Ngẫm từ cái chết của nữ sinh bị người yêu đâm 15 nhát dao ở Quảng Nam

14/12/2017 18:23 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi vừa đi đưa đám tang một học trò. Em bị bạn trai giết với 15 nhát dao vì mâu thuẫn tình cảm. Một sự việc quá sức tưởng tượng khiến tôi mất ngủ mấy đêm liền.

Thời gian qua, rất nhiều sự việc về sự tàn nhẫn, độc ác của con người với nhau, từ thành thị đến thôn quê, không kể cả thành phần trí thức.Tại sao con người ngày càng độc ác hơn dù họ không đói ăn hay thiếu mặc? Hay nói cách khác khi đời sống vật chất đã được cải thiện hơn rất nhiều so với trước đây, tại sao con người dần trở nên thú tính hơn, bản năng hơn?

Chú thích ảnh
Phan Anh Tú - kẻ đã nhẫn tâm sát hại người yêu bằng 15 nhát dao ở Quảng Nam hiện đã bị cơ quan công an bắt tạm giam

Trước đây, đời sống của chúng ta không quá phức tạp và nhiều bất an như hôm nay. Nhiều giá trị tốt đẹp về tính lương thiện, nhân văn của con người được gìn giữ.

Mọi mối quan hệ từ trong gia đình đến tình làng nghĩa xóm, bạn bè đều được nâng niu trân trọng. Con luôn hiếu thảo với bố mẹ, anh em luôn hòa thuận, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, bạn bè quý mến giúp đỡ.

Phải chăng con người hiện nay chịu nhiều áp lực, không có kĩ năng kiểm soát cảm xúc, chế ngự bản năng trong chính mình. Như chúng ta biết, trong mỗi người đều có hai phần, phần con và phần người, nói như Freud nhà tâm lí học đã đề cập trong phạm trù cái id (bản năng), ego (bản ngã, ý thức), super ego (siêu ngã). Cái ấy, hay còn gọi là cái bản năng vô cùng mạnh mẽ chi phối tất cả.

Nếu chúng ta không lấy cái bản ngã, ý thức để kiểm soát và khống chế thì chúng ta sẽ trở thành nô lệ của nó. Phần lớn, con người hôm nay sống theo bản năng và trở thành nô lệ bị bản năng điều khiển. Ngoài ra, việc sử dụng các chất gây nghiện, tình trạng ngáo đá cũng dẫn con người đến cái ác.

Để ngăn chặn và đầy lùi cái ác, theo tôi cần phải thực hiện đồng bộ nhiều phương pháp. Hơn bao giờ hết, cần giáo dục ý thức nhân văn, nhân bản, nhân đạo cho giới trẻ. Chương trình giáo dục nên quan tâm sâu sắc đến việc hình thành nhân cách của người thông qua việc bồi đắp Chân, Thiện, Mĩ  thay vì nhồi nhét kiến thức.

Bên cạnh đó, giáo dục trong gia đình phải được đề cao. Mọi thành viên trong gia đình cần quan tâm, chia sẻ với nhau thay vì dành thời gian online, mạng xã hội. Bố mẹ nên thường xuyên tâm sự và vui chơi cùng các con, những bữa ăn gia đình được chăm sóc, thông qua những câu chuyện giáo dục cho con về truyền thống gia đình, về những giá trị cao đẹp của dân tộc, chân lí bầu ơi thương lấy bí cùng, lá lành đùm lá rách. Trong xã hội, đừng đánh giá con người nặng về vật  chất, theo kiểu người có tiền lời nói mới có giá trị, mà nên tôn trọng nhân cách con người.

***

Đứng ở phương diện cá nhân, và theo tôi, đây là yếu tố quyết định,  mỗi người nên ý thức cao về giá trị sống, lí tưởng sống của mình, đừng sống buông thả, đừng quá hưởng thụ và nuông chiều cảm xúc của mình, đừng quá tham vọng và đẩy tham vọng của mình lên cao.

Cuộc sống con người không chỉ có ăn, ngủ, mặc, ở...mà quan trọng hơn là đời sống tinh thần. Làm sao để thế giới đời sống tâm hồn trở nên phong phú, nên có thói quen làm đẹp tâm hồn bằng cách đọc sách, nghe nhạc, làm từ thiện, đi du lịch, bằng sáng tạo nghệ thuật để lưu danh thay vì chỉ biết bon chen kếm tiền và xem tiền là mục đích.

Hơn nữa, mỗi người cần biết cách kiềm chế và kiểm soát những cơn giận của mình, chúng ta học cách nhẫn nhịn, nghĩ xa hơn, nhân ái hơn với niềm trân trọng cuộc đời mỗi người là một sự sống thiêng liêng, một sự khác biệt. Sống làm sao để không hổ thẹn là một con người. Con người có suy nghĩ, có tình yêu thương đồng loại vì con người có khối óc và trái tim nhân ái.  

Tiến sỹ Huỳnh Thu Hậu (Đại Học Quảng Nam)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm