Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới (Bài 2)

09/11/2013 07:33 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Từ khi biết làm nhà để che mưa che nắng, ngôi nhà đã trở thành một không gian văn hóa đặc biệt của mỗi dân tộc.

Nhà gác

Người Thái, Tày, Mường đều có nhà sàn như là một phong cách kiến trúc truyền thống. Từ người Thái ở Hoa Nam, người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, người Lự ở nhiều địa bàn, người Lào, người Thái ở Thái Lan, đến người Mường mô hình nhà sàn có thay đổi chút ít, nhưng cơ bản đều là một ngôi nhà gỗ vì kèo có lát sàn cao. Sau khi định cư trên đất Thái, nhà sàn của người Thái Lan có rất nhiều hình dáng khác nhau, trong đó ngôi nhà tương đối độc lập được dựng trên một mặt sàn (có thể hai cấp) rộng, hoặc là có hai ngôi nhà gỗ trên một mặt sàn. Nhà sàn Thái, Tày và Mường ở Việt Nam thân nhà dựng trên các hàng cột và mặt sàn cũng chỉ phát triển theo hàng cột đó, có nghĩa là không có mặt sàn thuần túy ở ngoài ngôi nhà. Nhiều nhà sàn Mường, Thái đặt hàng hiên rộng để làm chỗ lưu không trước khi vào nhà, nhưng thực chất là vẫn giới hạn không gian giữa cột trong và cột ngoài mà thôi, nếu có dâng hàng hiên không có cột cao lên mái thì cũng không quá rộng. Ngôi nhà sàn này có đặc điểm, cần có 4 xà ngang nối suốt chiều ngang của ngôi nhà, hai xà chạy dầm mái, hai xà chạy dầm sàn, diện tích mặt sàn rộng hay hẹp phụ thuộc vào 4 xà ngang này. Những nhà sàn Thái ở Tây Bắc có thể rộng đến hàng trăm thước vuông, do có xà ngang dài tới 20 thước, nhân với chiều sâu lòng nhà từ 4-5 thước, Nhà sàn Mường chỉ có nhà Lang mới đạt kích thước lớn như vậy.  



Nhà sàn của người Mường. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường.

Các tộc người Thái, Tày và Mường đều sinh sống trên những vùng núi vừa và cao tiếp giáp với các khoảng thung lũng hẹp có thể cấy trồng. Khí hậu khá ẩm thấp hoặc nắng nóng gay gắt, lũ lụt, thú dữ… khiến cho người ta cần sống trên những nhà sàn cao an toàn. Đây chính là nhà gác trong câu nói của người Mường. Sàn nhà Thái, Mường cổ có thể cao trên mặt đất tới 2 thước, tùy theo gia cảnh và địa vị xã hội, nhà của các Lang, hay Phìa Tạo - tầng lớp thống trị thường làm bằng các cột lớn chôn sâu xuống đất và rất cao, nhà dân thường thấp hơn. Đặc biệt kho thóc người ta làm cao năm bảy thước, để chống trộm và thú. Toàn bộ gia đình sinh hoạt trên một mặt sàn như vậy, dưới gầm sàn xưa kia nuôi trâu bò và gia súc, tùy theo tộc người, có những tộc để gầm sàn sạch sẽ cho trẻ chơi và phụ nữ dệt vải. Có những nhà làm thêm căn nhà bếp, chuyển tất cả sinh hoạt bếp núc vào nơi đó, xung quanh có làm thêm những dàn phơi lớn, người ta có thể bước từ cửa sổ ra sàn tự do phơi phóng, hóng mát, dệt vải.

Trên cơ sở của một hình mẫu nhà sàn chung, nhà sàn của bốn giai tầng trong xã hội Mường khác nhau chút ít. Rộng nhất và bề thế nhất, cũng như làm bằng gỗ tốt là nhà Lang và Ậu, giai tầng thứ nhất và thứ hai. Nhà dân thường là nhà Nóc, thấp bé  hơn chút ít, còn nhà Nóc trọi của tầng lớp bần cùng đáy xã hội thì dường như chỉ làm bằng tre nứa và nhỏ như cái chòi. Hệ thống vì kèo nhà người Mường cơ bản không dùng mộng đục mà kết nối thuần túy bằng cách gác lên nhau, và chồng đè. Cách thức này giúp cho ngôi nhà nếu bị lũ lụt, lở đất thì chỉ xê dịch chứ không đổ gãy hoàn toàn khung vì kèo, và lại dễ dàng phục hồi.



Thui lợn trong đời sống người Mường. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường

Mặc dù có hệ thống dẫn nước bằng máng và lấy nước bằng các guồng nước lớn, nhưng người Mường Thái vẫn chỉ dùng nước đó để tưới tiêu, giã gạo (cối giã gạo nước), chứ nước ăn uống người ta lấy riêng từ một mó (nguồn, mỏ) nước sạch và dường như không bao giờ cạn. Mó nước này được bảo vệ chặt chẽ vì nó cung cấp nước sạch có thể uống được ngay cho cả bản làng. Và người ta chỉ có thể lấy nước đó bằng các đồ đựng như ống bương lớn hay ống tre nhỏ. Hàng ngày phụ nữ, hay có thể đàn ông, cõng (vác) hai ống bương dài tới 2 thước trên vai mang nước về bếp lớn trong gia đình, nước này dùng nấu ăn, uống. Người ta có thể chế thêm các ống đựng nước nhỏ bằng nứa và gánh từ nguồn về, những ống nước nhỏ này thường gài ở phía trước nhà để khách và mọi người có thể uống luôn. Hình ảnh người phụ nữ vác ống bương nước dài rất điển hình trong sinh hoạt bản làng Mường xưa.


Làm thịt lợn sau khi thui. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường

Lợn thui

Lợn thui là một kiểu chế biến thực phẩm nguyên thủy, tất cả con vật bắt được đều thui và nướng. Nếu như người Việt (Kinh) dùng nước sôi cạo lông lợn khi làm thịt, rồi mới luộc hay xào nấu, thì người Mường thui lợn, rồi dùng lá chuối bánh tẻ, không quá non hay già, nướng qua đi rồi gói thịt lợn thái từng lát cho vào chõ gỗ hấp (đồ), chứ không luộc, bên cạnh đó tất nhiên là món nướng. Đồ, luộc và thui là ba kỹ năng nấu đơn giản của khoa ẩm thực Mường được duy trì qua hàng ngàn năm dường như không thay đổi. Thực chất thì người Việt (Kinh) trong làng xã xưa cũng chủ yếu dùng ba kỹ năng nấu này, chứng tỏ cái nguồn gốc Việt từ Mường không hề bị xao nhãng. Tuy nhiên người Việt có đồ xôi, luộc thịt lợn, gà, chứ không đồ, và dường như chỉ giữ kỹ năng đồ cho đồ xôi mà thôi. Nấu, xào, rán, hấp, chiên, quay… tạo ra nhiều món khác nhau, là những kỹ năng khác thêm vào trong quá trình cọ xát với khoa ẩm thực Tàu và Tây, và những kỹ năng ấy cơ bản không đến với người Mường.

(Còn tiếp)
Phan Cẩm Thượng – Vũ Hiếu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm