- Ho có đàm: Gừng tươi giã dập, chưng với mật ong ngậm.

- Ho do đờm nóng: nước gừng tươi, nước trà tàu lượng vừa đủ pha uống.

- Trẻ em ho lâu ngày không khỏi: gừng tươi 200g nấu nước tắm.

- Đau bụng bị lạnh làm co rút gân: gừng tươi 100g, rượu 1 bát nấu sôi uống nóng. Ngoài ra, giã gừng chườm nơi bụng đau.

- Đau bụng, đầy bụng: gừng tươi 40g, nước 7 bát sắc còn 2, chia uống làm 2-3 lần.

- Chữa tỳ thấp thũng trướng (tay chân phù): gừng sống 150g, mật ong 50ml. Gừng rửa sạch, thái lát mỏng, sao khô giòn. Cho vào bát, tưới mật ong vào, trộn đều, đậy kín để một lúc, ăn hết trong ngày.

"Ngoài ra, gừng còn giúp đề phòng gió độc khi đi ra ngoài sớm. Trước khi ra ngoài nên dùng 1 miếng gừng, nhai ngậm nuốt dần", lương y Bùi Đắc Sáng nói.

Cũng theo lương y, dù gừng là gia vị lành tính dễ dùng tuy nhiên cũng cần có lưu ý: Người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón; Người nhiều mồ hôi hoặc đang ra mồ hôi không nên dùng gừng. Không nên ăn nhiều gừng, dùng thời gian lâu có thể sinh toét mắt, chảy nước mắt sống.

 

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm