Bà chúa thơ Nôm lên sân khấu cải lương

22/05/2010 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Tối nay 22/5, vở cải lương Bà chúa thơ Nôm (tác giả: Linh Huyền, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) sẽ ra mắt khán giả mộ điệu cải lương tại Nhà hát TP.HCM. Đây là lần đầu tiên hình tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương được đưa lên sân khấu cải lương. Và cũng lần đầu tiên, người đảm nhận vai chính trong một vở cải lương miền Nam lại không xuất thân từ cái nôi cải lương Nam Bộ mà là “ngôi sao cải lương đất Bắc”: NSƯT Thanh Thanh Hiền.

“Bà bầu” Linh Huyền đã chia sẻ với TT&VH Cuối tuần về “đứa con tinh thần” này của mình cũng như những kế hoạch dài hơi cho sân khấu cải lương.


Nghệ sĩ Linh Huyền - “bà bầu” của vở cải lương Bà chúa thơ Nôm
* 400 triệu đồng đầu tư cho một vở cải lương trong thời điểm hiện nay dường như là một mạo hiểm lớn?

- Nếu nói đến chuyện lời lỗ thì chỉ có thể lỗ về mặt kinh tế mà thôi, chứ còn nghệ thuật và tinh thần thì không. Kinh tế không phải là thước đo giá trị nghệ thuật. Làm vở này, tôi xác định là không phải để kiếm tiền, thời buổi này muốn tính chuyện kinh doanh thì ai dại gì đầu tư vào cải lương, mà trước hết nhằm thỏa mãn những ước mơ riêng của cá nhân. Cho dù có thất bại (về doanh thu) thì tôi cũng không còn phải băn khoăn, trăn trở nữa vì đã làm được điều mình hằng ấp ủ. Là một nghệ sĩ, một tác giả gắn bó với cải lương suốt 22 năm, chứng kiến nhiều nỗi thăng trầm của cải lương, tôi mong muốn tạo được một sân khấu cải lương đúng nghĩa mà khán giả có thể mỗi tháng một lần thôi, tìm được vẻ đẹp thực sự của cải lương như những ngày xưa. Cùng với chèo, ca trù, nhạc cung đình Huế…, cải lương là loại hình nghệ thuật dân tộc mà người Việt Nam ta phải tự hào, phải tìm mọi cách giới thiệu với bạn bè quốc tế. Sau suất ra mắt vào 22/5, Bà chúa thơ Nôm sẽ tiếp tục diễn định kỳ hàng tháng ở Nhà hát TP.HCM để bạn bè quốc tế có thể biết được “Vietnamese opera” hay, đẹp, quyến rũ như thế nào.

* Trước đây, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã từng có đề án sân khấu du lịch đưa cải lương phục vụ du khách quốc tế nhưng chưa kịp triển khai đã phải gác lại. Nỗ lực của cá nhân chị liệu có thành công?

- Tôi được sự ủng hộ rất nhiều của anh chị em nghệ sĩ, đặc biệt là có sự hợp tác hỗ trợ của công ty Saigon Media. Lại có nhiều thuận lợi với kịch bản này đó là việc nhiều tác phẩm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được Giáo sư John Balaban (Đại học North California) dịch sang tiếng Anh trong tập thơ Spring Essence, khách quốc tế có thể sẽ biết đến bà, thậm chí đã từng đọc thơ bà. Chúng tôi sẽ có những bảng quảng cáo giới thiệu vở diễn bằng tiếng Anh trước Nhà hát TP.HCM, cũng sẽ có những tờ chương trình bằng tiếng Anh giới thiệu về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, về nội dung, tinh thần vở diễn, cũng như có cả MC giới thiệu vở diễn bằng tiếng Anh trước mỗi suất hát. Đã nhiều lần biểu diễn cho khán giả nước ngoài xem, tôi thấy họ tỏ ra rất hào hứng với làn điệu cải lương. Tôi tin nếu làm nghiêm túc, làm đúng cách sẽ thu hút được du khách quốc tế đến với cải lương.


Thanh Thanh Huyền (trái) sẽ vào vai nữ sĩ Hồ Xuân Hương
* Tại sao chị không chọn rạp Hưng Đạo - “địa chỉ đỏ” của sân khấu cải lương?

- Tôi muốn khán giả và người nghệ sĩ phải được tôn trọng tuyệt đối với một khán phòng, một sân khấu sang trọng, một không khí thưởng thức nghệ thuật nghiêm túc. Hơn nữa rạp Hưng Đạo đã có quyết định xây mới vào tháng Sáu tới.

* Trở lại với vở diễn, tại sao chị lại chọn NSƯT Thanh Thanh Hiền, một cô đào miền Bắc, chứ không phải là một nghệ sĩ miền Nam để vào vai chính của Bà chúa thơ Nôm. Cùng với thắng lợi của cải lương Bắc tại hội diễn vừa rồi, phải chăng sân khấu cải lương đang chảy ngược dòng?

- Trong những năm qua, có một thực tế đáng buồn là trong khi sân khấu cải lương miền Bắc đang tiến bộ rõ rệt thì cái nôi cải lương Nam Bộ lại chững lại. Nghệ sĩ miền Bắc biết hạn chế của mình là không thể nào ca hay được như nghệ sĩ miền Nam chính gốc nên họ luôn cố gắng rèn luyện để hoàn thiện mình. Sự nghiêm túc trên sân khấu, tập tành rất máu lửa của những nghệ sĩ miền Bắc làm tôi rất phục. Còn nghệ sĩ miền Nam thì từ nhiều năm qua có một bộ phận nghệ sĩ cứ nghĩ mình đã giỏi rồi, không cần học hỏi, trau dồi nữa, cũng không còn nghiêm túc và giữ lửa nghề nữa. Rõ ràng việc cải lương Bắc “vượt mặt” cải lương Nam trong hội diễn qua là có quá trình và hoàn toàn do bản thân người làm nghề.

Tuy nhiên nếu nói rằng tôi chọn Thanh Thanh Hiền là vì sự “chuyển dòng” của sân khấu cải lương là không phải. Chỉ đơn giản là khi đặt bút viết vai Hồ Xuân Hương là tôi đã “đo ni đóng giày” cho Thanh Thanh Hiền, một nghệ sĩ đa năng có thể hát được cải lương, chèo, ca trù, hát xẩm…, các làn điệu dân tộc mà tôi vận dụng trong vở diễn. Hơn nữa, Hồ Xuân Hương là một phụ nữ Bắc Bộ. Tôi muốn những nét thanh lịch, duyên dáng của người con gái xứ Bắc, sự tinh tế từ dáng đi, tướng đứng, đến những hiểu biết về dân ca, những làn điệu Bắc Bộ phải được thể hiện thật nhuần nhuyễn, thật rõ trên sân khấu. Hiện nay, ngoài Thanh Thanh Hiền ra thì cũng không ai thể hiện được một Hồ Xuân Hương với nhiều đòi hỏi vậy. Nếu là nhiều năm trước thì có lẽ đã khác, NSƯT Ngọc Giàu là một lựa chọn thích hợp khi là một giọng ca hiếm có và có khả năng thể hiện điêu luyện nhiều làn điệu âm nhạc dân tộc.

* Ngoài việc Hồ Xuân Hương sẽ ca cải lương, sẽ hát chèo, ca trù… thì nữ sĩ sẽ hiện lên như thế nào?

- Một Hồ Xuân Hương quá tài năng và can đảm, một người phụ nữ dám sống với chính mình, một Hồ Xuân Hương “bất cần” trong một xã hội đè nén phụ nữ và đó chính là bi kịch của bà. Nhà thơ, nhà văn luôn đứng về những người bất hạnh nhưng bản thân họ lại luôn rất bất hạnh và rất cô đơn huống chi Hồ Xuân Hương, một người phụ nữ có tư tưởng “nổi loạn” sống cách ta cả mấy trăm năm, thì thử hỏi bà còn cô đơn đến cỡ nào. Dựa trên những điều ghi chép trong sử sách cùng những mẩu chuyện, những giai thoại về cuộc đời người kỳ nữ, kết hợp với những hư cấu tôi hy vọng giúp khán giả khám phá được phần nào con người Hồ Xuân Hương, tài hoa, bản lĩnh, dữ dội, khao khát được sống, được yêu dù số phận hẩm hiu, long đong duyên phận.

Và tôi rất chú trọng đến lời ca của vở diễn sao cho thật giàu chất văn học. Qua những lời thoại, lời ca là khán giả có thể nhận thấy được tính cách của nhân vật.

* Bà chúa thơ Nôm không phải là kịch mục duy nhất cho chương trình hàng tháng của chị tại Nhà hát TP.HCM?

- Chừng nào còn đủ sức viết là tôi còn đưa nhiều hình tượng người phụ nữ Việt Nam lên sân khấu. Trước Bà chúa thơ Nôm, tôi đã có vở cải lương truyền hình Sương Nguyệt Ánh, nhà báo nữ đầu tiên, và đã đạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu truyền hình toàn quốc 2009. Dĩ nhiên với một người phụ nữ Nam Bộ như Sương Nguyệt Ánh thì tôi không cần dùng tới ca trù, chèo, xẩm… rồi mà chú ý đến những làn điệu xuất xứ từ Bến Tre. Phương châm của tôi là tôn trọng xuất thân của nhân vật, nhân vật đến từ địa danh nào thì sẽ cố gắng phát huy những giá trị truyền thống của địa phương đó.

* Xin cám ơn chị và hy vọng chúng ta sẽ có những trao đổi cụ thể hơn khi vở diễn chính thức ra mắt.

Ra mắt Bà chúa thơ Nôm xem như là dự án thứ hai cho sân khấu cải lương của nghệ sĩ Linh Huyền. Trong năm 2009, Linh Huyền thành lập công ty Mekong Artists tổ chức lớp dạy ca và vũ đạo cải lương đã thu hút được nhiều người yêu mến nghệ thuật dân tộc theo học, trong đó có Leon Quang Lê, chàng diễn viên Việt trên sân khấu Broadway hiện đang về nước đóng phim. Vở cải lương Bà chúa thơ Nôm có sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Thanh Thanh Hiền (Hồ Xuân Hương), Phượng Loan (Đoàn Thị Điểm), Tuấn Thanh (Chiêu Hổ), Diệu Đức (mẹ Hồ Xuân Hương), nghệ sĩ Tô Châu (phủ Vĩnh Tường), Trương Hoàng Long (Hồ Phi Diễn)… Đặc biệt, dàn nhạc sẽ thuần dân tộc, không sử dụng nhạc cụ điện tử.

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm