Điệu xòe giữa núi rừng Tây Bắc

01/03/2009 09:49 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Chúng tôi đến với núi rừng Tây Bắc khi không khí xuân tràn ngập trên khắp các nẻo đường. Mưa xuân giăng trên những nhành lộc non mơn mởn. Tây Bắc mùa xuân tràn ngập là hoa: Hoa mơ, hoa mận nở trắng bạt ngàn. Nhìn từ xa trông như những đỉnh núi tuyết trập trùng. Pha thêm sắc tím của hoa ban khắp núi rừng như một bức tranh sặc sỡ.


Điệu xoè giữa núi rừng Tây Bắc - Đỗ Huyền Anh
Bài viết này đã được chương trình Let’s Càphê của
Kênh truyền hình Let’s Việt - VTC9 giới thiệu vào ngày 3/03/2009


Bước đến Sơn La trời đã xế bóng. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc của thiên nhiên nơi đây. Những cô gái Thái duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống .

Nơi đây các dân tộc anh em Thái, Mường, Kinh, H.Mông, Thái…cùng tạo dựng lên mảnh đất này. Người dân bám đất, bám rừng cùng bản mường trồng lúa, quay tơ và gắn với điệu múa xoè. “Không xoè không tốt lúa. Không xoè thóc không đầy bồ, không xoè trai gái không thành đôi.” Cứ thế điệu xoà trở thành nét đặc trưng không thể thiếu trong các lễ hội của cộng đồng người Thái.

Tất cả điệu xoè của các dân tộc vùng Tây Bắc có khoảng trên 30 điệu. Hiện nay, người Thái còn giữ được 6 điệu múa truyền thống. Từ Phong Thổ ( Lai Châu), Bắc Hà ( Lào Cai), hay Yên Châu ( Sơn La)…Múa xoè đã trở thành nét truyền thồng độc đáo.

Miền xuôi “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì mảnh đất Tây Bắc này chén rượu làm quen cũng là tỏ lòng tri ân, hiếu khách. Chủ mời, khách đã uống là khi khúc dân ca Thái “ Ing lả ơi! sao noọng ơi!” quen thuộc cất lên. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng khèn vang lên giục người ra nhập hội. Các cô gái Thái mời những người đi hội bước vào vòng xoè. Người múa nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa. Càng đông vòng xoè càng lớn. Vòng to, vòng nhỏ càng vui.

Du khách và người dân nơi đây không hẹn mà như đã quen tự bao giờ. Múa xòe không kể già, trẻ, gái, trai…Tay trong tay cùng xum hội. Chủ mời khách chén rượu chuối thơm nồng. Đưa chén rượu lên miệng hương thơm của đất trời, núi rừng tây bắc… Tất cả quện lại thành một hương vị không thể nào quên.

Trong vòng xoè, những điệu múa: “Inh lả ơi”, “múa đẩy thuyền”, “hái rau”, “múa khăn”…Hút hồn du khách. Phần lớn các điệu xoè được cách điệu từ những động tác lao động thường ngày.

Càng về khuya điệu xoè càng đẹp. Dưới ánh lửa bập bùng, các dân tộc anh em: Mông, Tày, Dao, Thái…Tay trong tay thành một đại gia đình sum họp đầm ấm. Những cô gái Thái kiêu sa lúc nhẹ nhàng quay vai, lúc xoay tròn như những cánh bướm mùa xuân sặc sỡ.

“Điệu xoè, điệu xoè có tự bao giờ…” Những cái nắm tay trìu mến, bàn chân lướt như nghệ sĩ tài hoa trên cỏ non…Những chum rượu cần như mời gọi. Tiếng hát, tiếng cười vang giữa bạt ngàn rừng núi.

Trời lạnh nhưng nơi đây thật ấm áp. Âm bởi điệu xoè, bởi men rượu và bởi lòng người. Điệu xoè kết thúc là khi đống lửa đã tàn. Trời đã về khuya, ai cũng nuối tiếc. Ra về mà dư âm của tiếng cồng chiêng, lời ca tiếng hát, ánh lửa bập bùng còn vang mãi. Chợt thấy lòng xao xuyến, bồi hồi: “Có đêm xoè thồn thức mọi bước chân” để rồi “Bỏ lại sau lưng ngoằn ngèo đèo dốc”. Du khách lại trở về đây khi xuân sang khai hội. Ai ra về cũng mong có lần trở lại.!
                                                                                                        
Đỗ Huyền Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm