(Thethaovanhoa.vn) -
“Ngày lui, tháng tới” - đó là cách nói về lịch của người Mường so với Lịch phổ thông. Tháng đầu năm của Mường sớm hơn so với người Việt (Kinh) hai tháng, nhưng ngày thì chậm hơn một ngày. Ví dụ tháng đầu năm tương đương với tháng 10 của âm lịch người Việt, và trong lịch âm lịch Việt, nếu là ngày 30, thì lịch Mường là ngày 29.
Xưa kia, khi mà cách tính và phân chia ngày tháng trong năm của người Mường chưa có Âm lịch, hay Dương lịch như bây giờ thì người Mường có sự đúc kết về địa lý, khí tượng và vòng tuần hoàn của thời gian. Họ đã mã hóa cho riêng mình bộ lịch bằng những ký hiệu trên thẻ tre, hoặc sử dụng luôn các đốt ngón tay trên ba ngón trong của bàn tay trái, để tính lịch với cách tính theo chu kỳ con nước, sao, và mùa trong năm. Hiện nay trong các vùng Mường vẫn tồn tại một số bộ lịch với cách tính lịch dựa trên hình thức và mục đích sử dụng, các bộ lịch có sự khác nhau như lịch
Khao roi: là loại lịch gồm 12 thẻ tre.
Lịch Đá rò là ba ngón tay trong bàn tay trái.
Lịch Con rác là loại gồm 6 thẻ tre.
Lịch khắc trên thẻ tre. Ảnh từ liệu của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường Trong lịch Mường cổ quy định có 8 tháng, với 8 tên gọi khác nhau tương ứng với 12 tháng (âm lịch). Đó là: Thướm ngàng (tháng giêng), Cây trong (tháng 2 và 3), Thướm trong (tháng 4), Kim trong 9 ( tháng 5 và 6), Khóa rỏ ( tháng 7), Kim tha (tháng 8 và 9), Thươm tha (tháng 10), Cây tha (tháng 11 và tháng Chạp). Mỗi tháng trong lịch Mường có 30 ngày chia làm ba phần đều nhau, mỗi phần 10 ngày, 10 ngày đầu gọi là ngày Cây, 10 ngày giữa gọi là ngày Lồng và 10 ngày còn lại gọi là ngày Cuối. Trong một ngày người Mường cũng chia thời gian ra làm 12 đoạn khác nhau, bắt đầu một ngày được tính từ 24 giờ đến 2 giờ gọi là giờ Ca cáy (gà gáy), Hiêng láng (gần sáng), Tlơi tha (Mặt trời mọc), Tlưa đét (buổi trưa bé)…
Lịch Khao roi (lịch Sao roi) được người Mường làm bằng các thẻ tre già, dài khoảng 25 cm, rộng 1,5 cm, được dùi một lỗ ở đầu và xâu lại với nhau theo thứ tự các tháng trong năm. Trên mỗi thẻ tre đó là những ký hiệu đã được mã hóa khắc lên có thanh cả bốn mặt, chiều dài chia đều làm ba đoạn khắc so le ngày Cây, ngày Lồng và ngày Cuối. Một mặt khắc ký hiệu những tháng trong năm, mặt còn lại là những ký hiệu chỉ ngày Sao roi trong tháng, bên cạnh đó là những ký hiệu cho biết ngày nào mưa nắng, ngày nào có thể làm mùa, đi săn. Với các thầy mo trong vùng Mường việc sử dụng bộ lịch này rất thành thạo giúp cho người dân trong vùng có thể chọn lựa những ngày tốt xấu cho cuộc sống thuận lợi hơn. Tuy nhiên để thêm phần chính xác các thầy mo thường kết hợp lịch Khao roi với lịch Đá rò để tính.
Vác nước về bản. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường Lịch Đá rò là loại lịch được tính bằng ba ngón tay trong của bàn tay trái với ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út, các đốt ngón tay được tính 8 đốt tương ứng với 8 tháng trong năm trừ đốt giữa của ngón giữa. Tháng đầu tiên trong năm sẽ được tính từ đốt dưới của ngón giữa là tháng Thướm ngàng, các tháng tiếp theo sẽ được đếm theo từng đốt chiều kim đồng hồ. Ngày trong tháng sẽ được tính từ đốt tiếp theo cuối cùng của tháng trong năm, cứ đếm theo chiều kim đồng hồ ta sẽ tính được các ngày trong tháng đó, ví dụ tháng Thướm ngàng - ngày 1 Cây của tháng sẽ là ngày Cây trong, ngày 2 Cây sẽ là ngày Thướm trong, ngày 3 Cây sẽ là ngày Kim trong… Việc tính giờ cũng như vậy tính từ đốt liền kề của tính ngày và bắt đầu từ Ca cáy (gà gáy) đến Hiêng láng (gần sáng)… Ngoài ra lịch Đá rò còn quy định chia vũ trụ ra làm hai tầng và bốn phương, bốn hướng vận động với những tính chất vận động riêng, hướng vào trong cho ta thấy lành, mát, tốt, nhưng chậm, thế yếu, hướng ra ngoài thì nóng, xấu, đi mất nhưng chủ động, thế mạnh, hướng lên trên nhanh, khô, vô hại, nhưng bất lợi, mất, hướng xuống dưới chậm, ướt, có máu, chết. Như vậy với những quy định trong lịch Đá rò sẽ giúp cho việc xác định được ngày giờ tốt xấu để cưới vợ, làm nhà hay tìm kiếm trâu bò lạc…hiện nay cách tính này vẫn đang được sử dụng phổ biến trong các vùng Mường thông qua các ông thầy mo.
Lịch Con rác là loại lịch dựa vào kinh nghiệm tích lũy qua việc quan sát sự lên xuống của mực nước tại các con sông, suối trong các vùng Mường. Bộ lịch này gồm 6 thẻ tre tương ứng cho 12 tháng, như thẻ thứ nhất tương ứng cho tháng 1 và tháng 7, thẻ thứ 2 cho 2 và 8, thẻ 3 cho 3 và 9… Trên mỗi thẻ đều khắc ngày Cây, ngày Lồng và ngày Cuối, bên cạnh đó còn có những ký hiệu cho ngày con nước, thông qua đó người ta có thể biết ngày con nước là ngày nào trong tháng, để chuẩn bị cho việc đánh bắt cá hay xuống đồng. Đây là một loại lịch riêng của người Mường ít thấy dân tộc khác có, hiện nay nó vẫn được sử dụng trong một số vùng Mường.
Vác nước về bản. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường
Trong lịch Mường có những quy định rất cụ thể về giờ tốt xấu trong ngày, ngày tốt xấu trong tháng và tháng tốt xấu trong năm như ngày Cây trong, Kim trong là ngày, tháng tốt, ngày Thướm ngàng, Thướm tha là ngày hoặc tháng xấu. Tuy nhiên đó cũng chỉ là tương đối bởi có ngày, tháng xấu cho việc lấy vợ, làm nhà nhưng lại là ngày tốt cho việc săn bắn. Việc đó còn tùy thuộc vào từng vùng Mường và theo từng quan niệm.
Theo như lịch Mường thì năm mới được tính tháng bắt đầu vào Tết Cơm mới (tháng 9 Âm lịch), hiện nay Tết Cơm mới vẫn còn phổ biến trong các vùng Mường với ý nghĩa tạ ơn trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho một vụ mùa bội thu. Có lẽ đây chính là những dấu tích còn sót lại của một nền văn minh nông nghiệp thời kỳ sơ khai, mỗi năm chỉ có một mùa (chưa có vụ chiêm). Ngày nay cộng đồng người Mường cũng sử dụng lịch chung là Dương lịch và Âm lịch và ăn Tết Nguyên đán như người Việt, nhưng với người Mường ở Mường Bi đã là tháng 4, người Mường Thàng là tháng 3, người Mường Động là tháng 2 và Mường Vang thì trùng so với Âm lịch. Hiện nay có rất nhiều vùng Mường lịch của họ trùng với Âm lịch có lẽ đó là do ảnh hưởng văn hóa nên câu Ngày lui, Tháng tới cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên việc lui một ngày vẫn còn ở hầu khắp các vùng Mường.
Phan Cẩm Thượng – Vũ Hiếu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần