Nghĩ về cái áo phao trên tàu du lịch

06/06/2016 06:41 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ chìm tàu du lịch "chui" Thảo Vân 2 trên sông Hàn Đà - Nẵng để lại nỗi đau quá lớn cho gia đình các nạn nhân mất đi người thân. Ba người chết, trong đó có hai cháu bé trong một gia đình được bố mẹ cho đi nghỉ mát.

Thảm họa sẽ còn khủng khiếp hơn nếu không có sự ứng cứu kịp thời của hàng loạt tàu thuyền đang chạy trên sông Hàn khi đó.

Như tàu Phú Quý, tàu Sông Hàn, tàu Hàn Giang... đã cứu sống vài chục mạng người trên sông trong giây phút thập tử nhất sinh. Những chủ tàu, thủy thủ, thợ máy đã không quản nguy hiểm có mặt tức thời khi thấy có người gặp hoạn nạn, những chiếc áo phao được tung ra để "cứu sinh" những mạng người trong đêm tối. Nếu không có những chiếc áo phao cứu nạn kịp thời kia, hậu quả chưa biết tới đâu.


8h40p sáng 5/6, tàu thuyền được tăng cường cho việc tìm kiếm các nạn nhân

Tôi không rõ trên tàu Thảo Vân có trang bị đủ và bắt buộc du khách mặc áo phao khi tham quan sông nước không. Tàu Thảo Vân là tàu du lịch “chui”, sức chứa 28 người mà chở đến 56 người thì việc trang bị đủ áo phao hay không không nói ai cũng hiểu. Đó là với tàu “chui”, nhân vụ việc đau lòng này, tôi xin kể về chuyện cái áo phao trên tàu du lịch, ngay cả những tàu không phải là "chui".

Năm ngoái, tôi đi du lịch Nha Trang, và cũng đi tàu ra đảo tham quan. Khách lên tàu xong chủ tàu phát áo phao cho khách mặc, nhưng có người mặc được, có người không được, với lí do áo phao bị hỏng dây, hoặc chật, hoặc thiếu khóa, hoặc lười không mặc chỉ cầm trên tay, thế nhưng tàu vẫn chạy cho dù khách có mặc hay không, giống như tàu phát phao lấy lệ, còn mặc hay không thì tùy khách, chứ không bắt buộc.

Rồi từ đảo này qua đảo khác chơi tiếp theo, khách lên tàu lần này chủ tàu không phát áo phao nữa, tàu vẫn cứ rẽ sóng theo hướng đảo xa, khi ra ngoài khơi sóng to gió lớn, nước vỗ mạn thuyền bắn tung tóe, tàu nhồi lên nhồi xuống nhìn thấy rất sợ, khách thanh niên thì thích thú hò hét, còn người lớn tuổi và trẻ em thì sợ hãi, tôi cũng sợ quá nên kêu chủ tàu xin một cái áo phao mặc vào, nhưng mặc không được, vì cái áo phao thì nhỏ mà người tôi to, tôi cố gắng loay hoay tháo dây dài ra, cài đỡ vài nút thắt… mà lòng bất an.

Mặc tạm cái áo phao rồi mọi người nhìn tôi với ánh mắt tôi là người lạ từ trên trời rơi xuống, hoặc có thể họ nghĩ tôi là đồ chết nhát, hoặc không giống ai, vì trên tàu duy nhất có mỗi mình tôi mặc áo phao.

Tàu lấy hết tốc độ chạy cho nhanh vào đảo cho khách tham quan, mặc cho sóng to gió lớn, mặc cho tàu nhồi lên nhồi xuống, tới nơi tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tinh thần tôi xuống hẳn, lúc này tôi không còn hứng thú vui chơi hay tắm nữa, trông cho nhanh hết thời gian quay vào đất liền, về tới nơi tôi mới hoàn hồn. Một chuyến tàu bất an, tôi không thể nào quên được.

Chìm tàu trên sông Hàn: Những người thoát chết kỳ diệu

Chìm tàu trên sông Hàn: Những người thoát chết kỳ diệu

Điều kì diệu nhất đã xảy ra, khi hai mẹ con, chị Thủy và cháu Nguyễn Ngọc Quý Phương cả tiếng sau khi tàu chìm mới nổi lên mặt nước và cả hai đều thoát nạn.


Và cũng vào dịp tháng Sáu năm ngoái, tôi đi du lịch sông nước Tiền Giang, lên tàu đi dọc sông Tiền qua các cồn tham quan, tôi cũng gặp tình trạng tương tự... Cho nên nếu xảy ra tai nạn chìm tàu, khách chỉ có nước đối mặt với... hà bá.

Được biết, ngay sau khi nhận được tin xảy ra vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn, ngày 5/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc rà soát các phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy, kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật của các chủ phương tiện bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách du lịch.

Về mặt pháp lý, đã có những chế tài “mạnh tay”, nhưng thực tế, cần hơn hết sự “hợp tác” của không chỉ các chủ phương tiện thủy mà cả chính du khách. Bởi cuộc sống quý giá của mỗi người, chính chủ nhân của nó mới có thể giữ gìn...

Nguyễn Dũng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm