14/03/2012 11:49 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Trong chuyến đi Hà Giang tặng quà các gia đình nghèo và trẻ em khó khăn ở xã Tân Quang (huyện Bắc Quang) như đã hứa nhân dịp tổ chức Đáo Xuân 7, nghệ sĩ Đào Anh Khánh và những người bạn đã được người dân địa phương đưa đến thăm một người… tận khổ. Đó là anh Nguyễn Hữu Quyết, người ở xã Tân Quang, năm nay 36 tuổi nhưng tứ chi bị liệt, nằm vặn vỏ đỗ một chỗ suốt 36 năm.
Số là, sau chương trình Đáo Xuân 7, nghệ sĩ Đào Anh Khánh và những người bạn thu được 34 triệu đồng. Anh và những người bạn quyết định dùng số tiền này mua gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết khác, cùng bạn bè thân chinh lái xe lên Tân Quang phát cho bà con nghèo nơi đây trong 2 hôm 9-10/3 vừa qua.
Cùng đi với Đào Anh Khánh còn có nghệ sĩ Đặng Trung, Phương Vũ Mạnh, Quách Đông Phương, nhạc sĩ Trí Minh và đặc biệt là ca sĩ Thanh Lam. Chứng kiến cuộc sống của anh Nguyễn Hữu Quyết, các nghệ sĩ trong đoàn trước là thấy rùng mình sợ hãi, sau là thấy xót xa, thương cảm cho số phận một con người…
Bị liệt từ bé
Nguyễn Hữu Quyết quê gốc ở Vũ Thư, Thái Bình. Sinh ra được hai tháng tuổi thì bị xuất huyết não, nhưng vì gia đình không có tiền cho Quyết đi viện nên bệnh biến chứng, làm tứ chi Quyết bại liệt.
Nhiều người khuyên gia đình mang Quyết đi viện chữa trị nhưng “khi đó, cơm không có mà ăn thì lấy tiền đâu cho con đi viện? Nên đành ngậm đắng nuốt cay nhìn con héo hon, chết dần, chết mòn”, bà Trịnh Thị Nhung, mẹ Quyết sụt sùi kể.
Năm 1986, gia đình bà Nhung dắt díu nhau lên Tân Quang khai hoang. Công việc chính của cả gia đình khi chuyển lên vùng đất mới là vun gốc, bốc trà thuê kiếm ăn từng bữa. Chồng bà già yếu, không làm được gì ra tiền nên gánh nặng gia đình và công việc chăm sóc Quyết chất lên vai bà, anh con cả và người con trai út. Đến năm 2006, con trai cả cũng vì bệnh tật mà qua đời, khó khăn càng thêm chồng chất. Bản thân bà Nhung, mắt càng ngày càng mờ, chân càng ngày càng chậm, đi lại khó khăn nên từ dăm năm nay, hầu như bà chỉ ở nhà, trông nom nhà cửa và giúp Quyết ăn uống, vệ sinh cá nhân. Anh con út, sau khi lấy vợ, 3 năm sinh hạ được hai con nhỏ, nên vợ anh cũng như người bị trói chân, buộc tay ở nhà với những công việc như cơm nước, lợn gà, chăm con, phụ mẹ, giúp anh thay chồng.
“Ruộng nhà không có vì đất ở đây lẫn toàn đá. Gia đình tôi chủ yếu sống bằng “đồng đóng, đồng góp” của hàng xóm láng giềng, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Trồng được mấy gốc chè, chưa nhú ngọn đã ăn trụi gốc thì lấy tiền đâu mà chữa trị cho nó” - bà Nhung kể tiếp.
Bà Trịnh Thị Nhung và chiếc “lều” của Quyết
Tận mục “lều ở” của Quyết
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn vào thăm Quyết thì bà Nhung chỉ biết đứng ôm cột sụt sùi, chỉ tay ra trái nhà bảo đi qua bể nước sẽ gặp “nhà” Quyết đang ở. Theo lời bà Nhung, nghệ sĩ Đào Anh Khánh dẫn đầu đoàn ra phía trái nhà. Cả đoàn dừng lại bên bể nước mưa ngó quanh, ai cũng lấy làm thắc mắc vì sau nhà chẳng còn nhà ai ngoài núi đồi, vườn bãi mênh mông cỏ dại. Bỗng ai đó trong đoàn hốt hoảng: “Ôi giời ơi. Đây…. Trời ơi”
Cả đoàn rón rén tiến đến “căn nhà sàn” lợp bằng vài tấm fibrô xi măng ngay sau ống khói nhà bếp. Gọi là nhà nhưng thực ra nó hơi giống chuồng nuôi bồ câu, chừng vài m2, sàn lót gỗ tạp tạo khe hở để dễ bề cho Quyết đại tiện. “Lều” của Quyết ba bề, bốn bên được thưng bằng những mảnh sọc dưa hoặc vỏ bao xi măng.
Quyết nằm trần trên sàn, tay chân cong queo như bốn que củi khô. Mắt phải Quyết mở trừng, còn mắt trái hấp háy như một người trong tối lâu ngày thấy ánh mặt trời. Mặt và vai chi chít các nốt đỏ vì bị muỗi rừng cắn. Bà Nhung bảo “hình như” Quyết vẫn còn tỉnh táo nhưng không tài nào nói được. Bằng chứng là khi bà giới thiệu chúng tôi với Quyết, khuôn mặt anh động đậy, khóe mép khẽ nhếch lên nhưng được mấy giây, dường như không thể cố được nữa, Quyết lại gục mặt xuống.
Chứng kiến nỗi tận khổ của Quyết, nghệ sĩ Đào Anh Khánh xúc động: “Tôi không thể đọc lên thành lời cảm giác của tôi khi đối diện với con người này. Những gì tôi nhìn thấy nó như nhập vào cơ thể tôi, làm tôi run lên. Tôi không nghĩ được gì và thậm chí tôi đã phải rất dũng cảm mới có thể nhìn vào Quyết. Đây có phải là cuộc sống của một con người không?”
Sẽ gửi vào trung tâm chăm sóc người tâm thần
Nhìn Quyết co quắp, trần trụi, cái đầu cua trọc nham nhở cứ ngúc nga, ngúc ngắc trong chiếc chăn mỏng, nhiều người xót xa ôm mặt không dám nhìn, nhưng cũng không ít người đã “chất vấn” bà Nhung với những câu hỏi như: Tại sao trong khi thời tiết đang mùa sương giá, nơi cho Quyết nằm muỗi vắt nhiều như trấu vãi mà gia đình nỡ để? Đêm hôm, mưa gió, nhỡ Quyết trườn ra ngoài, rơi xuống, không dập mặt, gãy cổ chết thì cũng chết vì giá rét, người nhà không tính đến sao?
Bà Nhung trần tình: “Xin hãy hiểu cho tôi, hiểu cho thằng út và vợ nó. Chúng tôi không phải vì ghét bỏ cháu để rồi đẩy nó ra nằm ở góc vườn này. Quần áo mặc cho, nó xé hết. Nằm giường trong nhà, cháu đại tiện đến không còn một manh chiếu để nằm, mảnh chăn thơm tho để đắp. Thằng con út nhà tôi đưa anh nó ra đây mới được hai tháng và cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Nó đang cố kiếm ít tiền, đóng cho anh cái giường, nó nói thiết kế cả lỗ đại tiện cho anh. Còn đưa anh ra đây, hằng đêm, vợ chồng cháu vẫn thay nhau đảo ra thăm chứ không phải bỏ bê gì”.
Được biết, hằng tháng gia đình bà Nhung nhận được 400 ngàn đồng tiền trợ cấp cho trường hợp của Quyết. “Nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, các bác ạ!” – bà Nhung nói.
Đại diện chính quyền xã Tân Quang trao đổi với TT&VH: “Việc gia đình bà Nhung đưa Quyết ra vườn ở, dù là việc do gia đình tự quyết định, nhưng xã sẽ động viên gia đình nhanh chóng đưa Quyết vào nhà, tránh cho Quyết gặp phải những tai nạn, bệnh tật khác không đáng có. Xã cũng sẽ làm hồ sơ về trường hợp của Quyết gửi đi một số trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần. Chúng tôi hy vọng Quyết sẽ được tiếp nhận, được điều trị và được chăm sóc trong một môi trường tốt hơn”.
Phạm Nguyễn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất