13/11/2019 07:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Các nghệ sĩ, đạo diễn đều bày tỏ sự kỳ vọng việc thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam sẽ đảm bảo quyền lợi cho mình.
Sáng 12/11, Ban vận động thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam đã tổ chức Đại hội thành lập tại trụ sở Hội Điện ảnh Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội).
Hội bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh, truyền hình
Theo nhận định của NSND Đặng Xuân Hải, hoạt động sáng tác, sản xuất, phổ biến phim điện ảnh và truyền hình những năm qua phát triển mạnh mẽ, số lượng tác phẩm tăng mạnh. Cùng với đó, tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả, tác phẩm và quyền liên quan đang diễn biến phức tạp nhưng chưa được xử lý, ngăn chặn kịp thời. Thực tế đó đã và đang gây tổn hại cho tác giả, chủ sở hữu bản quyền, gây thất thoát cho chủ sở hữu tác phẩm. Việc bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm và quyền liên quan vì thế ngày càng trở nên cấp thiết.
Trước tình hình đó, một nhóm những người hoạt động điện ảnh và truyền hình đã nhận trách nhiệm đứng ra vận động thành lập Hội Bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam.Ngày 16/8/2019, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định số 653/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam.
Trong sáng 12/11, đại hội đã bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ 2019-2024, gồm 15 đại biểu. Đại hội đã bầu ra 5 phó chủ tịch: Nguyễn Đức Tuấn, Quyền Linh, Phạm Thị Tuyết, Quản Văn Minh, Nguyễn Văn Nhiêm. Ban chấp hành sẽ xin ý kiến Bộ Nội vụ về chức danh Chủ tịch hội. Ông Đặng Xuân Hải được bầu làm Tổng thư ký.
Theo phương hướng hoạt động nhiệm kỳ đầu tiên, bên cạnh những hoạt động nghiệp vụ, Hội sẽ triển khai những hoạt động đáng chú ý như: Nhận ủy quyền quản lý, bảo vệ, khai thác quyền tác giả, tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình và hình ảnh nghệ sĩ, hội viên; Đàm phán cấp phép thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép sử dụng, khai thác tác phẩm và hình ảnh nghệ sĩ, hội viên; Thu tiền sử dụng và chi trả các chế độ cho những người có quyền lợi theo quy định của pháp luật và quy chế tài chính của Hội...
Cũng theo ông Đặng Xuân Hải, Hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp, được thành lập nhằm góp phần bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình, đảm bảo môi trường lành mạnh cho hoạt động giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của điện ảnh, truyền hình Việt Nam.
Bản quyền phim là rất “đau đầu”
Là một trong năm Phó chủ tịch của Hội, nghệ sĩ Quyền Linh chia sẻ, anh cùng các thành viên Ban vận động phải chuẩn bị 6-7 năm trời cho việc thành lập Hội. Quyền Linh nhận định, bản quyền là vấn đề nhạy cảm mà rất nhiều nghệ sĩ quan tâm và "đau đầu".
"Không chỉ có các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình mà nhiều nghệ sĩ làm phim ngắn hoặc web drama (phim chiếu mạng), mới đăng phim trên mạng xã hội Facebook hoặc Youtube là bị ăn cắp luôn. Dù họ có đăng ký tác quyền nhưng vẫn bị xâm phạm, họ kêu nhưng ai bảo vệ, ai đứng ra kiện, tiền tác quyền lấy ở đâu?
Từ những tâm tư, bức xúc đó, NSND Đặng Xuân Hải đã cùng các nghệ sĩ ngồi lại với nhau, bàn vềphương cách bảo vệ tác phẩm của các nghệ sĩ.Hơn 6 năm qua, anh Hải đã kết nối các nghệ sĩ từ Bắc vào Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Hội" - nghệ sĩ Quyền Linh tâm sự.
Cũng theo nghệ sĩ Quyền Linh, sau khi họp bầu ra ban thường vụ, ban chấp hành và được Bộ Nội vụ phê duyệt, Hội sẽ làm việc cụ thể với các hãng phim, các nghệ sĩ, từ đó đưa những góp ý vào những điều lệ cụ thể của Hội. Hội sẽ phân công cụ thể, thành lập ban pháp chế gồm các luật sư giỏi về tác quyền, am hiểu lĩnh vực nghệ thuật để tìm cách đòi và trả quyền lợi cho tác giả bị đánh cắp tác phẩm.
Nghệ sĩ Quyền Linh cũng khẳng định rằng, các thành viên bỏ tiền túi cho những hoạt động của Hội với mong muốn đây sẽ là điểm tựa trước tiên về tinh thầncho những người đam mê điện ảnh, truyền hình: "Tôi xác định điện ảnh, truyền hình là ngôi nhà của mình, nên có sự kiện hay dự án gì thì phải xông vào làm. Tôi đóng góp, tự nguyện làm chứ không ai bắt ép với hy vọng có những điều tốt nhất về điện ảnh Việt Nam cho thế hệ mai sau".
Việc thành lập Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam được đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần quan tâm. Ông đánh giá, tôn chỉ mục đích, điều lệ của Hội phù hợp với pháp luật quy định nhưng hoạt động như thế nào mới đáng quan tâm. Việc xác định bản quyền phim từ trước đến nay không đơn giản như các tác phẩm âm nhạc, hội họa bởi phim do đơn vị, hãng phim hoặc đài truyền hình sản xuất chứ không phải của cá nhân.
Ông Nguyễn Hữu Phần kể: "Ngoài những phim Nhà nước, tôi có làm phim thời "mì ăn liền" và có bộ phim được đánh giá thành công cả yếu tố thị trường và nghệ thuật là Em còn nhớ hay em đã quên. Hồi đó, việc “chiến đấu” để không bị mất bản quyền với các đơn vị chiếu phim rất kinh khủng.
Tôi quản lý rất chặt, sau khi chiếu 30 rạp tại TP.HCMmới quyết định bán bản quyền cho các tỉnh. Bán chỉ là lý thuyết thôi, là tôi mang phim tới, trực ở đó để người ta chiếu. Tôi để chiếu cùng ngày 20/11 trên toàn quốc, rồi sau thì... đành để mất. Quả nhiên là sau dịp đó thì mất bản quyền phim và không có cách gì đòi được. Dù có đăng ký bản quyền nhưng ai điều tra, ai kiện"?
Đạo diễn phim Em còn nhớ hay em đã quên cũng chia sẻ rằng, ông từng làm phim cho nước ngoài và nhận thấy rằng, họ có hợp đồng rất rõ ràng về quyền lợi tác giả được gì sau 2 năm, 5 năm, 10 năm. NSND Nguyễn Hữu Phần bày tỏ: "Dù băn khoăn nhưng tôi cũng rất kỳ vọng Hội vừa hoạt động đúng luật, vừa bảo vệ bản quyền cho các hội viên, các tác giả".
Nghệ sĩ Quyền Linh: "Đòi bản quyền phim rất khó" "Tôi là nghệ sĩ phải có trách nhiệm với con đường mình đi, nếu không có tâm thì tôi sẽ không dành nhiều thời gian và công sức cho việc thành lập Hội. Việc đòi bản quyền phim là rất khó nhưng không phải không có cách, Hội sẽ tìm được đường đi, sẽ làm những điều tốt nhất để bảo vệ quyền lợi cho các nghệ sĩ" - nghệ sĩ Quyền Linh. |
Tiểu Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất