'Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp...'

23/02/2013 09:00 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện này không có gì mới, nhưng cũng không cũ bởi nó chứa đựng đời sống của người nông dân Việt Nam xưa. Tranh dân gian Đông Hồ cho thấy những thói quen, tập tục, đời sống thẩm mỹ và tín ngưỡng Việt dường như là rất ít thay đổi trong khoảng 400 năm, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19.

Người ta thường nhắc đến dòng tranh dân gian Đông Hồ trước tiên trong bốn dòng tranh dân gian tiêu biểu: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng và Làng Sình, bởi có lẽ tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) ra đời sớm nhất và mang thẩm mỹ nguyên chất nông dân Việt. Điều đó ít nhất được xác định bởi tấm bia trong đình làng Đông Hồ có niên đại thế kỷ 17, và đặc biệt trên tấm bia có chạm khắc đôi chuột giã gạo rất gần gũi với hình vẽ trên bức tranh Đám cưới chuột nổi tiếng.

Dòng tranh dân gian Đông Hồ cũng có quan hệ với dòng in khắc gỗ bản Kinh ở chùa Bút Tháp cách đó không xa, và dòng khắc gỗ bản Kinh thực chất đã được lưu hành từ thế kỷ 15, khi Trạng nguyên Lương Nhữ Học học được nghề này từ Trung Hoa và truyền lại cho hai làng Hồng Lục và Liễu Chàng (Hải Hưng). Thẩm mỹ tạo hình đơn giản thô phác của tranh dân gian Đông Hồ cũng gần gũi với chạm khắc đình làng Tây Đằng (thế kỷ 16). Cho nên các nhà nghiên cứu cho rằng tranh dân gian Đông Hồ ít nhất có mặt từ thế kỷ 16.

Bản thân các bức tranh dân gian không đề niên đại và được lưu hành mẫu mã từ đời này sang đời khác, khi bản in hỏng, không thể in được thì người ta mới khắc lại, dường như không thay đổi mẫu mã cũ, tất nhiên có sự dịch chuyển nhất định. Một ván in tốt có thể dùng trong 50 năm - 200 năm mới cần làm lại, những ván in không thể in được nữa thực ra vẫn chưa hỏng, mà vì chúng quá no màu, chất lượng gỗ cũng không còn sắc nét, ổn định để có thể tiếp tục in. Hiện có nhiều ván in bản Kinh đã hơn 300 năm vẫn còn có thể in tốt.

Ở Đông Hồ hiện trong lưu trữ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế có vài ván in có tuổihơn 100 năm, đó là bộ tranh Chủ, trong lưu trữ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam có những ván in ít nhất từ đầu hòa bình tới nay, hoặc từ trong Kháng chiến chống Pháp. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Đại học Mỹ thuật Hà Nội cũng có những ván in có tuổi hơn 50 năm, do các nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm và Nguyễn Đăng Sần phục chế theo đúng lối cổ.


Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế trong ngôi nhà lưu trữ nhiều ván in có tuổi hơn 100 năm

Ở các quốc gia Đông Á, tranh dân gian được lưu hành phổ biến. Ở Trung Hoa là tranh Niên Họa (in vẽ hàng năm) với rất nhiều trường phái, ở Nhật Bản là tranh Ukiyoe có nghĩa là tranh Bình dân. Giữa tranh dân gian Việt Nam và tranh Niên họa, tranh Ukiyoe có nhiều quan hệ, nhất là đề tài chúc tụng hàng năm nhân năm hết Tết đến, tranh thờ với các tín ngưỡng dân gian và ảnh hưởng từ đạo Nho, Lão, Phật, tranh vẽ theo đề tài sân khấu truyền thống..., tuy nhiên cũng khác nhau rất nhiều về thẩm mỹ cũng như các chi tiết thuộc về phong tục tập quán và kỹ thuật in khắc chuyên biệt.

Tranh dân gian Đông Hồ có hai thể loại là tranh Thờ và tranh Chúc tụng. Tranh Thờ không định hướng rõ ràng cho một tôn giáo cụ thể mà chỉ là những tín ngưỡng bản địa dưới sự ảnh hưởng của Tam giáo (Nho, Lão, Phật). Ví dụ như bộ tranh Chủ với một bức chính vẽ ban thờ gia tiên, hai chữ Phúc - Thọ và hai câu đối: Tứ thời Xuân tại thủ/Ngũ phúc thọ vi tiên (Bốn mùa, Xuân bắt đầu/Năm phúc thọ trên hết). Những tranh khác như Tam tòa thánh mẫu, Tứ phủ công đồng, Ông Tơ bà Nguyệt... tính chất tôn giáo trong tranh dân gian không nặng nề, người nông dân Việt Nam vốn thờ tổ tiên trước hết và thờ tổ tiên chỉ là một tín ngưỡng trong phạm vi gia đình, nhằm giáo dục truyền thống đạo đức, uống nước nhớ nguồn, tổ tiên không trở thành thần tối cao nào cả.

Tranh Chúc tụng thể hiện mong ước của người nông dân sao cho con đàn cháu đống, gia súc sinh sôi, cây cỏ tươi tốt, cuộc sống an lành, may mắn... Tất cả những điều đó được hình tượng hóa một cách rất cụ thể và phồn thực: Em bé ôm con gà, con vịt, con cóc, con cá... Em bé là tượng trưng cho thế hệ tương lai, sự sống mới nảy sinh, và động vật chúng ôm theo chủ yếu là vật nuôi nhà nông cũng cần nhiều và khỏe mạnh như con người. Đám cưới chuột, Đánh ghen, Hứng dừa, Thầy đồ cóc... là những tranh chúc tụng mang ý nghĩa xã hội khác, hoặc đả kích sự tham nhũng, chế độ đa thê, quyền tự do luyến ái và sự học tầm chương trích cú, hoặc cười giễu những thói hư tật xấu trong xã hội.

Ước vọng của người nông dân còn được thể hiện trong các tranh Gà đàn, Gà đại cát, Lợn đàn, Lợn độc, Chăn trâu thổi sáo... tất cả đều là con vật thân quen với nhà nông, mang cái nhìn và mong ước gần gũi của người nông dân, đủ ăn đủ mặc, và rồi là dư thừa. Người nông dân Việt Nam xưa không có ước vọng quá xa xôi, cũng không có ý tưởng nghệ thuật lâu dài nào. Tranh dân gian mua vài trinh, dán lên cửa, lên vách đất, sau dịp Tết tự nó rách hay rơi xuống, năm sau lại mua cái khác, không luyến tiếc gì cả.

Tết nay, tranh Đông Hồ là một trong hai “đại sứ văn hoá” Việt Nam tại cuộc trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (cùng với áo dài). Sự kiện này tạo cảm hứng cho hoạ sĩ trẻ Bàng Nhất Linh tái hiện hai tác phẩm nổi tiếng của làng tranh Đông Hồ (Đám cưới chuột, Vinh hoa-Phú quý) lên chiếc xe máy Vespa LX125 đời mới bằng kỹ thuật sơn son thiếp vàng của làng nghề Kiêu Kỵ, tạo thành một phiên bản Vespa nghệ thuật độc đáo.

Người Trung Hoa phân rõ ba kỹ thuật khắc gỗ và in tranh: Thao sắc mộc khắc - khắc gỗ bản nét và bản in màu, Bút thái mộc khắc - in bằng bản nét đen, còn màu thì tô bằng bút, Hắc bạch mộc khắc - in nét đen trắng thuần túy. Ba kỹ thuật trên có thể thấy ở tranh dân gian Đông Hồ, với cả bản in nét và in màu, tranh dân gian Hàng Trống - in nét đen và tô màu bằng bút lông, và lối in khắc sách bản Kinh, in một bản chữ đen thuần túy.

Màu của tranh Đông Hồ hoàn toàn lấy từ nguyên liệu tự nhiên. Đỏ từ đá son, nước gỗ tầu vang, vàng từ hoa hòe, xanh từ gỉ đồng, chàm, nâu từ củ nâu, trắng từ vỏ điệp nung tồn tính, đen từ tro lá tre. Giấy dó mua từ Bưởi (Hà Nội) hay làng Đống Cao (Bắc Ninh) khổ hẹp, chỉ chừng 30 - 35 cm, nhưng có thể dài đến 65 cm, gấp hai hoặc gấp ba (gọi là phá đôi, phá ba) rọc ra in tranh khổ nhỏ. Trước khi in thì quét lên nền điệp màu trắng hoặc vàng tùy theo. Nét đen xác định bố cục tranh, nhưng màu sắc có thể thay đổi, tùy theo cách in, không nhất thiết giữ nguyên.

Hàng năm, từ tháng 11, 12 Âm lịch, người Đông Hồ đã đem tranh xuống thuyền theo các dòng sông, đi bán khắp các phiên chợ trong cả nước (Đàng Ngoài - miền Bắc). Nếu 30 Tết mà vẫn chưa bán được hết tranh, thì những chàng trai Đông Hồ còn phải đứng ngoài đường chịu rét, cho nên người ta có câu: Con gái đừng gả cho anh hàng tờ/ Ngày ba mươi Tết vẫn phất phơ ngoài đường. Anh hàng tờ ở đây chính là anh bán tranh dân gian Đông Hồ.

Người mua tranh cũng đều là nông dân và cách mua tranh cũng không hẳn để treo cho đẹp. Nếu trâu bò lợn gà ốm đau, hoặc không béo khỏe, người ta có thể mua tranh lợn gà trâu dán vào cửa chuồng của chúng, mua tranh cho trẻ con chơi như chơi đồ chơi, một cách mừng tuổi và rồi mới là mua tranh dán lên cửa, lên vách nhà. Tranh dân gian là tinh thần đời sống của nhân dân, nó không phải là thứ nghệ thuật cao siêu bác học mà chỉ là món quà tinh thần nhỏ bé của người lao động. Nó giống như ca dao dân ca, hò vè khi rỗi khi buồn thì cất lên cho vui cho khuây và hiểu cuộc sống hơn, hiểu cái tất yếu mà con người đều phải trải qua.

(*) Thơ Hoàng Cầm

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm