Ngẫm ngợi cuối tuần: Có phúc có phần

08/06/2024 06:51 GMT+7 | Văn hoá

Chú em tôi người nhỏ, tính hiền hậu. Thể chất yếu đuối, chú theo học cũng chật vật. Mãi mới ngoi lên được lớp 7. Và bị chặn tại cái "barie" cấp 2 ấy luôn bằng 3 lần nhảy rơi sào!

Thế là chú đành ở lại nhà theo đuổi nghiệp cầm cày.

Chú lấy vợ muộn màng. Đời chú không có tình yêu. Hôn nhân là do gia đình sắp đặt. Lấy vợ muộn nhưng kết quả cao. Chỉ mấy năm vèo qua, chú có 5 con: 4 trai, 1 gái đẹp như hoa.

Chú lành, còn vợ chú cũng không tháo vát. Hàng ngày chú không lúc nào ngơi tay việc, nhưng rất kiệm lời. Quả tình nhiều lần về nhà tôi chưa từng một lần nghe được vợ chồng chú chuyện trò.

Cảm giác cái nghèo trùm lên gia đình chú từ tình cảm sống đến tiền bạc… Nhưng bù lại, cứ tuần tự nhi tiến, các con cứ lớn dần lên trong vô thức. Vợ chồng chú không thấy bàn nhau công việc, cũng như không bao giờ thấy cãi nhau, nhưng mọi việc rồi đều đâu vào đấy cả.

Câu chuyện của vợ chồng chú chỉ có thể giải thích là chú thím hiểu nhau qua hành động. Tựa nhưng trong giấc mơ người ta nói với nhau rất nhiều nhưng không bao giờ thấy mở miệng, không nghe thấy âm thanh nhưng đều hiểu nhau hết, như có đường truyền ngầm.

***

Cũng may, dù nhà chú chẳng bao giờ đủ ăn nhưng không đứa nào sài đẹn. Ở trường về, ngoài đứa chăn trâu như mặc định, thì còn lại đứa nào chơi hay làm gì thì tùy. Còn chuyện học hành thì bố mẹ không bao giờ kiểm tra, không ai kèm cặp, không học thêm học nếm, không gì hết. Không định hướng, không tầm nhìn. Mỗi lần về quê ngồi uống trà cùng chú, tôi hỏi đám con làm gì, chú bảo không biết. Hỏi đứa vắng mặt đi đâu cũng không biết. Cái gì về con cũng không biết. Hi hữu có lần chú nói: Nghe bảo nó đi làm quặng ở đâu đấy, ai mà biết được…

Ngẫm ngợi cuối tuần: Có phúc có phần - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thôn quê khi đón đứa con lọt lòng suôn sẻ, người ta bảo: "Có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn". Bây giờ nhớ lại, đầu tư về ăn uống của con một nhà trung lưu ở Hà Nội có thể nuôi được 10 đứa con của chú ấy. Trước hết ngoài sữa mẹ thì chúng không bao giờ biết đến sữa nào khác …Thế mà chúng cứ lớn thồi thồi. Chúng ăn bất cứ cái gì ăn được. Lạc sống, khoai lang, bắp nước, ăn sống tuốt.. Thành ra nhà chú cũng đỡ đi một phần củi lửa.

Bây giờ ở thành thị người ta nuôi con như đang hoàn thiện một tác phẩm nghệ thuật. Còn vợ chồng chú em còn chẳng cần nhớ ngày tháng năm sinh của các con. Chú bảo cái đó có trong giấy khai sinh cả, nhớ làm gì cho nặng đầu, cần thì mở ra mà xem!

  ***

Trần đời chú chưa từng đọc một cuốn sách hay truyện tranh, còn nói gì đến thơ phú. Chú dứt tình với chữ nghĩa từ ngày buông bút cuối cấp 2. Từ đấy không bao giờ ngó lại sách vở. Sách vở với chú là những thứ xa lạ ngoài vũ trụ của mình. Có lẽ vậy mà chú thảnh thơi yên vị với việc lao động kiếm sống đơn giản như đan lát, làm vườn, trồng sắn khoai, rỗi thì chắp tay sau lưng đi chơi trong xóm hoặc làm chén rượu rồi nằm khoèo.

Đám con chú ấy lớn lên vào thời ma túy lộng hành. Con cái mấy thằng bạn tôi lần lượt sa chân hút hít. Mỗi lần về qua nhà, nghe tôi hỏi han cảnh giác nhắc nhở, mặt chú vẫn lạnh tanh: "Ồi dào, kệ, đứa nào ngu thì cho chết". Nói xong lại ngồi ngậm tăm như chả có chuyện gì quan trọng. Thế mà lạ, cả bốn đứa không đứa nào vướng vào ma túy.

Giờ thì con cái nhà chú đều đề huề. Thằng cả thì có nghề sửa ti vi, điện lạnh luôn bận rộn. Thằng 2 làm thợ xây suốt năm lòng vòng trong xóm xã chẳng thiếu việc. Thằng thứ 3 thì trồng cây cải tạo đất, có mấy mẫu rừng keo lá to và làm thêm chè, cũng ổn. Còn thằng út cưỡi xe đạp đi buôn chợ nọ, bán chợ kia mùa nào thức ấy. Nó bảo có hôm không mua được gì, cháu làm cuốc xe ôm, cũng ra tiền, bác ạ.

Còn cô con gái lấy chồng bỏ nghề máy khâu sang nghề đồng nát. Từ đạp xe đi rao mua ời ời, giờ thì lập trạm thu mua tại nhà. Đám đồng nát khởi nghiệp thành vệ tinh cho nó. Chẳng ai ngờ vợ chồng chú ở xó quê  có vẻ cù lần, nuôi con thả cỏ mà có bốn thằng con và cô con gái đều ổn. Giống bố nó, mọi chuyện thời sự, xã hội, chúng không cần biết. Còn chuyện lịch sử thì chỉ xem mấy vở kịch, mấy bộ phim xem trên ti vi là đủ.

Cho đến bây giờ chú mới khật khờ triết lý sau khi nhấp xong vài ba chén: "Bác ạ, có phúc thì có phần, lo trước làm gì!".

Bây giờ thì tha hồ chú nói phét được rồi.

Nhưng chú triết lý có thực tế chứng minh hoàn toàn. Chả biết có phải thánh nhân đãi kẻ khù khờ không, mà nhà chú ấy con cái coi như thành đạt tất, dù không có học hành bằng cấp mà vẫn no đủ. Một kết thúc có hậu như trong truyện cổ tích.

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm