Nghệ sĩ Nguyễn Như Ý (Ý 'điên'): 'Đời ta tỉnh khi vẫn say vì tình, vì nghệ thuật'

07/11/2018 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hội tụ cả tài năng lẫn tình yêu với nghệ thuật và mang một cái tên mỹ miều - Nguyễn Như Ý, vậy mà cuộc đời của người nghệ sĩ ấy lại trải qua biết bao bất hạnh, sóng gió. Không đầu hàng với số phận, Ý "điên" vẫn say mê sáng tác và gửi gắm những khát khao hạnh phúc, những mảnh vỡ ký ức vào cái hồn của tác phẩm...

Đến tìm gặp Ý vào một buổi trưa cuối Hè, không gian yên tĩnh, đôi lúc vang lên tiếng đục tiếng đẽo; chẳng phải ai khác ngoài Ý đang tỉ mỉ, chăm chút cho từng tác phẩm nghệ thuật của mình.

Tài năng thiên bẩm

Nguyễn Như Ý hay mọi người còn gọi với cái tên thân thuộc Ý "điên”, sở dĩ người ta gọi như vậy là bởi “cái điên nghệ sĩ” trong sáng tác, là cuộc sống không bình thường và cả những giai thoại về cuộc đời Như Ý.

Nguyễn Như Ý sinh năm 1970 trong một gia đình có sáu anh chị em, bố là y sĩ, mẹ là nông dân. Ngay từ khi mới lên sáu, Như Ý đã bộc lộ tài năng thiên bẩm với nghệ thuật hội họa. Gia đình ngày đó cũng có điều kiện nên cho cậu con trai theo học mỹ thuật từ nhỏ.

Chú thích ảnh
 “Giờ có vẽ tranh, khắc tượng làm niềm vui cuộc sống rồi cần thêm mái ấm gia đình nữa là Ý đủ hạnh phúc cả đời…” (Nguyễn Như Ý)

Ý học giỏi lại tài hoa nên thường giành được học bổng. Sau này, Nguyễn Như Ý đỗ và theo học ngành Điêu khắc của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cùng với nhiều tên tuổi khác đã thành danh và nổi tiếng như Đinh Thị Thắm Poong.

Từ ngày còn là sinh viên, Ý đã nổi tiếng khắp trường, khắp giới mỹ thuật bởi nhiều tác phẩm sáng tạo không lẫn vào đâu. Những tác phẩm có nét trong veo của con người bộc trực không toan tính, có nét đôn hậu của người tâm thiện, một chút điên loạn của người mang tâm thức không ổn định và cả sự ung dung tự tại của gã đàn ông không màng đến sự đời, không bận tâm nhiều đến tương lai.

Tất cả được đôi bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ ấy điều khiển tạo thành bức tượng, bức tranh mang đầy sức sống nguyên khai giữa một cuộc đời phức tạp, xô bồ.

Các bức tượng của Ý xuất hiện với những gương mặt người, những số phận, những suy tư đọng trong ký ức. Ý tuyệt nhiên không thích mài giũa mà chỉ thích dùng lưỡi đục và chạm khắc một cách thô nhám, mộc mạc, hiếm khi trau chuốt một cách hoàn chỉnh.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của Nguyễn Như Ý

Cũng bởi vậy mà Ý được mọi người nhớ tới, yêu quý và mến mộ. Nguyễn Như Ý đã từng có lời mời sang nước ngoài làm việc, được các cá nhân trong và ngoài nước thuê vẽ tranh, khắc tượng và tổ chức cho một vài triển lãm thực hiện theo lối cóp nhặt do các nhà sưu tập đóng góp tác phẩm.

Tuy nhiên, phải đến triển lãm Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội) tranh và tượng của “Ý điên” mới có nhiều người biết đến. Triển lãm trưng bày một phần nhỏ trong số những tác phẩm đã sáng tác của Ý bao gồm hơn 70 tranh, tượng, nhật ký sinh viên của Nguyễn Như Ý lấy từ bộ sưu tập cá nhân của Phạm Đức Sỹ, Bàng Nguyên Hương và Gallery Cọ Xanh...

Tên là Như Ý- cuộc đời có như ý?

Trái ngược với cái tên mà cha mẹ đặt cho từ thuở mới lọt lòng, cuộc đời của Ý lại chứa đầy bi kịch. Bi kịch gia đình có lẽ chính là thứ ám ảnh Ý nhiều nhất. Đó là những mối tình đầy ngang trái từng đi qua cuộc đời người nghệ sĩ ấy.

Ý từng có người phụ nữ của mình, đã có mong muốn hạnh phúc cho đến cuối đời; thế nhưng cô ấy đãbỏ đi... Đau khổ, day dứt. Ngày ngày đắm chìm trong men rượu.

Nhiều lúc người dân trong làng bắt gặp cảnh Ý say, hay cảnh Ý ngủ vật vờ ngoài đường. Ý nói rất nhiều, lúc bất chợt khóc, lúc lại cười rồi hát. Đôi mắt Ý thấm đượm nỗi buồn và luôn nhìn về một hướng xa xăm nào đó, mọi người thấy vậy lâu cũng thành quen.

Bi kịch ập đến tưởng chừng như vậy đã là quá đủ, thì bất ngờ một tai nạn giao thông xảy ra. Như Ý mất một chân và phải chấm dứt quãng đời phiêu bạt nay đây mai đó. Nhưng cũng chính từ đây, người nghệ sĩ ấy một lần nữa chạm tay vào nghệ thuật.

Chú thích ảnh

Mất một chân đưa Ý “điên” đến với nghệ thuật gần hơn bao giờ hết. Hàng ngày, với một bên chân lành lặn, Như Ý nhảy lò cò khắp nơi để đi lại, sáng tác. Cuộc đời bất như ý là thế, nhưng những tác phẩm nghệ thuật của người nghệ sĩ “điên” luôn tươi sáng và chứa đầy khát vọng. Đôi bàn tay to bè, sạm đen vì cháy nắng vẫn ngày ngày miệt mài biến mấy thứ cứng như gỗ đá thành nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Thương cậu em trai cô độc với cuộc đời lắm đau thương, anh trai Ý đã khuyên em về sống cùng anh chị. Sống trong nhà anh, Ý “điên” cũng có hẳn một gian nhà để vẽ tranh, để ngủ. Chật hẹp, bừa bộn và nham nhở nhưng đủ để người nghệ sĩ đơn độc ấy có chỗ ngủ và sáng tác nghệ thuật.

Khắp căn phòng của Ý “điên” là các mảng màu la liệt, những mảnh vụn gỗ chưa kịp quét. Tuy không khang trang, gọn gàng như người khác nhưng Ý “điên” bảo: “Vậy mới đúng chất nghệ sĩ”.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, Ý dùng nửa ngày để đi bắt cá khắp các cánh đồng, dùng một phần số tiền bán con cá, con cua bắt được để mua màu vẽ, gỗ, vải. Số còn lại Ý dùng mua rượu uống. Nửa ngày còn lại là vẽ tranh, khắc tượng; những tác phẩm được xếp la liệt cả trong phòng lẫn ngoài sân.

Câu nói khi đó của Ý “điên” khiến chúng tôi không khỏi suy ngẫm: “Mọi người gọi tôi là Chí Phèo, thế nhưng tôi còn chẳng bằng Chí Phèo. Bởi Chí Phèo còn có Thị Nở, nhưng tôi... tôi chẳng có ai...”.

Gã điên “say” nghệ thuật

Nếu nói căn bệnh “điên” là một bất hạnh của cuộc đời Ý thì đối với nghệ thuật dường như nó lại giúp cho các tác phẩm của người nghệ sĩ trở nên có hồn và thu hút hơn.

Trong chính suy nghĩ của người nghệ sĩ cô độc ấy, chỉ có sáng tác nghệ thuật mới là niềm vui; còn thứ vật chất mà nghệ thuật mang lại chỉ như cơn gió, đến và đi rất nhanh.

 Triển lãm 'Điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội': Chuyên nghiệp

Triển lãm 'Điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội': Chuyên nghiệp

Vào lúc 9h ngày 28/11 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, Q.3) đã khai mạc triển lãm Điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội với sự tham dự của 18 tác giả và 28 tác phẩm.

Khi hỏi đùa rằng tại sao lại lấy hình ảnh người phụ nữ và trẻ em làm đối tượng cho tác phẩm của mình thì câu trả lời của người nghệ sĩ đó khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.

Ý nói: “Nếu không có phụ nữ, không có trẻ em thì coi như mọi việc trên đời đều là con số không. Một gia đình hạnh phúc chắc chắn không thể thiếu hình ảnh người phụ nữ, một gia đình vui vẻ chẳng thể thiếu tiếng cười của thiếu nhi. Ý mà! Ý yêu những người phụ nữ Việt Nam hiền thục. Chỉ mong rằng tất cả phụ nữ trên đất nước này sẽ được hạnh phúc mãi mãi”.

Có lẽ thiếu đi bóng dáng của một người phụ nữ nên tình yêu của Ý với họ mãnh liệt đến như vậy.

“Điên” nhưng hạnh phúc

Trên chiếc xe đạp cà tàng cũ kỹ còn sót lại của thập kỷ trước, đi kèm theo một chiếc xô nhỏ, một đôi tất không lành lặn, Như Ý băng qua con đường làng để ra đồng bắt cá. Nếu mọi người nói Ý “điên” đang tự hành hạ, làm khổ cái thân thì đối với Ý đó lại là niềm vui, bắt cá để có cái ăn, để phụ giúp chị dâu cực khổ nuôi mình.

Chẳng biết cuộc đời của Như Ý phía trước liệu có được như ý hay không. Tuổi đã dần lớn, sức khỏe cũng dần yếu đi… nhưng ánh mắt, nụ cười luôn tràn ngập hạnh phúc ấy, ám ảnh đến tận sâu thẳm.

Ngọc Huyền - Trần Mai

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm