Nghệ thuật khắc bản Kinh

10/03/2013 05:57 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 10/2012, mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang (gồm hơn 3.000 bản khắc gỗ) được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Cũng là in khắc gỗ như nghệ thuật in khắc tranh Đông Hồ (*) nhưng khắc bản kinh là một nghệ thuật khác.

Người Đông Hồ có hai từ để phân biệt dòng tranh dân gian của họ và dòng in khắc bản kinh, là khắc trònkhắc vuông. Khắc tròn để chỉ những đường nét khắc lựa theo hình người và vật trên ván in của tranh dân gian Đông Hồ, còn khắc vuông để chỉ lối khắc theo những con chữ Hán khối vuông trên các bản in kinh. Lần trước, trong phần khảo cứu tranh dân gian Đông Hồ chúng tôi đã dẫn ra ba khái niệm kỹ thuật mà người Trung Hoa tổng kết là: Hắc bạch mộc khắc - khắc gỗ đen trắng, Thao sắc mộc khắc - khắc gỗ cả nét và màu đều dùng ván in, Bút thái mộc khắc - in bằng bản in nét và tô màu bằng bút. Khắc gỗ đen trắng chính là lối khắc bản kinh dùng để in kinh sách ngày xưa, chủ yếu do các xưởng in, tiệm in, làng nghề in (Hồng Lục, Liễu Chàng) thực hiện ấn loát các sách Nho giáo, sách bói, sách thuốc trong xã hội phong kiến, còn các chùa tổ (các trung tâm Phật giáo) thì in kinh sách nhà Phật.



Cuốn lễ bộ thượng phẩm, năm Quang Hưng 21, tức là năm 1598, là cuốn Kinh coi như có niên đại xưa nhất cho đến hiện nay tìm thấy ở chùa Vạn Đức, Hội An.

Về nghề làm giấy thì lịch sử đã xác định, người Việt Nam có nghề giấy mật hương từ rất sớm, ít nhất trong khoảng thế kỷ 3. Nhưng nghề in kinh sách thì mãi đến thế kỷ 11, mới có tài liệu nói rằng trong thời Lý (1010 - 1225) có nhà sư Tín Học và gia đình làm nghề in khắc sách. Thời Trần, các vị sư phái thiền Trúc Lâm Yên Tử đã cho in nhiều kinh sách Phật giáo, nhất là trong quá trình bang giao với nhà Nguyên, đã lấy được kinh Đại Tạng (tức là toàn bộ kinh Phật cho đến lúc đó), cho in lại ở Đại Việt và bổ sung thêm vào đó những trước tác Phật giáo do các học giả Phật giáo Đại Việt biên soạn.

Sau cuộc chiến với nhà Minh (1407 - 1427), hầu hết sách ở của ta đã bị đốt cướp, nên nghề ấn loát coi như thất truyền, cho đến khi một vị trạng nguyên thời Lê sơ, thế kỷ 15, Lương Nhữ Học nhân đi sứ ở Trung Hoa (1443 - 1459) mà học trộm được nghề này, nhất là lần đi thứ hai thì ông giả làm nhà buôn mà học nghề. Sau đó, khoảng những năm 1470, ông truyền nghề cho dân hai làng Hồng Lục, Liễu Chàng ở Hải Hưng hành nghề. Dân hai làng đó một phần hành nghề ở quê hương, một phần lên Thăng Long mở các hiệu đường in khắc sách chuyên nghiệp. Dòng tranh dân gian Hàng Trống cũng nhờ đó mà phát triển ở ngay nơi các hiệu đường in sách hành nghề.

Cũng là in khắc, nhưng có rất nhiều trường phái in khắc khác nhau, nhiều kỹ thuật khác nhau, trong đó in khắc bản kinh được coi là lâu đời nhất. Người ta đã tìm thấy những bản kinh Phật có từ thời Đường, tất nhiên là nghề này phải xuất hiện sớm hơn. Bản in (mộc bản) ra đời thay thế cho việc chép sách bằng bút luôn nhầm lẫn và rất mất công. Thành ngữ tam sao thất bản có nghĩa là ba lần sao chép thì mất cả gốc, nói lên tính không chính xác của sách chép tay. Những mộc bản cổ xưa có thể dùng in hàng trăm, hàng ngàn cuốn và độ chính xác gần như nhau, ít nhất về mặt thông tin, và sau nhiều năm mới phải khắc lại ván gỗ. Công việc này đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, dù bất cứ ai cũng có thể khắc cái gì đó vào tấm gỗ và in được ra giấy. 



Một trang trong cuốn Phật tổ thống kỷ, nguyên sách từ Trung Hoa. Năm Tự Đức 9, năm 1856, Hòa thượng Phúc Điền san định lại và in khắc ở chùa Liên Phái, Hà Nội. Nội dung trong trang này là Tâm thập pháp giới đồ, quán tưởng 10 cảnh giới.

Để làm một cuốn sách người ta phải chọn người viết chữ thành từng trang như cuốn sách thật, sau đó dán ngược chữ lên tấm gỗ và khắc chữ. Có thể một tấm gỗ chỉ có hai mặt in được hai trang sách, hoặc người ta khắc hai trang trên một mặt, như vậy một tấm gỗ có bốn trang in. Nếu cuốn sách có 400 trang thì phải dùng tới 200 - 400 tấm gỗ, tùy theo loại 2 hay 4 trang một tấm. Và một cuốn sách số lượng mộc bản đôi khi chiếm cả gian nhà. Những kho kinh Phật mộc bản trông rất đồ sộ nhưng thực cũng chỉ là vài bộ kinh.

Người khắc chữ gọi là tử nhân, chí ít phải biết vài nghìn chữ Hán, chữ Nôm và thuộc các bộ chữ cơ bản. Thông thường khâu viết chữ đã được kiểm tra rất cẩn thận để không có chữ nào sai người ta mới cho khắc, cho nên những mộc bản có thể nói rất sạch. Tuy nhiên sai sót vẫn có bằng chứng là vài ván gỗ người ta phải đục một vài chữ đi và chêm thêm vài chữ khác. Điều này cũng có thể, vào thời kỳ sau, một vài chữ vi phạm tên tuổi kỵ húy của hoàng gia nên phải thay đổi. Ví dụ như hoa phải sửa thành huê.

Ở một xã hội mà sách vở hiếm hoi, thì chữ nghĩa được vô cùng trân trọng, người ta gọi đó là chữ của Thánh hiền. Đó là hình ảnh của một xã hội khoa học chưa phát triển nhưng văn minh.

Người xưa cũng bị cận và viễn y như con người bây giờ, kính thì lại không dễ dàng ngoài tự mài một miếng thủy tinh, thì cách tốt nhất là phóng to chữ, cho nên các sách bình thường khổ chữ có thể lên đến một phân vuông. Do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, hầu hết các kiến thức đều được truyền tải qua chữ Hán, nên khi sách vở do người Việt xuất bản đều được biên soạn lại, đôi cuốn sách nội dung rất dễ đọc, lượng từ hạn chế để cho người bình thường có thể đọc được, đồng thời kèm thêm nhiều minh họa vẽ. Cho nên tranh minh họa sách rất phổ biến, được làm theo các kiểu: Trừu đồ - sách có một bức tranh ở trang đầu tiên, Thượng văn hạ đồ - sách in trên chữ dưới tranh, Thượng đồ hạ văn - sách in trên tranh dưới chữ, và Nhất thư nhất họa - sách in cứ một trang tranh một trang chữ. Sách có loại cuốn tròn trong một tờ giấy dài, hoặc gập lại từng trang nhưng cả cuốn sách chỉ là một tờ giấy, khi đọc thì lồng một cái que vào lật từng trang một. Còn phần lớn đóng thành quyển khâu gáy và quét cậy (một loại dầu cây) ra bìa. Kinh sách quan trọng thì lấy son bôi ra diềm, sách có bộ thì đóng hộp.

Ở một xã hội mà sách vở hiếm hoi, thì chữ nghĩa được vô cùng trân trọng, người ta gọi đó là chữ của thánh hiền, trông thấy giấy in chữ rơi ngoài đường là lập tức nhặt lên như của quý, nhưng tiền nong của nả ai đánh rơi thì mặc kệ. Đó là hình ảnh của một xã hội khoa học chưa phát triển nhưng văn minh.

Gỗ in khắc rất quan trọng. Ở ta thì thường dùng gỗ thị, thớ đa chiều, tuy rắn nhưng mặt chữ ổn định và thường được ngâm tẩm lâu năm mới đem ra khắc. Ở Trung Hoa người ta dùng gỗ lê, gỗ táo cũng rất rắn. Ở Nhật để khắc những bản có nét cực mảnh, người ta lấy mộc bản từ lát tròn của cây gỗ, các thớ theo chiều đứng nên nét có thể làm rất nhỏ. Chúng tôi đã từng thấy một cuốn phao thi ở ta, chữ chỉ nhỏ như hạt vừng, nhưng rất nét và đọc tốt, không hiểu sao người ta có thể viết chữ và khắc được như vậy. Phao thi là việc chả hay gì, nhưng điều đó nói lên công nghệ in khắc sách mộc bản xưa đã đạt đến một trình độ rất tinh vi vì nó đã có hàng ngàn năm tuổi.

(*) Xem bài Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp, mục Ghi chép văn hóa tập tục trên TT&VH Cuối tuần số Tân niên

Phan Cẩm Thượng

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm