Leon Quang Lê: Từ giấc mơ cải lương đến sân khấu Broadway

16/11/2009 08:59 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Leon Quang Lê tuy xa lạ với công chúng Việt Nam nhưng đã quá quen thuộc với giới làm sân khấu, phim ảnh ở TP.HCM. Sắp tới đây, anh sẽ xuất hiện trong hai bộ phim nhựa: Những nụ hôn rực rỡ (BHD sản xuất, ĐD Nguyễn Quang Dũng) và Để mai tính (Chánh Phương sản xuất, ĐD Charlie Nguyễn). Thế nhưng, câu chuyện đau đáu của Quang Lê vẫn là sân khấu.

Cải lương - giấc mơ không dang dở

* Một nghệ sĩ có tiếng trong làng sân khấu TP.HCM khi kể về anh kèm theo “chú thích”: “thằng đó mê cải lương lắm!”. Trông anh hiện đại thế này, lại là diễn viên sân khấu nhạc kịch Broadway mà lại mê cải lương à?

- Hồi nhỏ, còn ở Việt Nam, nhà tôi ở cạnh rạp cải lương Minh Châu, và cải lương ăn vào máu thịt tôi một cách rất tự nhiên. 5, 6 tuổi, cứ thấy cái gì cao cao là tôi leo lên giả như đó là sân khấu để múa, để hát. Tôi đặc biệt thích những thứ có liên quan đến âm nhạc, có quần quần áo áo, có diễn xuất - nghĩa là tôi không thích kịch nói và không muốn làm ca sĩ, chỉ mong sẽ trở thành kép hát bội, cải lương. Không may là ba mẹ tôi không ủng hộ ý thích đó, họ đã từng nói “cho Quang đi Mỹ nhanh nhanh đi không nó thành kép hát đến nơi rồi!”. 13 tuổi tôi rời Việt Nam, mang theo giấc mơ của đời mình cùng một thùng lớn toàn băng video, cassette cải lương. Và tôi cũng ý thức được rằng giấc mộng với cải lương sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Nhưng ngay cả khi đã vào học nhạc kịch, tôi vẫn nghe cải lương, tôi số hóa những băng đĩa mà tôi mang theo cho vào iPod để nghe những lúc đi làm thêm. Tôi dần dần không nghe nữa chỉ vì băng đĩa cải lương rất khó kiếm ở Mỹ, những sản phẩm tôi kiếm được thì không còn sự hấp dẫn vốn có của cải lương chính gốc nữa, và một phần cũng vì tôi đang hội nhập với một nền văn hóa mới, ở đó không có cải lương. Nhưng tình yêu với cải lương của tôi thì vẫn còn.


Ảnh: TL

* Tôi được biết lần trở về Việt Nam đầu tiên, anh đã “nhăm nhe” dựng một vở cải lương...

- Đúng vậy, ba năm trước. Tôi về Việt Nam đi du lịch “bụi” khắp cả nước và đã vào Nhà hát Thành phố xem một vở cải lương sau nhiều năm không xem, không nghe. Sau đó, tôi đã gặp một số người có tiếng trong làng cải lương bày tỏ nguyện vọng muốn làm một vở cải lương. Và câu đầu tiên họ hỏi tôi là: “Có bao nhiêu tiền mà muốn làm cải lương?” Dù lúc đó tôi nói tiếng Việt chưa giỏi bằng bây giờ nhưng tôi cũng hiểu rằng sẽ khó làm đây. Rồi tôi để ý thấy có những người mà tên của họ xuất hiện ở tất cả các vở diễn lớn nhỏ trong thành phố, tôi đã rất thắc mắc tại sao lại có người tài năng đến vậy, sức sáng tạo dồi dào đến vậy. Ở lại Việt Nam một thời gian, tôi đã hiểu tại sao.

* Tại sao, thưa anh?

- Tôi giữ cho riêng tôi. Chỉ biết là khó khăn thì phải cố gắng chứ nếu dễ thì người khác cũng làm được. Ví như đi liên hoan mà có huy chương là quý nhưng có khi mà tổng số huy chương lên tới gần 100 cái thì “độ” quý cũng giảm đáng kể. (Cười).

* Nhưng gần sáu tháng qua, anh ở Việt Nam là để đóng phim chứ đâu phải làm cải lương?

- Tôi không bao giờ bỏ ý định đó, chỉ là hiện tại tôi đang bị phân tâm.

* Vậy sau nhiều năm xa cách, anh thấy cải lương bây giờ thế nào?

- Giờ xem cải lương, tôi hoang mang tột độ. Không biết do cải lương thay đổi, do ngày xưa tôi còn quá nhỏ nên nhìn mọi thứ đều thấy lớn lao, lộng lẫy hay do bây giờ tôi đã có đủ lý luận để nhìn ra lỗi lầm của nó... Nhưng có điều không hay là, khi lý giải sự dở, tồi của chất lượng nghệ thuật, ai cũng nói rằng vì tiền, kinh phí thấp, khán giả không mua vé nên không dám đầu tư hay khán giả bình dân lắm, đầu tư nhiều sợ họ không bỏ tiền xem v.v... Cứ đúng một vòng tròn rượt nhau, người này đổ lỗi cho người kia.

* Còn anh, với con mắt của người ngoài cuộc, anh thấy đó là lỗi của ai?

- Tôi không dám quy là lỗi tại ai vì nếu nói thế thì mình cũng thành người đổ lỗi, chẳng được lợi ích gì. Tôi chỉ nghĩ đến cách cứu nó thôi.

* Cách gì, thưa anh?

- Đầu tiên, theo tôi là phải đưa cải lương vào văn hóa học đường. Cải lương cũng như những môn nghệ thuật dân tộc khác, nếu muốn bảo tồn, lưu giữ và phát triển thì phải khiến cho người dân biết giá trị của nó. Người ta chỉ quý món đồ nào đó khi người ta hiểu và yêu nó. Chỉ có kiến thức về nó mới cứu vớt được chính nó. Đi qua rạp Hưng Đạo, tôi thấy cái rạp này như một người nghệ sĩ già từng một thời làm mưa làm gió mà giờ đang nằm lây lất chờ chết trong sự thờ ơ của những người xung quanh.

Đường đến Broadway

* Anh là một trong số hiếm các nghệ sĩ châu Á trên sâu khấu Broadway, xin anh chia sẻ con đường đưa anh đến với sân khấu này?

- Dở dang với cải lương nhưng tình yêu với nghệ thuật biểu diễn trong tôi quá lớn, khi biết đến một loại hình nghệ thuật mới mẻ và khá hấp dẫn, phù hợp với sở thích của mình như nhạc kịch Broadway, đúng là tôi bắt được vàng. 14 tuổi, học trung học, tôi đã đến làm những việc như chùi toilet, cọ sàn nhà, quét mạng nhện... ở studio dạy nhảy múa để đổi lấy những khóa học. Một ngày tôi học 3, 4 lớp. 18 tuổi, tôi rời gia đình với cuộc sống ổn định ở Cali đến New York và có học bổng ở hai trường (Step on Broadway và Broadway Dance Center). Nhưng tôi không phải trường hợp cá biệt, có rất nhiều trẻ con ở khắp nơi trên thế giới đổ về New York học như vậy. Năm 21 tuổi, tôi được tham gia vở diễn đầu tiên ở Broadway (The King and I).


Leon Quang Lê (đứng thứ ba, bên phải) trong vở diễn Chicago

* Một vai quần chúng?

- Đại loại như thế. Nhưng không phải như cách hiểu về vai quần chúng của sân khấu Việt Nam đâu nhé. Để vào được vai này bạn phải biết đủ ba việc: ca hát, nhảy múa, diễn xuất và phải trải qua quá trình casting rất gắt gao. Trong những vở diễn ở Broadway, người ta không phân biệt ai là diễn viên chính hay phụ, mỗi người đều có bổn phận của mình. Mỗi diễn viên không chỉ học diễn vai của mình mà còn phải học dự bị thêm ba vai khác để sẵn sàng lên sân khấu thay thế nếu có việc gì đột xuất, và họ được trả lương cho cả ba vai dự bị đó. Tất cả đều phải học rất bài bản và đều là những người đã trưởng thành trong nghề nghiệp chứ không có kẻ tay mơ, càng không có chuyện người nọ giới thiệu người kia. Đó là lý do tôi không muốn dùng từ “quần chúng”.

Thời gian để người ta thai nghén ra một vở nhạc kịch ít nhất cũng là một, hai năm, lâu thì có thể là 10 năm, trong thời gian đó, người ta thực hiện hết các ý tưởng, hoàn chỉnh thiết kế sân khấu, âm nhạc, vũ đạo... Thời gian tập luyện của diễn viên là sáu tuần cho một vở diễn, tập từ 10h đến 17h hàng ngày. Có một điều quan trọng là người ta rất rạch ròi trong việc xác định sản phẩm là của đạo diễn, diễn viên được trả tiền để giúp đạo diễn thể hiện ý tưởng của ông ta. Mọi sự sáng tạo của diễn viên chỉ được phép thể hiện trong thời gian tập luyện và khi đã tập xong, đã tìm ra cái tốt nhất thì mọi thứ như được xịt keo chết dính, tất cả phải nhất nhất tuân theo, không được tự sửa, tự sáng tạo hay ngẫu hứng khi diễn trên sân khấu. Chuyện diễn cương là hoàn toàn không có, dù bạn có là Hugh Jackman hay Nicole Kidman.

* Nhưng ở sân khấu cải lương hay kịch Việt Nam, người ta quan niệm chuyện diễn cương hay ngẫu hứng trên sân khấu là bình thường, là tránh nhàm chán và tạo đất cho nghệ sĩ sáng tạo.

- Tôi không có ý so sánh. Nhưng ở chỗ tôi làm việc, người ta quan niệm rằng tất cả các khán giả trong mọi đêm diễn phải được thưởng thức cùng một sản phẩm hay như nhau. Nếu ngẫu hứng thì nghĩa là sẽ có đêm hay đêm dở.

* Thành tích với 10 năm làm nghề “tài sản” của anh là hơn 10 vở diễn và anh không diễn vở nào quá 6 tháng đáng để anh tự hào đấy chứ?

- Đúng vậy. Ở đó, chỉ 3% diễn viên nước ngoài luôn luôn được làm việc, số còn lại phải đi làm những việc khác, như bồi bàn chẳng hạn. Vì vậy mà họ rất quý các vở diễn của mình, không dám bỏ suất nào. Có những người diễn 10 năm một vở và trong thời gian đó, họ lập gia đình, mua nhà, có con… và không dám bỏ vì sợ không thể casting được những vở khác. Tôi không làm vở nào quá 6 tháng dù sau đó chưa biết có vào được vở khác hay không đơn giản vì không muốn làm một việc quá lâu. Cũng may mắn là tôi không thất nghiệp dù chuyện này với nghệ sĩ là rất bình thường. Nghệ sĩ Broadway nào cũng có thể hôm nay đi diễn, mai làm bồi bàn.

* Thu nhập trên sân khấu Mỹ ra sao thưa anh?

- Tiền lương tối thiểu một tuần là 1.700 USD, tiền nhà trung bình một tháng là 1.500 USD, trừ cả tiền thuế, tiền cho người đại diện nữa thì sẽ có khoảng 900USD/tuần. Và dù không có vở, thất nghiệp, làm bồi bàn thì cũng luôn phải dành ra một khoản tiền để tập gym (ai cũng phải tập để giữ dáng đẹp, không được phép để bụng phệ ra vì rất nhiều người đang chờ cơ hội để có được các vai diễn, nếu bạn bụng phệ là coi như đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi từ “vòng gửi xe”). Đồng thời vẫn phải luyện tập, chụp hình mới (sáu tháng/lần)… Cuộc sống chỉ ổn định khi có việc làm và không thể phung phí.

* Việc đi từ vai quần chúng lên vai chính chắc là gian nan lắm?

- Gian nan với tất cả, đặc biệt gian nan với người ngoại quốc, người châu Á. Ở trong phòng tuyển vai, yếu tố “người châu Á” là con dao hai lưỡi, mình vừa nổi bật vì không giống ai và có lợi khi đạo diễn cần người nổi bật, còn trong trường hợp nhu cầu về sự nổi bật đó không bức thiết, có cũng được không cũng được thì mình rất ít cơ hội. Cơ hội phát triển hơn nữa là rất khó, cũng giống như phim ảnh thôi. Ở Broadway không có nhiều cơ hội với người châu Á như trường hợp Lea Salonga (với vở Miss Saigon) - được xem là “người mở cửa cho các diễn viên không phải da trắng - đâu. Tuy cũng bức xúc nhưng tôi hiểu rằng chuyện này là bình thường, thử nghĩ xem, Việt Nam mình có ai viết kịch bản cho một người Mỹ đóng vai chính không ?

* Đó là lý do anh về Việt Nam gây dựng sự nghiệp hay vì khủng hoảng kinh tế đã khiến cho hơn 30 vở diễn Broadway phải đóng cửa, anh cũng không “thoát” được?

- Thật ra việc ở Việt Nam tới sáu tháng vừa qua không nằm trong dự tính của tôi. Trước khi về với mục đích chính là tham gia Nốt nhạc ngôi sao của BHD (kế hoạch là một tháng), tôi đã casting cho nhạc kịch Lý Tiểu Long và đang chờ kết quả, vở này sẽ được diễn vào năm 2010. Nhưng rồi tôi được anh Charlie Nguyễn rủ vào phim Để mai tính, được BHD mời vào Những nụ hôn rực rỡ trong khi tôi đang định đi Hà Nội với Nha Trang chơi, thấy được làm thử, lại không mất vé máy bay đi chơi nên tôi tham gia. (Cười).

Tôi đã ở “tâm bão” phim Việt kiều - phim Việt Nam

* Anh từ “trời Tây” về, lại đứng trên sân khấu quốc tế mà chịu vào vai nhỏ, anh có sợ bị đánh giá diễn xuất?

- Dĩ nhiên là tôi sợ bị chê nhưng sợ với tư cách một diễn viên thôi chứ không phải vì là Việt kiều đã làm việc ở nước ngoài mà bị chê. Tôi nghĩ cũng không nên có thành kiến kiểu “ủa, sao phim Việt kiều mà làm không ra gì”, như thế là không công bằng và vô lý vì đâu phải cứ Việt kiều là phải làm phim hay, họ chuyên nghiệp hơn nhưng về mặt tư duy nghệ thuật thì bình đẳng, không phải cứ Việt kiều là tư duy hay.

* Hai vai diễn “không có gì đáng kể” trong hai bộ phim có mang lại gì đáng kể cho anh khi bỏ bê công việc bên kia và tiền nhà thì vẫn phải trả?

- Có chứ. Thật ra tôi nhận vai vì muốn biết cách làm việc ở đây. Trước đó, tôi được nhiều người “cảnh báo” về sự đụng độ giữa phim Việt kiều và phim Việt Nam, về cách làm giữa hai bên. Tôi kiểm chứng bằng việc đi vào giữa “tâm bão”, tham gia một bộ phim của Việt Nam và một bộ phim do Việt kiều làm.

* Vậy anh thấy gì trong tâm bão?

- Tôi thấy bên nào cũng có những mặt tích cực và hạn chế. Tôi ước gì có sự dung hòa giữa hai bên. Tôi nghĩ trước sau gì cũng sẽ có sự thay đổi vì tư tưởng mới, cách làm việc mới ở nước ngoài đã du nhập rất nhanh chóng vào Việt Nam qua các bạn trẻ, và họ sẽ làm thay đổi mọi thứ.

* Anh còn tìm ra cái gì có ích cho mình nữa không?

- Ở Việt Nam có nhiều cơ hội để làm nghệ thuật. Bạn có thể sản xuất một bộ phim với 500.000 USD, một điều chỉ có trong mơ nếu ở Mỹ.

* Anh có 500.000 USD và định làm phim?

- Không. Chỉ là ví dụ. Nhưng đó cũng là điều mà tôi đang nghĩ tới. Nhiều người hỏi tôi tại sao ở bên kia tốt thế lại về Việt Nam. Nói thật lòng là ở đây, trên quê hương mình, mình sẽ được đón nhận vô điều kiện, không ai nói mình là “thằng này Á Đông”.

* Anh định bỏ hẳn công việc ở Mỹ?

- Chưa hẳn, nhưng tôi cũng đến tuổi phải phát triển hơn, và công việc bên đó cũng đang giậm chân tại chỗ, tuổi thọ của diễn viên thiên về nhảy múa như tôi cũng chỉ 35- 40 là đã phải nhận những vai ít nhảy múa hơn. Tôi không muốn chỉ giúp người ta thể hiện ý tưởng nữa mà muốn thể hiện ý tưởng của chính mình, điều này tôi chỉ có thể làm được ở Việt Nam.

* Anh sẽ về trong tương lai không xa chứ?

- Đầu năm tới tôi sẽ về để xem phim mình đóng và thực hiện một vài dự án còn trong vòng bí mật.

* Cảm ơn anh và chúc anh thành công.

Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm