Trung Quốc: Học viên cai nghiện internet “nổi loạn”

10/06/2010 11:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Một nhóm trẻ nghiện internet tại Trung Quốc vừa nổi loạn tại trại cai nghiện khi trói nghiến nhân viên giám sát chúng để tìm đường trở lại tự do. Vụ việc đã một lần nữa thu hút sự chú ý của công luận vào hoạt động của các trung tâm cai nghiện internet tại nước này.

Cuộc đào thoát của 14 kẻ nghiện net

Tờ China Daily cho biết 14 "con nghiện" internet đã thực hiện cuộc đào tẩu "vĩ đại" của họ khỏi Trung tâm Cai nghiện Internet Huai hôm 2/6 tuần trước, sau khi không chịu nổi các hoạt động huấn luyện cai nghiện đơn điệu và ngày càng khắc nghiệt ở đây. Các thanh thiếu niên tuổi từ 15 - 22, đã tổ chức "phá ngục" bằng cách khống chế, trói chặt một nhân viên giám sát khi ông này đang ngủ. Cả bọn định trốn về quê nhà của "thủ lĩnh" nhóm nổi loạn. Một người tài xế taxi đưa các thanh thiếu niên này ra ga tàu đã sinh nghi do thấy chúng mặc quần áo quân sự giống nhau và không có tiền để trả cước. Anh ta đã báo với cảnh sát và cả bọn bị tóm gọn.


Các thanh thiếu niên tại một trại cai nghiện internet kiểu nhà binh ở Trung Quốc
Sau khi sự việc được báo chí thông báo, một quan chức ở trại cai nghiện Huai đã lên tiếng giải thích về hoạt động của trung tâm, để chứng minh rằng họ không làm gì "nên tội", khiến lũ trẻ phải tìm cách bỏ trốn.

"Chúng tôi sử dụng các phương thức của quân đội như gột rửa suy nghĩ và huấn luyện thể chất cho các thiếu niên đó. Chúng tôi dạy các em kỷ luật và giúp các em thiết lập một cuộc sống bình thường trở lại" - quan chức này nói.

Được biết các thanh niên tới cai nghiện tại Huai thường phải dậy lúc 5 giờ sáng và đi ngủ đúng 9h30. Họ phải trải qua hai giờ tập thể dục mỗi ngày bên cạnh việc học thư pháp, triết học truyền thống của Trung Quốc và nhiều khóa huấn luyện tâm lý khác.

Về phần các phụ huynh, họ tuyên bố sẽ lập tức đưa bọn trẻ trở lại trại cai nghiện. Một phụ nữ còn khóc tại đồn cảnh sát và nói rằng bà quá hãi hùng khi nhớ lại cảnh con thức liền 28 tiếng đồng hồ chỉ để chơi game trực tuyến. Đó là lý do bà chấp nhận trả khoản phí lên tới 18.000 NDT (khoảng gần 3.000 USD) để đứa cậu quí tử được vào trại cai nghiện, theo một chương trình điều trị  kéo dài 6 tháng ròng.  

Dấu hỏi về các biện pháp cai nghiện internet


Nhiều liệu pháp trị nghiện đã bị đánh giá là hà khắc như dùng điện giật

Theo kết quả một cuộc điều tra do Hiệp hội Internet Thanh niên Trung Quốc tiến hành hồi năm 2008, hơn 10 triệu trong số 100 triệu thiếu niên sử dụng mạng máy tính ở nước này có dấu hiệu bị nghiện net. Tình trạng đông người nghiện đã dẫn tới việc bùng nổ số trung tâm cai nghiện, với đủ loại liệu pháp chữa trị khác nhau.


Một số chuyên gia cho rằng chỉ liệu pháp chữa trị mạnh bạo mới có thể khiến những đứa trẻ này cắt cơn. Mục đích của việc dùng biện pháp mạnh là để người nghiện hoàn toàn dồn tâm sức cho việc "cắt cơn". Zhang Zhao, một chuyên gia tâm lý có 15 năm kinh nghiệm điều trị, tuyên bố với tờ South China Morning Post: "Tôi có thể trói bệnh nhân của mình vào ghế nhưng tôi không thể mở khóa trái tim các em. Không ai có thể chữa cho người nghiện mà thiếu sự hợp tác từ phía họ".

Zhan Wenbin, hiệu trưởng một trung tâm cai nghiện internet khác ở Nam Ninh cũng cho rằng các biện pháp chữa trị theo kiểu quân sự và tư vấn tâm lý là cần thiết để chữa hoàn toàn chứng nghiện net. Ông này thông báo rằng 80% trong số 100 học sinh từng tham gia chữa trị tại trung tâm của mình đã khỏi hẳn.

Thế nhưng không phải các liệu pháp "rắn" lúc nào cũng mang lại kết quả mong muốn. Tháng 7 năm ngoái, Bộ Y tế Trung Quốc đã cấm việc dùng điện chữa nghiện internet, một liệu pháp nổi tiếng và cả tai tiếng do bác sĩ Yang Yonxin sáng tạo ra. Sự phản tác dụng của việc dùng biện pháp mạnh khi chữa nghiện net đã lên đỉnh điểm hồi năm ngoái, sau vụ một đứa trẻ 15 tuổi bị đánh chết tại trại cai nghiện. Deng Shenshan được cha mẹ đưa tới Trung tâm Huấn luyện Qihuang ở Quảng Tây với mức phí 7.000 NDT (khoảng 1.000 USD)/tháng để điều trị. Tuy nhiên ngay sau đó cậu bé đã bị biệt giam và bị các huấn luyện viên của trung tâm đánh đập do chạy quá chậm trong lúc tập thể dục. Những cú đánh đã tước đi mạng sống của Deng, dù cậu mới chỉ tới trung tâm được 10 tiếng đồng hồ. Tháng trước, một tòa án ở tỉnh Quảng Tây đã tuyên phạt các huấn luyện viên mức án 10 năm tù vì tội ngộ sát.

Song bài học từ vụ của Deng và cuộc đào tẩu của 14 đứa trẻ vừa qua đã không lay chuyển được "ý chí sắt đá" của các bậc phụ huynh. Yang Guihua, mẹ đứa trẻ tổ chức vụ đào thoát nói rằng con bà đã trở lại trung tâm cai nghiện. Bà còn lên tiếng bênh vực các liệu pháp chữa trị hà khắc mà con bà và các bạn đang phải chịu đựng: "Tôi không nghĩ có vấn đề gì về phương pháp huấn luyện tại trung tâm đó. Chúng được tạo ra chỉ để mang lại lợi ích cho con tôi mà thôi".

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm