03/05/2017 07:01 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ nghỉ lễ 4 ngày kết thúc, nhiều người đã có quãng thời gian vui vẻ bên gia đình và người thân. Nhiều người khác đi nghỉ dưỡng nơi xa sau những ngày làm việc mệt mỏi. Những hình ảnh về khu nghỉ dưỡng Tam Đảo (Vĩnh Phúc), thị trấn Sa Pa (Lào Cai), biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Lạt (Lâm Đồng); biển Nha Trang (Khánh Hòa) … đều cho thấy dấu hiệu quá tải du khách.
Cũng những khu du lịch từ Bắc chí Nam này, hình ảnh những đống rác khổng lồ được du khách thải tràn lan mọi ngả khiến nhiều người không khỏi ngậm ngùi.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu chúng ta gặp “khủng hoảng rác” sau nghỉ lễ. Cũng giờ này năm ngoái, dư luận đã vô cùng bức xúc trước cảnh rác ngợp biển Sầm Sơn. Hoặc gần đây, rác tràn lan ở khu di tích Đền Hùng ngày Giỗ Tổ.
Thẳng thắn nhìn nhận, nhu cầu đi du lịch là chính đáng. Tận dụng chuỗi ngày nghỉ lễ để gia đình và người thân bên nhau ở những nơi chốn xa xôi là lựa chọn tốt để nghỉ ngơi. Chấp nhận đám đông để tìm nguồn vui cho bản thân trong những ngày nghỉ lễ cũng không đáng chỉ trích.
Tuy nhiên, hành vi xả rác bừa bãi của một bộ phận người tham gia du lịch là không thể chấp nhận! Còn sự việc lặp đi lặp lại mỗi độ nghỉ lễ bất chấp những phản ứng lại càng đáng buồn.
Đống rác ở giữa và trách nhiệm giữa các bên xung quanh là cuộc tranh cãi muôn thuở. Rác do các khu du lịch có ít thùng rác? Rác vì ý thức người dân? Rác do các hãng lữ hành đã không hướng dẫn du khách? Rác do truyền thông không nhắc nhở dư luận? Rác có căn nguyên sâu thẳm từ giáo dục?...
“Quả bóng rác” cứ “bật nhả” vòng tròn giữa các bên để vài ngày sau, câu chuyện rơi vào quên lãng. Rồi, kỳ nghỉ sau, chúng ta lại cùng tranh cãi theo lối lòng vòng khi động chạm tới các bên. Chúng ta nói cho có chứ không phải nói để cùng giải quyết.
***
Một tuần trước nghỉ lễ, tôi có tham gia một tour leo núi của một hãng lữ hành do các bạn trẻ mới thành lập. Chúng tôi leo lên đỉnh núi Pu Ta Leng (Lai Châu) với độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển. Lộ trình leo và xuống của chúng tôi xấp xỉ 4km với nhiều vách núi dựng đứng và nhiều con suối rất lớn. Cũng bởi thám hiểm trong môi trường hoang sơ, mỗi người phải mang tối thiểu 7kg hành lý để đảm bảo sinh tồn trong nhiều điều kiện khắc nghiệt.
Song, trước khi tham gia hành trình, điều kiện tiên quyết mà hãng lữ hành này yêu cầu chúng tôi chấp hành là: phải mang rác thải vô cơ về dưới chân núi, nơi có bãi thiêu hủy.
Và thế là, dọc hành trình khắc khổ, trên hành lý trĩu vai của chúng tôi còn có thêm vỏ chai nước, túi đựng lương khô đã ăn hết… Lúc đầu, có những người cảm thấy khó chịu vì đống rác phải mang thêm bên người. Song, khi kết thúc hành trình, cùng nhau thiêu hủy đống rác, chúng tôi cảm thấy thanh thản. Đó cũng là bài học núi rừng đại ngàn dành cho chúng tôi cho những chuyến du lịch sau này.
Với tôi, đó cũng là câu trả lời cho mớ bòng bong trách nhiệm về rác thải tại các khu du lịch ngày lễ.
Thiên nhiên không bao giờ “trở mặt”. Mọi sự bẩn thỉu, bất thường của thiên nhiên hôm nay đều do những hành vi không đúng của chúng ta trước đây. Và nếu tiếp tục khinh thường môi trường, chúng ta cùng con cháu sau này chắc chắn sẽ nhận những “trái đắng” từ mẹ thiên nhiên.
Thiệt hại đó không chỉ nhắm trực diện vào du lịch, nó sẽ tàn phá cuộc sống của tất cả chúng ta!
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất