Nghệ nhân Bạch Huệ: Một đời cống hiến cho đờn ca tài tử

16/07/2012 09:42 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuối tuần qua, tại phòng trà Tiếng xưa (TP.HCM), khán giả yêu thích đờn ca tài tử đã có dịp gặp lại nghệ nhân Bạch Huệ và lắng nghe giọng cổ nhịp 4 ngọt ngào, sâu lắng của một đệ nhất danh ca tài tử một thời và đã từng dạy bao thế hệ học trò.

Được công nhận là Nghệ nhân dân gian nghệ thuật đờn ca tài tử và đến nay dù đã gần 80 tuổi, nhưng có lẽ sự “tài tử” vẫn luôn gắn liền với cuộc đời của bà. 



Nghệ nhân Bạch Huệ trình diễn ĐCTT trên sân khấu phòng trà Tiếng xưa

Đã từ rất lâu rồi, giới mê đờn ca tài tử (ĐCTT) ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ không lạ gì nghệ nhân dân gian Bạch Huệ. Cứ nơi nào có đờn ca tài tử, người ta đều thấy bà có mặt. Và đến ngày hôm nay, dù đã ở độ tuổi gần bát tuần và đi lại khó khăn vì căn bệnh khớp hành hạ và từ di chứng tai nạn gãy xương đùi, nhưng những người đam mê đờn ca tài tử, cải lương lại có cơ hội được gặp bà trong chương trình Cải lương phòng trà lần thứ 6 của phòng trà Tiếng xưa trong đêm 13/7 vừa qua.

Theo anh Trần Anh Khoa, người phụ trách chương trình: “Thực ra thì đã từ rất lâu khán giả đã biết đến cải lương với các vở tuồng và những câu vọng cổ. Và lần này thì chúng tôi muốn giới thiệu một loại hình đã tồn tại rất lâu, là nguồn gốc của cải lương: ĐCTT. Lần này chúng tôi mời cô Bạch Huệ bởi vì cô là một “đại thụ” đại diện tiêu biểu cho ĐCTT của Việt Nam”.

Nghệ nhân Bạch Huệ đã biểu diễn bản Lưu thủy trường trong vở Người điên biết yêu và bản Tiếng nhạn kêu sương của soạn giả Huỳnh Hữu Trung và đây là bản vọng cổ nhịp 4 mang âm giọng buồn. Cuối cùng, là bản Tứ đại oán cũng là bản giọng cổ mang nhịp 4.

Được biết tháng 9/2007, bà Bạch Huệ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân vì đã có công giữ gìn, thực hành, truyền dạy giá trị, kỹ năng, bí quyết của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử. Bà đã có hơn 40 năm gắn bó với loại hình nghệ thuật này và là người có nhiều học trò nhất hiện nay.

Trong chương trình, các nghệ sĩ cải lương cũng đã trình diễn những trích đoạn cải lương: Bên cầu dệt lụa, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Quê em mùa nước lũ, Lá trầu xanh... - những trích đoạn rất quen thuộc với người mộ điệu cải lương ở TP.HCM. Tuy nhiên, đối với ĐCTT, một loại hình nghệ thuật dân gian là nguồn gốc của nghệ thuật cải lương lại ít được công chúng biết đến. Quả thực đó là một điều xót xa.

Trong phần giao lưu, nhiều khán giả cảm thấy vừa kính phục tài năng, vừa chạnh lòng cho số phận “kiếp tằm thì phải nhả tơ” của bà khi biết bà đang sống tại Nhà dưỡng lão nghệ sĩ cùng với bao nghệ sĩ đã cống hiến một đời cho nhiều môn nghệ thuật khác.

Anh Đức


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm