New Zealand dự World Cup sau 28 năm

15/11/2009 08:55 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

* New Zealand – Bahrain 1-0 (chung cuộc 1-0)

(TT&VH) - Sau 28 năm chờ đợi, New Zealand đã giành vé dự VCK World Cup tại Nam Phi vào mùa Hè sang năm nhờ chiến thắng 1-0 trước Bahrain trong trận play-off lượt về châu Á/châu Đại dương. Việc những chú Kiwi giành vé giúp cho châu Đại dương có tới hai đại diện dự VCK, trong khi khu vực Tây Á hoàn toàn bị “xóa sổ”.

Bàn duy nhất của trận lượt về được ghi do công của tiền đạo Rory Fallon ghi ở phút cuối cùng của hiệp 1 từ một cú đánh đầu, còn thủ môn Mark Paston thì đẩy được quả phạt đền ở đầu hiệp hai. Nếu tỷ số là 1-1 thì chính Bahrain mới là đội đi tiếp nhờ luật bàn thắng trên sân khách (lượt đi hòa 0-0 ở Manama). Song những chú Kiwi đã chơi rất kiên cường để đem lại ngày hội lớn cho hơn 3,5 vạn CĐV có mặt trên sân Westpac ở thủ đô Wellington.

Đây là số khán giả kỷ lục cho một trận bóng đá tại đất nước mà bóng bầu dục mới được coi là môn thể thao yêu thích nhất này (ĐT Rugby New Zealand thuộc hàng mạnh nhất thế giới). Đó cũng là điều dễ hiểu bởi đây là lần đầu tiên đội bóng “hàng đầu” ở châu Đại dương này giành vé dự VCK World Cup kể từ năm 1982. HLV hiện nay của họ, Ricky Herbert chính là một thành viên từng dự Espana’82, với tư cách là một hậu vệ. Còn tiền đạo người hùng Rory Fallon chính là con trai của trợ lý HLV hồi đó, Kevin Fallon.


New Zealand dự World Cup sau 28 năm

Dù bị đánh giá thấp hơn đối thủ, song New Zealand đã có đối sách thích hợp để giành chiến thắng, nhờ lối chơi phòng ngự kín kẽ, dưới sự chỉ huy của thủ quân Ryan Nelsen, cầu thủ duy nhất của họ đang chơi ở một giải hàng đầu thế giới. Và khi Bahrain có cơ hội ghi bàn từ chấm phạt đền thì đến lượt thủ thành  Paston đóng vai người hùng khi cản được cú sút của Adnan. Từ sau đó, New Zealand lui về cố thủ, song cũng suýt ghi thêm được bàn thắng qua những đường phản công nhanh.

83    Hiện New Zealand đang xếp thứ 83 trên bảng xếp hạng FIFA. Trong số những đội tuyển đã giành vé dự World Cup 2010 thì New Zealand chỉ xếp trên CHDCND Triều Tiên (93, thứ hạng thấp chủ yếu do ít tham dự các giải quốc tế). Ngoài biệt danh “Kiwi” (thú mỏ vịt đặc trưng của nước này) thi đội tuyển New Zealand còn có biệt danh “All White”, đối lập với đội tuyển Rugby có biệt danh “All Black”.

Như đã biết, do châu Đại dương chỉ có 0,5 suất dự World Cup nên kể từ sau World Cup 2006, đội tuyển Australia đã quyết định “chuyển nhà” tới châu Á, vì họ không muốn số phận phụ thuộc vào những trận play-off với các đại diện của châu Á hay Nam Mỹ. Chính điều đó đã tạo điều kiện cho New Zealand có cơ hội sáng để giành vé dự VCK, bởi nếu Australia còn ở lại thì họ sẽ mãi cam phận đứng sau “Socceroos”. Và sau khi dễ dàng đứng đầu châu Đại dương (những đội còn lại đều là nhược tiểu), New Zealand đã tập trung tối đá cho 2 lượt trận play-off với Bahrain, và nỗ lực của họ đã được tưởng thưởng xứng đáng. Ở VCK vào năm tới, New Zealand hy vọng sẽ làm tốt hơn những gì đã thể hiện ở Confed Cup hồi mùa Hè (thua TBN 0-5, Nam Phi 0-2, hòa Iraq 0-0). Hồi năm 1982, trong lần đầu dự World Cup thì New Zealand cũng đã bị loại từ vòng bảng sau 3 trận toàn thua với những tỷ số rất đậm trước Scotland (2-5), Liên Xô (0-3) và Brazil (0-4).


Như vậy, trong 32 đội bóng dự VCK World Cup 2010 thì có tới 2 đội bóng đến từ châu Đại dương (xét về địa lý), bởi trước đó Australia cũng đã dễ dàng giành vé ở vòng loại khu vực châu Á. Trong khi đó, đây đã là lần thứ hai liên tiếp Bahrain thất bại trong loạt trận tranh vé vợt dự VCK World Cup, sau khi thất thủ trước Trinidad & Tobago cách đây 4 năm. Việc Bahrain bị loại cũng khiến khu vực Tây Á không có bất cứ đại diện nào ở VCK vào năm sau, bởi trước đó những gương mặt quen thuộc như Saudi Arabia hay Iran đều đã thất bại.

Thùy Vy

 

Người hùng Fallon từng là tuyển thủ Anh

Trong lần đầu dự World Cup năm 1982, đội hình của New Zealand toàn những cầu thủ vô danh thi đấu ở trong nước (lúc đó ngôi sao Wynton Rufer, người sau này được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất châu Đại dương thế kỷ XX, mới có 19 tuổi). 

Lần này cũng không khác là bao, ngoài thủ quân Ryan Nelsen đang thi đấu cho Blackburn, những cầu thủ còn lại đều thuộc hàng vô danh, chủ yếu đang chơi cho các CLB trong nước. Bên cạnh Nelsen thì người hùng Rory Fallon cũng chơi ở Anh từ nhỏ, nhưng cũng chưa từng biết mùi Premier League. Cầu thủ này khởi nghiệp ở Barnsley rồi sau đó cũng chỉ quanh quẩn ở các CLB tại Championship, và hiện đang neo đậu ở Plymouth. Fallon mang 2 quốc tịch New Zealand – Anh và từng chơi cho đội U16 xứ sương mù. Nhưng khi thấy cơ hội đứng trong hàng ngũ Tam sư không có, anh đã trở về chơi cho đội tuyển quê hương sau khi FIFA ra điều luật cho phép đổi đội tuyển nếu như chưa từng chơi cho ĐTQG nào trước đó.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm