'Nuôi' và 'cấy' cổ động viên

26/04/2017 05:58 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Mặc định đá hay, đá đẹp là CĐV sẽ tự đến với đội bóng, là một suy nghĩ chưa toàn diện. Nó chỉ là điều kiện cần. Khi tình yêu và quan trọng hơn là niềm tin đã xuống cấp, CLB cũng phải nghĩ đến việc “nuôi, cấy ghép” CĐV, cũng giống như việc họ đào tạo VĐV vậy! Đừng để “thượng đế buồn”, nếu không họ sẽ bỏ đi.

Thực tế là vậy. Kỷ nguyên bóng đá chuyên nghiệp đang ở năm 17 năm đang cho thấy một bước lùi lớn về lượng khán giả tìm đến các sân bóng mỗi buổi chiều cuối tuần. Thường thì một sản phẩm tốt, hợp thời, đặc biệt khâu chăm sóc khách hàng tuyệt vời, thì dứt khoát các “thượng đế” sẽ thủy chung. Bóng đá chúng ta thiếu cả hai, đặc biệt là văn hóa ứng xử với CĐV…

… Trong số 14 CLB ở V-League và 7 đội ở giải hạng Nhất, HAGL trở thành một hiện tượng thú vị trong việc gầy dựng đội ngũ người hâm mộ rộng khắp cả nước, cũng như Hội CĐV HAGL các miền ra đời. Trong cơn khủng hoảng niềm tin, thì “những đứa trẻ của bầu Đức” – lứa U19 của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn…, bỗng chốc trở thành một đức tin, tình yêu cũng đơm hoa kết trái theo.

CĐV được xem là một trong hai tiền đạo (bên cạnh truyền thông) theo sơ đồ phát triển 4 – 4 – 2 cổ điển của AFC, thuộc chương trình Tầm nhìn châu Á du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 10 năm. Mặc dù vậy, cũng bằng với khoảng thời gian này khi bóng đá kim tiền lên ngôi và túi tiền không đáy của các ông bầu trở thành thước đo, bộ đôi tiền đạo không những không được ý thức vai trò, mà ngày một cùn đi.

Tất nhiên là cũng có ngoại lệ, như SLNA, FLC Thanh Hoá, Hải Phòng hay Than Quảng Ninh…, nhưng sự thật là phần lớn các CLB ở Việt Nam không còn thuộc về cộng động người bản địa nữa. Đội bóng trở nên tách biệt và xa lạ với chính các CĐV, có nơi, Hội CĐV thậm chí không được thừa nhận vì ngại những liên đới tới án phạt từ scandal mà những người nhân danh CĐV gây ra. Chúng ta không thuộc về nhau.

CĐV Gangwon ủng hộ Xuân Trường ra sân

CĐV Gangwon ủng hộ Xuân Trường ra sân

CĐV Gangwon ủng hộ Xuân Trường ra sân, U19 HAGL gỡ lại thể diện là những thông tin quan trọng của bóng đá Việt ngày 23/4.

Đã có nhiều những động thái cho thấy, các CLB bắt đầu ý thức hơn việc khoả lấp các chỗ trống trên khán đài, trong mỗi trận đấu. Bởi đơn giản, đá bóng phải có người xem, bóng đá không khán giải thì sớm muộn cũng lụi. Nhưng, nỗ lực là một chuyện, cánh cổng các SVĐ dù vẫn mở toang vào khung giờ đẹp, mà CĐV vẫn ở đâu đó rất xa sân bóng. Chất lượng bóng đá được đo bằng lượng vé bán ra ở khe cửa SVĐ.

Không có nhà tài trợ, quảng áo hay đơn vị truyền hình nào lại thầu một sản- phẩm- giải- đấu không thể quảng bá. Trong khi đó, chúng ta thậm chí chưa thể tạo ra một sản phẩm bóng đá đủ tử tế. Bóng đá kết hợp show-biz, cũng là một giải pháp không tồi trong việc lôi kéo khán giả, mà sau XMXT Sài Gòn, Than Quảng Ninh và CLB TP.HCM đã từng áp dụng. Nhưng đây chỉ là kiến giải nhất thời, bóng đá phải là bóng đá.

Muốn tạo ra một sản phẩm bóng đá tử tế, phải có những con người làm bóng đá tử tế, sân bãi và các yêu cầu liên quan đến công tác tổ chức cũng phải tử tế... Sau đó, hãy đem các thần tượng được xây dựng (cầu thủ và HLV) đến với các trường học, giao lưu và gầy dựng tình yêu bóng đá từ các em nhỏ; tìm đến các mái ấm tình thương, cô nhi viện, bệnh viện…, chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

Khi tình yêu bắt đầu được nhen nhóm, tất niềm tin sẽ được gầy dựng theo, bằng với thời gian. Cho đến lúc quyền lợi của đội bóng trở thành quyền lợi của chính khán giả, hay tốt hơn là CĐV, lúc ấy bóng đá mới sống khoẻ. Còn ngay lúc này, bóng đá mới chỉ phục vụ quyền lợi của ông bầu và đội ngũ những người hoạt động trong địa hạt này mà thôi. Đứng dậy thay đổi để bước tiếp, hay chấp nhận bị ruồng bỏ?

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm