Bóng đá trẻ Việt Nam: Quân hay thì phải có tướng tài

27/04/2017 06:14 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Có điểm chung gì trong công thức thành công của những lò đào tạo trẻ, và xa hơn một chút là kỳ tích của U20 Việt Nam đến thẳng VCK World Cup U20… là đều có bóng dáng của những kiến trúc sư tài ba?

Tiền không phải là yếu tố quyết định

Bóng đá Việt Nam một thời nể phục lò đào tạo trẻ SLNA, địa phương đi đầu cả nước về công nghệ xuất xưởng cầu thủ. Dù thời thế đổi dời, CLB này vẫn sống khỏe với chất tự có của mình. Bài học của SLNA là cảm hứng cho nhiều CLB khác noi theo trong một khoảng thời gian dài. Và nó cũng là minh chứng cho thứ bóng đá không đặt nặng vấn đề “đầu tiên”.

Bài học của SLNA chưa bao giờ cũ trong hoàn cảnh bóng đá Việt Nam đang trở lại với giá trị thực, các CLB phải thắt chặt hầu bao. Nhưng ở xu thế hiện đại, các lò đào tạo đang nổi dậy đã cho thấy họ còn tiến bộ hơn hẳn SLNA khi áp dụng mô hình chuyên nghiệp của các quốc gia có nền bóng đá tiên tiến.

Và kết quả dễ dàng nhận thấy nhất chính là công thức thành công chung của các lò đào tạo HAGL, PVF, Viettel, Hà Nội, những thế lực lớn nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Ngoài định hướng liên kết, học hỏi các mô hình tiến bộ, những CLB này đều gắn liền với tên tuổi những kiến trúc sư tài ba. Ở HAGL, Công Phượng và các đồng đội chắc chắn có thêm 2 người “bố” với họ là bầu Đức và HLV Guillaume Graechen. Dù HLV Quốc Tuấn đang dẫn dắt họ nhưng nghĩ về đội bóng trẻ phố Núi, CĐV của họ không thể quên ông thầy người Pháp mới chính là người nhào nặn ra những sản phẩm chất lượng như hôm nay.

Ở PVF, đội bóng đã thâu tóm hàng loạt danh hiệu các giải trẻ của bóng đá Việt Nam gần 1 thập kỷ qua thì ngoài những cựu danh thủ “số má” một thời, không thể không nhắc đến những mối hợp tác giữa đơn vị này với các lò đào tạo ngoại quốc. Sau HLV Trần Minh Chiến, người đứng danh kiến trúc sư trưởng của Quỹ chính là HLV Machinaka, ông thầy dày dạn kinh nghiệm thuộc CLB hàng đầu Nhật Bản – Gamba Osaka. Tương tự ở phía Bắc, thành công của Viettel hay Hà Nội không tự nhiên đến khi trong giáo trình đào tạo trẻ của họ không áp dụng phương pháp huấn luyện khoa học. Muốn lấy lại hình ảnh Thể Công ngày nào, Viettel còn bắt tay hợp tác sâu rộng với Borussia Dortmund để các chuyên gia Đức đến Việt Nam làm việc.

Mô hình thành công của các CLB này buộc VFF phải “cài cắm” thầy ngoại từ GĐKT, HLV thể lực đến bác sĩ vào các cấp độ ĐTQG. Để rồi đội tuyển U20 Việt Nam giờ đang ở quê hương của những ông thầy này chuẩn bị cho World Cup U20.

U20 Việt Nam và bí ẩn bóng đá trẻ

U20 Việt Nam và bí ẩn bóng đá trẻ

Có quá ít các cơ sở cho thấy, ĐT U20 Việt Nam gặp may khi rơi vào bảng E được cho là dễ thở, với các đối thủ: Pháp, Honduras và New Zealand, như các nhận định ban đầu.

Mô hình bao cấp cần được “hà hơi”

Trao đổi với các HLV ở PVF, nhiều người đồng tình rằng nguồn lực con người là số 1 để làm nên thành công cho CLB. Nhưng trong xu thế hiện đại, sẽ là lỗi thời nếu vẫn một mực trung thành với những giá trị truyền thống. Tại sao những PVF, Viettel, Hà Nội hay HAGL giờ mới chính là những thế lực thống trị tương lai bóng đá Việt Nam, thay vì một SLNA đã có căn cơ. Ngoài hướng ngoại, những lò đào tạo này còn hướng đến chuyện tìm kiếm nhân tài từ khắp nơi. Các CLB hàng năm rình rang tuyển học viên nhí về đào tạo với những hứa hẹn tốt nhất về đãi ngộ. Cộng thêm uy tín đã xây dựng thành thương hiệu, đương nhiên họ có sức khiến SLNA, địa phương vẫn trung thành với cách làm truyền thống, lao đao những đợt tuyển đầu vào.

Để rồi bây giờ, SLNA đang dần “mất số” trên bản đồ bóng đá Việt. Ở các giải trẻ, chuyện SLNA thậm chí không qua nổi vòng loại khu vực phía Bắc khi những Hà Nội, Viettel đang vươn mình đã không lạ. SLNA giờ không đóng góp nhiều tinh tú cho các cấp độ đội trẻ quốc gia đến U13 Việt Nam. Hay nhìn lên đội 1, SLNA có thể trụ hạng thành công nhưng chất lượng cầu thủ hiện tại khó so bì với thế hệ đàn anh. Nhìn Nguyên Mạnh xuống dốc phong độ, nhiều chuyên gia cảm thấy tiếc khi thủ thành này chững lại do thiếu thầy giỏi.

Xây dựng một CLB chuyên nghiệp cần kế thừa các giá trị tốt đẹp của truyền thống, từ đó áp dụng các công nghệ đào tạo hiện đại cùng tài chính mạnh mới mong phát triển bền vững.

Đến giờ phút này, chúng ta chưa có CLB nào (trung tâm nào) hội tụ tất cả những yếu tố trên.

1. Thành lập chưa đến 10 năm (cuối 2008 đầu 2009) nhưng PVF chính là thế lực lớn nhất của bóng đá trẻ Việt Nam trong chừng ấy thời gian khi họ đã sưu tầm hơn chục danh hiệu vô địch từ giải U11 đến U19 quốc gia. PVF hiện có gần 190 học viên, được tuyển chọn từ 51 tỉnh thành trên cả nước.

4. 4 “sao” trẻ của bóng đá Việt Nam là Công Phượng, Văn Thanh (HAGL), Quang Hải (Hà Nội), Đức Chinh (SHB Đà Nẵng) đều đang có 4 bàn ở V-League 2017. Những cái tên này chỉ chịu thua Minh Tuấn (6 bàn) và Anh Đức (8 bàn) trong danh sách ghi bàn hàng đầu.

9. HAGL đóng góp 9 cầu thủ trong đợt tập trung U23 Việt Nam gần nhất (hơn 40%) và không ngạc nhiên khi “những đứa trẻ của bầu Đức” là bộ khung của HLV Hữu Thắng ở SEA Games năm nay.

 

Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm