14/04/2021 21:49 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Giáo dục và đào tạo (GDĐT) là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với quy mô hơn 53.000 cơ sở GDĐT, 24 triệu học sinh sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành giáo dục xác định thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số.
Xu thế tất yếu
Có nhiều khái niệm khác nhau về chuyển đổi số (Digital transformation) nhưng có thể nói chung đó là chuyển các hoạt động của chúng ta từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên môi trường mạng. Sự tham gia ngày càng sâu rộng của công nghệ (chủ yếu là công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông) vào mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội đang làm thay đổi căn bản và toàn diện cách chúng ta sống, làm việc, liên hệ với nhau. Theo đó, mọi người tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian.
Trong lĩnh vực GDĐT, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới GDĐT theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.
Sự bùng nổ của nền tảng công nghệ IoT, Big Data, AI, SMAC (mạng xã hội-di động-phân tích dữ liệu lớn-điện toán đám mây) đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số. Theo đó, nhiều mô hình giáo dục thông minh đang được phát triển trên nền tảng ứng dụng CNTT; hỗ trợ đắc lực việc cá nhân hóa học tập (mỗi người học một giáo trình và một phương pháp học tập riêng không giống với người khác, việc này do các hệ thống CNTT thực hiện tự động); làm cho việc truy cập kho kiến thức khổng lồ trên môi trường mạng được nhanh chóng, dễ dàng; giúp việc tương tác giữa gia đình, nhà trường, giáo viên, học sinh gần như tức thời
Chuyển đổi số trong GDĐT tập trung vào hai nội dung chủ đạo, đó là: chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Trong quản lý giáo dục bao gồm: số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong ngành GDĐT một cách nhanh chóng, chính xác.
Trong dạy, học gồm: kiểm tra, đánh giá gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học ảo (cyber university)...
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong các hoạt động giáo dục
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, không phải đến bây giờ vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục mới được chú ý. Trong nhiều năm qua, việc áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục đã được đẩy mạnh.
Theo Bộ GDĐT, từ năm 2007, từ một số ít trường triển khai đào tạo tín chỉ, cho phép người học đăng ký học tập, xem kết quả học tập, đóng học phí online, đến nay hầu hết các trường đại học đã triển khai loại hình đào tạo này. Việc đăng ký thi THPT và xét tuyển qua mạng, các nghiệp vụ quản trị trường học cũng được số hóa, thực hiện trên nền tảng ứng dụng CNTT.
Năm 2018, ngành giáo dục đã đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục với 53.000 trường học, 710 phòng GDĐT, gần 24 triệu học sinh và hơn 1.4 triệu giáo viên được gắn mã định danh. Thông tin của 393 trường đại học, cao đẳng với 2,5 triệu sinh viên, 120.000 giảng viên cũng được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành.
Việc phát triển học liệu số cũng được Bộ GDĐT chú trọng triển khai. Đến nay đã có 5.000 bài giảng e-learning; 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm.
Đặc biệt, trong các thời điểm học sinh phải nghỉ học do dịch COVID-19, với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy-học trực tuyến; trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy học hoàn toàn qua mạng. Mô hình học tập này không chỉ giúp thầy và trò tiếp tục học tập, bồi dưỡng kiến thức, mà còn nâng cao tính tự học và động lực học tập của học sinh, kể cả tính trách nhiệm lẫn kỷ luật tự giác trong học tập. Với sự linh hoạt ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong GDĐT, ngành giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ kép vừa đảm bảo chương trình học năm học 2019-2020, vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên.
Có thể thấy, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến.
Phấn đấu trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GDĐT
Tuy đã có những chuyển biến tích cực, chuyển đổi số ngành GDĐT hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, cần tiếp tục được khắc phục, hoàn thiện. Cụ thể, hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh - đặc biệt ở các vùng xa, vùng khó khăn - còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số (cả về quản lý giáo dục và dạy-học); việc xây dựng học liệu số (sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng) còn phát triển tự phát, chưa thành hệ thống, khó kiểm soát chất lượng và nội dung học tập...
Theo Bộ GDĐT, ngành giáo dục rất quan tâm tới việc đào tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành công dân toàn cầu (có khả năng thích ứng sống và lầm việc tại nhiều quốc gia). Chính vì vậy, chuyển đổi số được ngành xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây, nhằm rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia..
Để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong GDĐT giai đoạn 2021-2025, Bộ GDĐT cho biết sẽ chú trọng triển khai ở 4 vấn đề cơ bản: phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GDĐT; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Cụ thể, tiếp tục triển khai có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, bảo đảm 100% các cơ sở giáo dục cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, kết nối liên thông với nền tảng số quốc gia; khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành; các phần mềm quản lý, dạy và học trong nhà trường.
Phát triển tài nguyên số và môi trường học tập số, bổ sung vào kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung trong toàn ngành, kho bài giảng e-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa. Đẩy mạnh kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng chuyển đổi số và kỹ năng tham gia các hoạt động dạy, học trực tuyến đối với giáo viên và học sinh.
Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục, ưu tiên triển khai dịch vụ công trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp mức độ 3, mức độ 4; thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; các loại hồ sơ, sổ sách, học bạ điện tử trong nhà trường; tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý hành chính điện tử trao đổi văn bản điện tử, chữ ký số liên thông giữa Bộ GDĐT với Chính phủ, các cơ quan, địa phương, cơ sở giáo dục và các tổ chức cá nhân có liên quan.
Mục tiêu của ngành giáo dục là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GDĐT. Từ đó, góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới.
Minh Duyên (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất